Năm 2018, Triều Tiên sẽ mở cửa đối thoại với Mỹ về chương trình vũ khí của mình, cũng như theo đuổi nối lại quan hệ hữu nghị với Hàn Quốc. Đây là dự đoán lạc quan của chính phủ Hàn Quốc cho năm mới sắp đến.
“Triều Tiên sẽ tìm kiếm thương lượng với Mỹ, trong khi tiếp tục nỗ lực để được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân” - Bộ Thống Nhất Hàn Quốc viết trong báo cáo công bố ngày 26-12, không nói rõ lý do dẫn tới dự đoán này.
Phía Mỹ vẫn xác định mong muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng giải pháp ngoại giao, tuy nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thẳng sẽ chỉ đàm phán một khi Triều Tiên chấp nhận sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Lính Hàn Quốc tuần tra dọc hàng rào kẽm gai gần khu vực ngăn cách liên Triều, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), ngày 21-12. Ảnh: REUTERS
Vài tháng gần đây đe dọa hạt nhân, tên lửa từ Triều Tiên tăng rất cao sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần sáu cùng hàng loạt vụ thử tên lửa, trong đó có ba lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Mới nhất, ngày 29-11, Triều Tiên đã thử tên lửa ICBM thế hệ mới nhất Hwasong-15 có tầm bắn tiêu chuẩn 13.000 km, có khả năng bắn đến Mỹ.
Không lâu sau vụ thử này Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện và vào bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn. Tuy nhiên, Nhà Trắng xác định lời ông Tillerson không phải là chính sách của Mỹ và vài ngày sau chính ông Tillerson đã phải đính chính rằng sẽ chỉ đàm phán một khi Triều Tiên có một thời gian dài ngưng thử tên lửa, hạt nhân.
Hàn Quốc đưa ra dự đoán lạc quan này chỉ vài ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết trừng phạt nặng việc Triều Tiên thử tên lửa ICBM Hwasong-15 ngày 29-11 qua. Mục tiêu của các lệnh trừng phạt lần này là hạn chế Triều Tiên tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, dầu thô, cũng như giảm nguồn ngoại tệ từ công nhân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.
Hàng rào kẽm gai ngăn cách liên Triều ở TP Paju, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). Ảnh: REUTERS
Đợt trừng phạt này bị Triều Tiên lên án là nhằm phong tỏa kinh tế nước này và là hành động chiến tranh. Tuyên bố trên hãng thông tấn nhà nước KCNA, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói Mỹ đã bị sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên làm cho sợ hãi và “đang ngày càng điên cuồng hơn trong việc trừng phạt và tạo áp lực lên đất nước chúng ta”. Bộ Thống nhất Hàn Quốc tin Triều Tiên cuối cùng sẽ tìm cách né hậu quả trừng phạt.
Dự đoán lạc quan của Hàn Quốc đến trong bối cảnh Joongang Ilbo Daily dẫn lời một quan chức Hàn Quốc không nêu tên ngày 26-12 rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phóng một vệ tinh. Báo Rodong Sinmun của Triều Tiên ngày 25-12 nói “phát triển công nghệ không gian một cách hòa bình là quyền hợp pháp của một nước có chủ quyền”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Triều Tiên viện đến các vụ phóng vệ tinh này nhằm phục vụ mục tiêu phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo.