Theo phân tích mẫu phở các cháu ăn ngày hôm đó, có loại vi khuẩn tác nhân gây bệnh là Bacillus cereus (thường nhiễm vào các loại thực phẩm trữ lạnh lâu hoặc để qua đêm), các mẫu sữa chua cũng có vi khuẩn này cùng với một số loại vi khuẩn như E.coli, Coliforms fecaux…
Chi cục kết luận các loại thức ăn tại trường bị nhiễm khuẩn do quá trình bảo quản, tiếp xúc và chế biến không kỹ.
Ngay sau vụ ngộ độc xảy ra tại Trường mầm non Thốt Nốt (ngày 8/10), đoàn kiểm tra liên ngành y tế - giáo dục đã tiến hành kiểm tra tình hình vệ sinh, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn ở 13 trường mầm non trên địa bàn.
Ghi nhận của đoàn cho thấy có trên 70% bếp thực hiện đúng quy trình chế biến theo nguyên tắc một chiều, tuy nhiên 12/13 trường quản lý nguyên liệu chưa rõ ràng về nguồn gốc, có trường còn mua sản phẩm gia vị không nhãn mác, lưu mẫu thức ăn chưa đầy đủ…
Trước đó, ngày 9/10, 29 bé lớp chồi được đưa vào Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt cấp cứu trong tình trạng nôn ói, sốt nhẹ và kiệt sức. Chẩn đoán của bác sĩ, các học sinh bị ngộ độc thực phẩm.
Đây là lần thứ hai trong vòng nửa tháng, hàng chục học sinh của trường phải vào viện sau khi ăn uống. Ngày 24/9, 15 bé khối lớp mầm tại đây cũng nhập viện trong tình trạng tương tự.
Theo T. Lũy (Tuổi trẻ)