Hàng không Việt ráo riết mở đường bay mới

Các hoạt động này diễn ra sôi động sau khi đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” được phê duyệt hồi đầu tháng 1-2019. Việc “mở cửa bầu trời” này nhằm hình thành các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không trong nước và quốc tế, giữa thị trường du lịch Việt Nam và các nơi trọng điểm trên thế giới.

Cấp tập mở đường bay nội địa

Theo đó, khởi động cao điểm du lịch hè 2019, đại diện Vietnam Airlines cho biết từ ngày 12-4, hãng sẽ tăng thêm tần suất các chuyến bay giữa Hà Nội - Vinh (Nghệ An) lên ba chuyến/ngày, thay vì mỗi ngày hai chuyến trước đó.

Cùng đó hãng này cũng khai thác đường bay mới Đà Nẵng - Đà Lạt. Đại diện Vietnam Airlines cho rằng việc tăng thêm đường bay mới và tăng tần suất khai thác nhằm hoàn thiện mạng đường bay nội địa và đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân.

Còn hãng hàng không Jetstar Pacific tiên phong mở đường bay Đà Nẵng - Vinh với tần suất ba chuyến/tuần từ ngày 19-4.

Đồng thời hãng này cũng mở bán vé trên hai đường bay, giữa Đà Nẵng - Phú Quốc (từ ngày 25-4) và Đà Nẵng - Thanh Hóa (từ ngày 25-5). Trên hai đường bay nội địa này được hãng khai thác bốn chuyến/tuần.

Nhộn nhịp nhất trong dịp hè này không thể không nhắc đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với công suất thiết kế 3 triệu khách/năm. Hồi đầu tháng 4, hãng VietJet chính thức khai trương năm đường bay nội địa mới đi, đến sân bay Cần Thơ gồm: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh, Cần Thơ - Thanh Hóa, Cần Thơ - Nha Trang và Cần Thơ - Đà Lạt. Đại diện hãng này xác nhận các đường bay mới này sẽ khai thác từ ngày 26-4.

Không bỏ qua mạng bay tiềm năng đến ĐBSCL, hãng Bamboo Airways cho biết sẽ mở đường bay Cần Thơ - Hà Nội với tần suất một chuyến/ngày.

Các hãng hàng không Việt Nam liên tục mở các đường bay mới. Ảnh: P.ĐIỀN

Nhộn nhịp đường bay quốc tế

Về việc mở đường bay quốc tế, hãng VietJet cho hay sẽ mở bán vé đường bay thẳng khứ hồi TP.HCM - đảo Bali (Indonesia) trong các ngày thứ Hai, Tư, Năm, Sáu, Chủ nhật từ ngày 29-5 tới.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc VietJet, phân tích đường bay mới này kết nối hai TP văn hóa, du lịch nổi tiếng, đáp ứng nhu cầu di chuyển, du lịch của người dân và du khách, góp phần thúc đẩy giao thương và hội nhập trong khu vực.

Ngoài ra, hãng này còn khai trương đường bay thương mại khứ hồi Phú Quốc - Hong Kong với tần suất bốn chuyến/tuần từ ngày 19-4.

Đồng thời để mở rộng giao thương, vận chuyển khách du lịch, hãng VietJet còn mở đường bay Nha Trang - Đài Bắc (Đài Loan) hai chuyến khứ hồi vào thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần.

Bên cạnh đó, hãng Jetstar Pacific cũng đang khai thác các đường bay quốc tế giữa Đà Nẵng - Đài Bắc (Đài Loan), Đà Nẵng - Hong Kong và Đà Nẵng - Singapore.

Đáng chú ý, hãng hàng không của Malaysia Air Asia đã mở đường bay từ Kuala Lumpur đến/đi Cần Thơ. Hãng này dự kiến sẽ mở thêm đường bay Cần Thơ - Bangkok vào tháng 5-2019.

Việc các hãng hàng không mở các đường bay mới, chặng ngắn, chuyên gia hàng không, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng đó là tín hiệu tốt để nâng công suất khai thác bay. Đặc biệt là tại sân bay Cần Thơ được thiết kế 3 triệu khách/năm nhưng lâu nay khá đìu hiu khi chỉ khai thác hơn 30% so với công suất thiết kế. Đồng thời việc mở mạng bay nội địa này sẽ giúp sân bay Tân Sơn Nhất giảm tải, thay vì khách từ phía Bắc, Bắc Trung bộ bay đến Tân Sơn Nhất rồi tăng bo đường bộ về ĐBSCL hoặc ra đảo ngọc Phú Quốc.

Đại diện phụ trách tour du lịch trong nước của Saigontourist đánh giá việc các hãng hàng không liên tiếp mở các chặng bay mới trong và nước ngoài cũng như tăng tần suất bay các chặng truyền thống giúp hành khách có nhiều lựa chọn đến điểm du lịch hấp dẫn.

Một chuyên gia hàng không phân tích, các chuyến bay trục chính TP.HCM - Đà Nẵng - Hà Nội hiện đã đạt ngưỡng, dư địa khai thác sẽ không còn nhiều do có bốn hãng nội địa cùng khai thác. Trong khi theo lộ trình thời gian tới các hãng đưa máy bay mới vào khai thác nhiều hơn, theo đó các hãng tích cực tìm kiếm các đường bay mới về các địa phương và tăng tần suất bay tại các đường bay truyền thống.

“Động thái này sẽ giúp giảm áp lực lên các đường bay truyền thống khai thác được dư địa đường bay mới. Tuy nhiên, có mang lại hiệu quả hay không thì còn tùy thuộc vào lượng khách, vì thực tế một số đường bay mới mở ra rồi chỉ bay cầm cự một thời gian rồi đóng cửa do khách đi ít” - chuyên gia này nói.

Theo đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch”: Mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm thế giới gồm: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc và Ấn Độ.

Mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm như Đông Bắc bộ, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, ĐBSCL và đảo ngọc Phú Quốc.

Định hướng đến năm 2025, kết nối các đường bay quốc tế đến tất cả cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế của Việt Nam; các đường bay quốc nội kết nối vùng, liên vùng đến các cảng hàng không trong các vùng du lịch nội địa trọng điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới