Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-7 về Luật Hàng không dân dụng, trước thực trạng hoãn, hủy chuyến bay liên tục gia tăng gây bức xúc dư luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật này quy định các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng bức xúc trên.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đây là vi phạm hợp đồng vận chuyển, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách. Ủy ban Pháp luật trên cũng chỉ thẳng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do doanh nghiệp hàng không thực hiện dồn chuyến, thay đổi kế hoạch bay... Tuy nhiên, qua rà soát các quy định trong Luật Hàng không hiện hành cho thấy còn thiếu các quy định tiêu chuẩn tối thiểu mà các doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách trong trường hợp xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến. Không chỉ vậy, chúng ta còn thiếu các quy định nhằm xử lý đối với những tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng này.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào luật quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển. Đồng thời quy định việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung các quy định nhằm kiểm soát giá cả, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không nên quản lý cả đến bát mì tôm, nước chanh vì không phù hợp với Luật Giá.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho rằng nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay nước ta bị nâng giá rất cao, gây bức xúc trong xã hội trong thời gian qua là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình. “Việc bổ sung quy định trên là cần thiết để cơ quan nhà nước kiểm soát giá tại các cảng hàng không, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng” - ông Lý nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại cho rằng nếu đưa các quy định trên vào luật thì rộng quá và sẽ không phù hợp với Luật Giá. “Còn việc giá bát mì tôm, ly nước chanh cao thì phải xem lại giá thuê mặt bằng thế có phù hợp không” - bà Ngân nói. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Giá.
THÀNH VĂN
Đề xuất lập cơ quan độc lập quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Thảo luận về Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình đại diện chủ sở hữu như hiện nay. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước. Do vậy Ủy ban Kinh tế đề xuất thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Giải thích khác nhau về “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ” Chiều 15-7, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận để giải thích về khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo quy định: Cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên sáu tháng tuổi”. Tuy nhiên, Chính phủ lại cho rằng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là: Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula); và sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ sáu đến 24 tháng tuổi (follow-up formula). Qua thảo luận, Thường vụ Quốc hội lại thống nhất không ra nghị quyết giải thích về điều luật trên mà giao cho Chính phủ quy định tại nghị định cho phù hợp. T.VĂN |