Chú trọng du lịch nội địa, giảm thuế, bảo hiểm
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nặng nhất và cũng là ngành hồi phục chậm nhất. Dự báo phải mất ít nhất một năm mới có thể phục hồi bình thường với điều kiện các nước cũng khống chế được dịch, vì khách quốc tế đi du lịch đặt trước cả năm. Các DN phải tập sống chung với dịch và phải chủ động có phương án phục hồi hoạt động kinh doanh bằng việc thích nghi, thay đổi quản lý nhân sự, sử dụng công nghệ nhiều hơn… Vượt qua được khó khăn, DN sẽ mạnh hơn.
Du lịch nội địa sẽ lên ngôi và xu hướng khách du lịch trong nước sẽ thay đổi. Khách sẽ thích tự đi du lịch từng nhóm nhỏ nhiều hơn nên DN phải giảm làm tour mà sẽ làm từng phần dịch vụ du lịch. Ví dụ, các nhóm khách sẽ tự đặt khách sạn, thuê hướng dẫn… Khi đó, tự các DN du lịch sẽ có nhiều dịch vụ cộng thêm cho khách, khách nội địa sẽ được “cưng chiều” hơn như đến tận nơi tư vấn, xe đưa đón từ nhà, khuyến mãi giảm giá…
Cái DN du lịch cần lúc này là “cần câu, cách câu” chứ không cần Nhà nước cho “con cá”. Cụ thể, Nhà nước nên giảm 50% thuế VAT, thuế thu nhập DN, mức đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, Nhà nước không cần phải bỏ ra tiền, chính sách hoàn toàn minh bạch, không cần xét duyệt và sẽ triệt tiêu nhóm lợi ích, DN nào có làm thì
được giảm.
Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt
Cơ hội tái đầu tư quỹ đất, giải phóng mặt bằng
Thách thức của các DN bất động sản là nguồn lực tài chính, phải lấy doanh thu năm ngoái để chi tiêu cho những tháng đầu năm và sẽ khó khăn trong những tháng tới, không chỉ trong việc tái đầu tư.
Khách hàng cũng sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn các kênh đầu tư vì tâm lý thắt chặt chi tiêu để dự phòng những biến động kinh tế - xã hội có thể xảy ra. Vì vậy rất cần các chính sách hỗ trợ giảm lãi vay, giãn nợ cho người vay mua nhà, cho DN.
Với bất động sản nhà ở tại TP.HCM thì kế hoạch mở bán lại của các DN gần như không có gì thay đổi nhưng các DN có nguồn hàng lớn sẽ gặp rất nhiều áp lực trong thời gian tới, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm bình dân, trung cấp hơn. Và khách hàng sẽ hưởng được nhiều quyền lợi chiết khấu, quà tặng, tiện ích... Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chắc chắn phải cân đối lại giá, buộc phải có một mặt bằng giá mềm hơn. Ít chủ đầu tư dám cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Hậu dịch COVID-19 là thời điểm thuận lợi để các DN tái đầu tư quỹ đất, đẩy mạnh đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là thời điểm tốt để DN có thể thương thảo đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập (M&A). Lý do, khủng hoảng sau dịch, một số bất động sản của DN khó khăn sẽ đem ra chào bán với giá mềm hơn. Dự báo thời điểm sôi động các thương vụ M&A sẽ diễn ra vào tháng 9, 10 năm nay.
Ông NGÔ ĐỨC SƠN, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings
Đầu tư mạnh công nghệ bảo quản
Xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng rất nặng nề vì các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) không thể chở nông sản mà ưu tiên vận chuyển các thiết bị y tế. Ngành rau quả đang phục hồi tốt trở lại nhưng chi phí vận chuyển cao (phí vận chuyển hàng không sang Mỹ trước đây chỉ hơn 3 USD/kg thì nay đã 5 USD/kg). Phí tăng khiến giá tới thị trường nhập khẩu cao hơn, áp lực cạnh tranh hơn với các nước khác.
Riêng phí vận chuyển đường tàu biển là ổn định nhưng để có thể khai thác, DN cần làm tốt công nghệ bảo quản vì thời gian vận chuyển dài ngày.
Hệ thống cửa hàng của DN trong nước bắt đầu mở lại nhưng chủ yếu bán online, thăm dò tình hình thị trường rồi mở lại hoàn toàn.
Đây cũng là dịp DN củng cố lại nhân sự, vùng trồng, quan hệ liên kết.
Về hỗ trợ tạm hoãn nộp bảo hiểm xã hội, nên chăng miễn hoặc giảm sẽ hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế cần được triển khai ngay…
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T
Lấy nội lực làm gốc, ngoại lực chỉ là hỗ trợ
Sắp tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ tổ chức một buổi tọa đàm với các hiệp hội, các hội ngành nghề và DN cùng các chuyên gia kinh tế để trao đổi, bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, hiệp hội đang bám sát các hội ngành nghề, các DN để nắm bắt các thuận lợi, khó khăn cùng các cơ hội, thách thức của từng ngành nghề, lĩnh vực để có đề xuất hiến kế cụ thể với lãnh đạo TP.
Đồng thời, hiệp hội đang triển khai các khảo sát trực tiếp từng DN để nhận diện được những khó khăn thực tế. Quý I-2020, dù ảnh hưởng vì cách ly xã hội nhưng DN vẫn tận dụng được những nguồn lực, dư địa từ những tích lũy tài chính, hợp đồng… từ năm trước chuyển qua. Thế nhưng sang quý II-2020, các nguồn lực tài chính sẽ cạn kiệt, nguy cơ đổ vỡ rất cao, nhiều DN có thể không trở lại hoạt động được hoặc hoạt động lại nhưng không thể phát triển, không phục hồi được sản xuất…
Vì vậy, những gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ đưa ra cần phải triển khai thật nhanh để DN có thể tiếp cận được ngay.
Từ khóa “chuyển đổi”, “linh hoạt” lúc này là rất cần đối với bản thân DN. DN phải tự rà soát quy mô hoạt động, dự báo được tình hình trong thời gian tới, lấy nội lực làm gốc, ngoại lực chỉ là hỗ trợ. DN phải tự tính toán thay đổi sản phẩm, thay đổi thị trường cho đến các yếu tố đầu vào, cân đối xem cái nào hiệu quả thì để lại, cái nào không hiệu quả thì bỏ. Nền tảng số hóa là yếu tố tất cả DN phải chú trọng trong thời gian tới.
Ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA)