Hàng sử dụng 6 tháng nhưng làm thủ tục hết… 3 tháng

Ngày 18-7, tại TP.HCM, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về khó khăn, vướng mắc liên quan đến ghi nhãn, công bố hợp chuẩn, hợp quy và an toàn thực phẩm.

Theo phản ánh từ các DN, để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, DN phải mất rất nhiều thời gian (khoảng 1-3 tháng) và chi phí.

Việc mất ít nhất một tháng cho bộ hồ sơ công bố làm phát sinh chi phí lưu kho, kho bãi, làm mất cơ hội kinh doanh do DN không nhận kịp hàng nên không giao hàng nhanh theo yêu cầu khách hàng.

Bà Lê Thị Trang, Phó Giám đốc thu mua Công ty GM Food, cho rằng thời gian một tháng là đối với hồ sơ suôn sẻ, còn không suôn sẻ thì phải mất ba tháng. Khi làm thủ tục hồ sơ công bố, DN tự mày mò làm hồ sơ nên bị chỉnh sửa nhiều, có khi hàng đến nơi nhưng vẫn chưa xong thủ tục công bố.

Trong hồ sơ làm giấy phép phải có kết quả kiểm nghiệm bản gốc về chỉ tiêu cảm quan, vi sinh, hóa lý của lô hàng từ khách hàng. Nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục này nên DN không biết chính xác chỉ tiêu kiểm của khách hàng có phù hợp và đầy đủ không. Nếu không đủ, hồ sơ trả về, DN yêu cầu khách bổ sung gửi về Việt Nam để nộp hồ sơ, gây mất thời gian và nhiều khách hàng không hiểu, không hợp tác nên DN dễ mất thương vụ với khách hàng.

Đại diện Công ty Agrex Sài Gòn bộc bạch: "Giấy công bố là vấn đề nan giải của công ty. Ví dụ, trong sản xuất tôm tẩm bột, sản phẩm bột chỉ có giá trị sử dụng 3-6 tháng, có khi có kết quả công bố thì hàng đã giảm chất lượng hoặc hết giá trị sử dụng. Điều này làm ảnh hưởng uy tín của DN vì không đảm bảo thời gian xuất hàng theo yêu cầu khách hàng".

Vị này bức xúc: "Chất lượng do khách hàng đã chịu trách nhiệm, sản phẩm để xuất khẩu không tiêu thụ trong nước thì tại sao cần phải công bố phù hợp an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Vì vậy, đối với việc tạm nhập tái xuất, nếu không cần thiết thì nên bỏ hẳn quy định về thủ tục công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm".

DN thủy sản kêu gặp khó vì thủ tục công bố hợp quy mất nhiều thời gian.

Các DN cũng cho rằng hàng nhập khẩu này là nguyên liệu cho sản xuất tiếp và để xuất khẩu. Khi nhập khẩu vẫn tuân thủ đầy đủ yêu cầu kiểm tra nhà nước về hồ sơ và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Vì vậy, VASEP kiến nghị Bộ Y tế chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012 để hàng nhập khẩu (gồm phụ gia, gia vị) để sản xuất xuất khẩu hoặc nhập kinh doanh nhưng làm nguyên liệu sản xuất tiếp thì không phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hoặc xin giấy phép để giảm thiểu giấy tờ thủ tục phiền hà cho DN, tạo thuận lợi cho việc sản xuất xuất khẩu.

Tương tự, quy định hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm để bán ra thị trường nội địa, DN cũng phải mất ít nhất một tháng mới có hồ sơ công bố để bán sản phẩm ra thị trường nội địa. Vì vậy, VASEP cũng kiến nghị thời gian cấp giấy xác nhận công bố trong vòng ba ngày làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm