Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết: Hiệp hội đã thực hiện hai cuộc khảo sát về sức khỏe của DN, tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong quí I và cuộc khảo sát về tác động và những khả năng tiếp cận hấp thụ các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với DN, những thuận lợi khó khăn của DN.
Qua kết quả khảo sát tuy số lượng tham gia khảo sát chưa đủ lớn nhưng cũng đủ để phản ảnh thực trạng của DN về khả năng tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của DN. Đánh giá chung về tình hình DN bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm đến nay.
Tùy theo từng nhóm ngành nghề mà mức độ thiệt hại sẽ khác nhau. Đối với nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin do kinh doanh dựa trên nền tảng số, lao động có trình độ cao, sử dụng ít lao động thông dụng và ít sử dụng mặt bằng đã tận dụng được những cơ hội để sản xuất thiết bị công nghệ cao phục vụ trong sản xuất các thiết bị y tế như sản xuất robot dùng trong các bệnh viện, cung cấp dịch vụ để làm việc trực tuyến…. Do đó mức độ ảnh hưởng của những DN trong lĩnh vực công nghệ cao là thấp, tăng trưởng tốt và có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, chế biến nông sản… Do nhu cầu của thị trưởng đối với sản phẩm thiết yếu tăng cao nên tận dụng được cơ hội sản xuất hết công suất, đầu tư đổi mới công nghệ đưa thêm nhiều sản phẩm mới mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm công nghệ chế biến nông sản vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân vừa tăng thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, nhóm DN này cũng có mức độ tăng trưởng trong quý I và tiếp tục có cơ hội phát triển trong tương lai.
Nhóm một số DN trong lĩnh vực dệt may, da giày chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, bảo hộ y tế phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN dệt may cũng cho rằng nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt và sẽ khó khăn trong thời gian tới bởi giá trị xuất khẩu cao và các bảo hộ y tế không đủ thay thế cho các đơn hàng cho những sản phẩm da giày xuất khẩu trong trước đây.
Đối với một số DN đang nhanh nhạy biến thách thức thành cơ hội để tái cấu trúc sản xuất và ứng dụng mạnh giải pháp số, công nghệ số để nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng thì DN có được những cơ hội phát triển trong quý I như kể trên chiếm tỉ lệ nhỏ, phần lớn DN còn lại đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Các DN hoạt động kinh doanh trong ngành nghề trọng điểm của thành phố như cơ khí, cao su, nhựa, đồ gỗ, dệt may, da giày... không phân biệt quy mô lớn nhỏ, vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ đều đang trong tình trạng cạn kiệt nguồn lực kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gãy, kéo theo nguy cơ mất tính thanh khoản rất cao.
Từ đó quy mô sản xuất bị thu hẹp, người lao động phải ngừng làm việc ngày càng cao lên trên quy mô rộng. Dự báo trên quý II sẽ suy giảm nghiêm trọng và số lượng DN phải ngừng sản xuất, phá sản có nguy cơ tăng cao. Số liệu khảo sát chỉ có 21% DN tham gia khảo sát trả lời tiếp tục cầm cự được hết tháng 5, 12% DN tham gia khảo sát tiếp tục duy trì đến hết tháng 6, 12% DN có thể duy trì đến hết tháng 9, 2% DN nói có thể cầm cự đến cuối năm và 19% DN cho rằng sẽ phá sản trong quý II, 34% DN không xác định thời gian cụ thể.
Khảo sát về tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ có 73% DN nói rằng biết đến các gói chính sách của Nhà nước gia hạn nộp thuế, gia hạn nộp tiền thuê đất, 31% DN nói là đã có tiếp cận. 53% DN biết đến chính sách ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay và 28% DN đã có tiếp cận. 58% DN biết đến chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn, 17% DN đã tiếp cận.
63% biết đến chính sách hỗ trợ người lao động và DN và 8% DN đã tiếp cận được gói hỗ trợ này. 58% DN được hỏi biết đến chính sách vay tiền trả lương cho người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và 34% DN đã có liên hệ tiếp cận.
Việc khảo sát trên quy mô nhỏ chưa phản ánh đủ thực trạng của từng DN nhưng cũng đã cho chúng ta nhận định các gói chính sách hỗ trợ đối với người lao động và DN được thành phố triển khai rất khẩn trương và việc sử dụng ngân sách đúng đối tượng, tránh thất thoát, có hiệu quả và được thực hiện nhanh chóng.
Tỉ lệ DN nhận biết và tiếp cận được các chính sách là dấu hiệu tốt, thành phố cũng thể hiện rất rõ thái độ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, nâng cao sức cạnh tranh để phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì theo ông Chu Tiến Dũng cũng đưa ra một số hạn chế.
Theo khảo sát của HHDN TP có tới 61% DN được hỏi cho rằng việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi. Về lý do chưa thuận lợi thì có 28% nêu ý kiến các thủ tục phức tạp, 14% cho rằng cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình, 9% DN chưa có người làm do đã ngừng hoạt động, số còn lại không có ý kiến.
Hiệp hội đã phối hợp với NHNN Chi nhánh TP.HCM thiết lập cơ chế thông tin nhanh danh sách các DN bị thiệt hại do dịch COVID-19 đang nợ ngân hàng và chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng để hỗ trợ kịp thời. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01 về các chính sách hỗ trợ DN nhưng vẫn phải chờ khung pháp lý về tiêu chí áp dụng đối với từng đối tượng thụ hưởng DN mới có thể tham gia.
"Các rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch COVID-19 gây, ra, tài sản thế chấp, chứng minh khả năng trả nợ vẫn là những nút thắt rất lớn để DN tiếp cận được các nguồn vốn vay. Ngay cả khi tiếp cận được các ngân hàng thì số lượng vốn được các ngân hàng cho các DN vay cũng không thỏa mãn được kế hoạch phát triển và tăng trưởng của DN" - ông Dũng nhấn mạnh.
Để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Hiệp hội DN thành phố đề xuất chính quyền thành phố đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu khi nới lỏng cách ly quốc tế; từng bước nới lỏng cách ly xã hội để nhanh chóng phục hồi môi trường kinh doanh trong nước; khai thông khu vực dịch vụ vận chuyển giúp lưu thông hàng hóa và đặc biệt là giải phóng hàng hóa ở cảng; triển khai nhanh các dự án đầu tư công và có thêm những tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu... đối với các dự án đầu tư công, các gói mua sắm Chính phủ, quan tâm nhiều hơn sử dụng sản phẩm trong nước, công khai thông tin tạo cơ hội để DN trong nước hoàn thiện chất lượng sản phẩm.
Đối với DN tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm phòng chống dịch, các cấp các ngành cần tập trung giải quyết nhanh các thủ tục để DN có thể tham gia xuất khẩu sang các nước đang có nhu cầu....
Hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng liên kết nội địa, chuyển đổi nguồn cung cấp nội địa, hỗ trợ các DN đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô nông sản.
Ngân hàng cần ưu tiên cho vay nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cung cấp vốn cho DN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ...
Gia tăng nghiên cứu môi trường pháp lý để hỗ trợ khuyến khích và thúc đẩy DN ứng dụng và chuyển đổi mạnh sang môi trường kinh doanh số, tạo điều kiện để giảm mạnh chi phí sử dụng dịch vụ số.