Hàng trăm tranh chấp về thuế: Cân nhắc giải quyết tại trọng tài

(PLO)- Trong giai đoạn từ năm 2013-2022, Việt Nam có 471 vụ tranh chấp về thuế, chiếm phần lớn là các tranh chấp hành chính như mức thuế áp dụng, hình thức xử phạt thuế...

Nhiều chia sẻ thực tiễn, giải pháp giải quyết tranh chấp về thuế được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp thuế: Thực tiễn Việt Nam và bài học trong khu vực” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) tổ chức ngày 24-10.

Luật sư Cao Đăng Duy, Luật sư Thành viên Rajah & Tann LCT Lawyers, cho biết theo số liệu thống kê về các vụ án hành chính liên quan đến tranh chấp về thuế của Tổng cục Thuế trong giai đoạn từ năm 2013-2022, Việt Nam có 471 vụ tranh chấp. Trong đó, phần lớn các yêu cầu khởi kiện bị bác bỏ hoặc vẫn tiếp tục giải quyết trong thời gian dài.

Những tranh chấp về thuế phổ biến như về mức thuế áp dụng, tranh chấp liên quan đến cơ sở tính thuế, đối tượng nộp thuế, thuế suất, ưu đãi thuế, thu nhập chịu thuế & chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, áp mã HS đối với hàng xuất-nhập khẩu, thời gian và mức miễn-giảm thuế…

Thứ hai là quy định về quản lý thuế, tranh chấp liên quan đến thời hạn khai nộp thuế, hồ sơ khai nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế, thông báo, cung cấp thông tin, hóa đơn chứng từ, quản lý giao dịch liên kết… Thứ ba là hình thức xử phạt, mức phạt áp dụng, cụ thể tranh chấp về mức phạt khai sai, chậm nộp.

Theo LS Duy, các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ kế toán có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật thuế. Đồng thời, thiết lập quy trình rà soát nội bộ để phát hiện và khắc phục các sai phạm về pháp luật thuế trước khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra.

Việt Nam đã dần thay đổi theo hướng quốc tế hóa hơn khi các tranh chấp thuế được cân nhắc giải quyết tại trọng tài. (Ảnh: QH)

“Xem xét tư vấn chuyên nghiệp của hãng luật, luật sư, tư vấn thuế có chuyên môn và kinh nghiệm trong quá trình trao đổi, làm việc với cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế ban hành các quyết định xử phạt hành chính” - LS Duy khuyến nghị.

LS Ngô Quỳnh Anh, luật sư thành viên EP Legal, cũng cho rằng bài học cho doanh nghiệp cần chuẩn bị các hợp đồng, thỏa thuận càng chi tiết càng tốt về các ưu đãi và bảo lãnh thuế trong suốt thời gian hợp đồng, bảo đảm bản dịch tiếng Việt phù hợp với bản gốc; việc khai thuế phải phù hợp với hợp đồng, thỏa thuận.

Ngoài ra, nếu cần thiết thì sự hỗ trợ từ cơ quan chính phủ cũng vô cùng quan trọng.

Ở góc độ cơ quan giải quyết tranh chấp, LS Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, theo thông lệ quốc tế về thực tiễn giải quyết tranh chấp về thuế thường được giải quyết bằng thủ tục thương lượng, hòa giải và giải quyết thông qua tòa án. Tại Việt Nam, giải quyết tranh chấp về thuế thông qua 2 hình thức là giải quyết khiếu nại thuế và giải quyết vụ án hành chính về thuế.

“Gần đây, với sự phát triển ngày một mạnh mẽ của phương thức trọng tài, tranh chấp thuế cũng được cân nhắc giải quyết tại trọng tài (với điều kiện thuộc phạm vi thỏa thuận trọng tài giữa các bên và đúng theo quy định pháp luật).

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đã dần thay đổi theo hướng quốc tế hoá hơn, phù hợp hơn với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới” – LS Bắc chia sẻ.

LS Bắc nhận định các tranh chấp có yếu tố thuế tại VIAC đa dạng các loại thuế trong nhiều ngành, lĩnh vực, kinh doanh và bản chất phát sinh từ bất đồng khấu trừ nghĩa vụ thanh toán hoặc khoản bồi thường thiệt hại.

Từ đó, doanh nghiệp cần tuân thủ thỏa thuận về thuế, thu thập đầy đủ chứng từ nộp thuế và rà soát tính hợp pháp và hợp lý cho các yêu cầu khởi kiện nhằm đạt được hiệu quả cao trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới