Hàng ngàn hecta thanh long bị phá bỏ ở Bình Thuận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-4, tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vừa phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo việc rà soát, xác minh thông tin tình trạng chặt bỏ cây thanh long và tham mưu các giải pháp giúp người trồng thanh long ổn định sản xuất

Tiêu thụ khó, giá chạm sàn

Theo đó, tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm.

Nông dân thuê cơ giới phá bỏ vườn thanh long. Ảnh PĐ

Trong thời gian gần đây, rộ lên thông tin tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có tình trạng người trồng thanh long đang bán vườn, bán đất có trồng thanh long hoặc chặt bỏ chuyển đổi trồng các cây trồng khác.

Tới nay, đã có sáu địa phương thực hiện việc rà soát là Hàm Thuận Nam; Bắc Bình; Tuy Phong; Hàm Tân; Phan Thiết, Tánh Linh.

Kết quả bước đầu cho thấy từ đầu năm 2022 đến nay diện tích thanh long giảm là 936,4 ha, địa phương có diện tích giảm nhiều nhất là huyện Bắc Bình (595,8 ha).

Diện tích thanh long giảm là do nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác như dừa, mít, xoài hoặc cây rừng, trồng cỏ nuôi bò… Riêng diện tích thanh long chặt bỏ, không sản xuất là 477,7 ha, trong đó Bắc Bình (235 ha), Hàm Thuận Nam (174,4 ha)…

Đối với huyện Hàm Thuận Bắc, năm 2021 diện tích thanh long giảm 1,497.29 ha, trong đó, diện tích thanh long chặt bỏ không sản xuất là 1.000 ha.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thanh long liên tục xuống thấp ở mức 1.000-4.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm thanh long chín không có người thu mua.

Thanh long sản xuất ra không tiêu thụ được, nhiều người dân làm thức ăn cho gia súc, thậm chí đổ bỏ. Nguyên nhân là do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch dẫn đến không chủ động trong sản xuất.

Hiện nay, hơn 85 % sản lượng thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khác chỉ 15%.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc làm giảm mức tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên đã tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, cảng... dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thường xuyên, giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài.

Nông dân chặt bỏ trái thanh long do giá xuống tận đáy. Ảnh PN

Đối với thị trường trong nước cũng do dịch bệnh ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm. Thanh long nguyên liệu nguồn cung cho các cơ sở chế biến cũng rất hạn chế.

Trong khi đó, vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến người dân không gánh nổi chi phí để duy trì sản xuất.

Nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nông dân thực hiện các chương trình VietGAP; GlobalG.A.P, hữu cơ trên cây thanh long. Đến nay toàn tỉnh có hơn 12 ngàn ha thanh long được chứng nhận VietGAP; GlobalG.A.P…

Hằng năm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long; tăng cường công tác quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

“Các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi nắm bắt yêu cầu và diễn biến thị trường để định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh. Người dân nên cân nhắc không vội vàng chặt bỏ, không đầu tư chăm sóc mà nên duy trì vườn thanh long bằng cách tưới nước, cắt cỏ, bón phân hữu cơ với lượng tối thiểu để giữ màu xanh của cây, tránh tình trạng cây suy kiệt teo tóp để đến khi tình hình thị trường ổn định thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư khai thác.

Về lâu dài, người trồng thanh long cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, chủ động thực hiện các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường” - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận khuyến cáo.

Trái thanh long bị chặt bỏ ngay trên cành. Ảnh PN

Đơn vị này cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân duy trì việc sản xuất, không chặt bỏ ồ ạt thanh long.

Địa phương thiết lâp bộ phận nghiên cứu, phân tích dự báo nhu cầu thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể. Đồng thời thúc đẩy việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Sở Công thương cập nhật và thông tin kịp thời tình hình thông thương của các cửa khẩu phía Bắc để cho người dân, doanh nghiệp chủ động sản xuất và kinh doanh.

Song song đó, sở đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả thanh long tươi và đặc biệt là thanh long chế biến trong và ngoài nước. Triển khai, thực hiện đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhất có thể để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi…

Bình Thuận triển khai kế hoạch giải cứu thanh long
Bình Thuận triển khai kế hoạch giải cứu thanh long
(PLO)- Tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu phía Bắc vô cùng ảm đạm, thậm chí có cửa khẩu phải tạm dừng thông quan do phía Trung Quốc đang đánh giá mức độ nguy hiểm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm