Thời điểm hiện tại, có 40 trường tại quận Bình Tân đã phải tạm dừng hoạt động căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe cho đến khi được phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo Nghị định 151.
Trước đó, nhiều quận, huyện khác tại TP.HCM cũng đã phải ra thông báo trên. Thực tế, việc lập đề án và phê duyệt gặp rất nhiều khó khăn.
Nghị định số 151/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó Điều 44 quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Tài sản có giá trị lớn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56; điểm a khoản 2 Điều 57 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với loại tài sản và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Khoản 2, Điều 46 của nghị định này quy định: Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 44 nghị định này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định cụ thể việc cho thuê tài sản công.
Tạm dừng hoạt động căn tin, bãi xe...
Thanh tra TP.HCM vừa ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước tại UBND quận Bình Tân.
Theo đó, quận Bình Tân có 40 trường công lập và 2 địa chỉ của Trung tâm Văn hóa – Thể dục Thể thao quận sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được UBND TP.HCM phê duyệt đề án, chưa đảm bảo quy định tại khoản 2, điều 46 của Nghị định 151.
Do đó, ngày 16-7, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân đã yêu cầu các trường này phải tạm dừng các hoạt động cho thuê tài sản công làm căn tin, bãi xe, bếp ăn cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê đúng mục đích.
"Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê làm căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn trường học rất phức tạp. Các trường đã làm đề án nhưng chưa được phê duyệt vì vướng nhiều thứ. Vì thế, thực hiện theo Nghị định 151, các trường sẽ phải tạm dừng hoạt động căn tin, bãi xe chờ ý kiến chỉ đạo" - một cán bộ quản lý tại quận Bình Tân nói thêm.
Không chỉ quận Bình Tân mà thời gian qua rất nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM cũng gặp vướng mắc khi thực hiện Nghị định 151 trong vấn đề sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết. Các quận Tân Phú, quận 8… đã tạm dừng hoạt động căn tin, bếp ăn, bãi xe theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết vì đề án chưa được phê duyệt theo đúng quy định.
Trưởng phòng GD&ĐT tại một huyện ngoại thành cho biết, các trường học trên địa bàn đã làm đề án liên doanh, liên kết nhưng chưa được trường nào được phê duyệt. Vì thế, các trường đã tạm dừng hoạt động căn tin, bãi xe theo hình thức liên kết. Hiện các trường tự tổ chức những cũng gặp khó.
"Hy vọng TP sớm có giải pháp gỡ vướng cho các trường trong vấn đề này vì năm học mới sắp bắt đầu. Bởi việc tạm dừng hoạt động căn tin thì thiệt thòi nhất là học trò" - vị này nói thêm.
Về vấn đề trên, ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận Tân Phú cho biết do vướng Nghị định 151 nên Trung tâm đã tạm dừng hoạt động căn tin và liên kết đào tạo.
Ông Tòng cho biết theo Thông tư số 01/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Trung tâm còn có nhiệm vụ liên kết đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; liên kết đào tạo đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, do vướng Nghị định 151, Trung tâm không thể thực hiện được chức năng này, nên công tác đào tạo nghề chưa đa dạng về trình độ nghề và số lượng nghề. Từ đó, chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn.
Vấn đề căn tin và giữ xe đây là hai hoạt động hỗ trợ cho quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm. Nhưng hiện nay đề án sử dụng tài sản công của Trung tâm chưa được UBND TP phê duyệt, nguyên nhân khó khăn nhất là giá thuê đất.
Theo ông Tòng, năm học mới sắp tới, ông hy vọng UBND TP sẽ có hướng gỡ khó giúp cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận/huyện, các trường phổ thông trên địa bàn TP có thể tổ chức được hoạt động liên kết đào tạo và căn tin, bãi xe.
Trong thời gian chờ phê duyệt, có thể đấu thầu công khai
Trong công văn 2575 của Sở GD&ĐT gửi Sở Tài chính năm 2021, có nêu căn cứ thông báo số 634 của Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của UBND TP về việc giải quyết một số kiến nghị của Sở GD&ĐT trong việc thực hiện kết luận Thanh tra số 08 có nêu: “Chấp thuận chủ trương các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GD&ĐT tiếp tục được duy trì giữ xe, căn- tin, hồ bơi, nhà thi đấu phục vụ cho nhu cầu học tập, rèn luyện của giáo viên và học sinh, tuy nhiên cần phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành".
Công văn 2575 cũng nêu rõ: "Sở GD&ĐT đã gửi Công văn số 57/GDĐT-KHTC ngày 7-1-2020 đến các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn việc sử dụng tài sản công, trong đó nhấn mạnh một số nội dung về việc lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo Nghị định số 151/2017 và tổ chức rà soát các hợp đồng cho thuê tại đơn vị, trong trường hợp hết hạn thì tổ chức đấu giá việc cho thuê, thời hạn hợp đồng 1 năm (từ năm 2020 trong thời gian chờ phê duyệt Đề án); đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, quản lý, tính hao mòn, theo dõi tài sản cố định theo quy định hiện hành".
Thực tế, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đang thực hiện việc đấu giá hàng năm đối với căn tin, bãi xe. Tuy nhiên, hoạt động này các trường cũng gặp khó.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho hay việc tổ chức đấu giá từng năm do Sở GD&ĐT quy định đã điều kiện cho nhà trường hoạt động. Tuy nhiên, quy trình đấu giá cũng giống như đấu thầu, phải tốn ít nhất 4 tháng chuẩn bị hồ sơ sổ sách.
Việc đấu giá theo quy định tổ chức 1 năm/lần, do đó chủ đầu tư cũng không mặn mà bỏ kinh phí để đầu tư cho các hạng mục vì họ không biết liệu năm sau còn trúng thầu hay không. Vì thế, họ chỉ làm cho có.
Do đó, ông Phú mong rằng các ban ngành sớm có giải pháp tháo gỡ Nghị định 151 cho các cơ sở giáo dục. Bởi thực tế đó là các hoạt động cần thiết cho học sinh.
Theo kế hoạch, vào thứ 6 tuần này, UBND TP.HCM sẽ có buổi làm việc với các sở tài chính, sở GD&ĐT, Sở Tài nguyên & Môi trường và các đơn vị liên quan báo cáo việc phê duyệt đề án sử dụng tài sản công trên địa bàn TP, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.