Hàng rong và đạo kinh doanh

(PLO)- Chúng ta trân trọng việc mưu sinh chân chính bao nhiêu thì càng phẫn nộ với những người coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm bấy nhiêu, bởi nghề gì cũng cần có đạo nghề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ việc người phụ nữ bán bún được cho là đổ thức ăn thừa vào nồi nước lèo ở TP Nha Trang, Khánh Hòa gây xôn xao dư luận đang được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh, làm rõ. Chúng ta trân trọng việc mưu sinh chân chính bao nhiêu thì càng phẫn nộ với những người coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm bấy nhiêu, bởi nghề gì cũng cần có đạo nghề.

Có lần tôi được một người bạn giới thiệu về gia đình mình: “Nhà tôi có bốn anh em đều là doanh nhân”. Sau đó tôi mới biết trong bốn anh em này có hai người là chủ doanh nghiệp nhỏ, hai người bán đồ ăn ở lề đường. Rồi một thời gian nữa biết thêm hàng rong ven đường do người em của anh bán rất đông khách nhưng lúc nào bàn ghế cũng được dẹp gọn vào một bên. Sắp tới, người này sẽ mở thêm một điểm bán hàng rong ở đường khác.

Những ấn tượng tốt về người bán hàng rong ấy làm giảm đi sự ngạc nhiên sau khi cảm nhận vẻ tự hào khi nói về gia đình của anh. Vậy là với anh, người kinh doanhdù lớn hay nhỏ, nếu làm ăn chân chính đều được gọi là doanh nhân. Hoạt động bán hàng rong chân chính cũng có những nguyên tắc kinh doanh riêng.

Gần nhà tôi có một điểm bán bắp luộc bên đường, một lần tôi dừng lại để muavà hỏi nửa đùa nửa thật: “Nhìn bắp luộc hấp dẫn vậy nhưng có đảm bảo an toàn vệ sinh không?”. Người bán trả lời, ánh mắt nhìn thẳng dưới làn mũ vải sờn bạc: “Nếu anh không tin thì không nên ăn”.

Lần khác, tôi ghé vào mua món “quà quê” hấp dẫn này nhưng sực nhớ không đem theo tiền. Người bán cười xuê xoa: “Anh cứ lấy bắp mà ăn, bữa nào tiện trả tiền cũng được”.

Những câu chuyện bình dị nhưng giàu ý nghĩa như thế đã khiến thiện cảm đối với hoạt động bán hàng rong vốn gây nhiều tranh cãi trong dư luận tăng dần lên. Chính vì thế, thật buồn và phẫn nộ khi xem video được ghi từ camera của người dân về một người phụ nữ bán hàng rong bên đường Quang Trung, trước cổng BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang. Đoạn video ngắn nhưng thể hiện hành vi đổ thức ăn thừa vào nồi nước lèo và dồn nước uống thừa vào chai nước lọc.

Hành vi này nhất định phải làm rõ để xử lý trách nhiệm cá nhân và rộng hơnlà nhằm ngăn chặn thói xem thường đạo lý không chỉ trong hoạt động kinh doanh thực phẩm. Đoạn video ngắn nhưng gây sửng sốt dư luận về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là ở cổng bệnh viện nơi mà môi trường lây truyền bệnh luôn ở mức nguy cơ cao.

Phải chăng cần thêm những phố ẩm thực, đặc biệt là tại những điểm du lịch, để những người bán hàng tự cam kết về chất lượng sản phẩm và tất cả hoạt động kinh doanh đều được quản lý, giám sát chặt chẽ. Phải chăng tại những khu vực có nhiều nhu cầu mua hàng rong như trước bệnh viện, trường học, người tham gia bán cần đăng ký với đầy đủ danh tính và cam kết nguồn gốc, chất lượng.

Phải chăng chúng ta chưa dành sự tôn trọng đúng mức với những người bán hàng rong để từ đó đánh thức nhiều hơn sự tự trọng, lương tâm trong họ. Gắn với quan điểm này, sự ra đời của một tổ chức nghề nghiệp, như hiệp hội, đối với những người bán hàng rong là cần thiết…

Mỗi nghề hay việc tồn tại trong đời sống đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và nghề nào cũng có đạo đức của nghề. Chữ “đạo” ở đây không chỉ là luân lý, đạo đức mà còn là chuẩn mực, sự tự tôn, tự hào được thể hiện trong mọi hành động dù nhỏ nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm