Chị Nghiêm Huyền, người tiêu dùng tại Gò Vấp cho biết, dù mới giữa tháng 11 âm lịch nhưng hàng Tết đã ngập tràn các quầy kệ siêu thị, tạp hóa, các hội chợ triển lãm. "Tết sớm nên hàng hóa chào Tết cũng xuất hiện sớm hơn, giá cả phải chăng và hầu hết là các mặt hàng thương hiệu Việt quen thuộc với người dùng" - chị Huyền nói.
Hàng Việt "chiếm sóng"
Bà Ánh Tuyết, chủ tạp hóa Ánh Tuyết tại Gò Vấp cũng nhìn nhận, từ đầu tháng 10 các đầu mối bánh kẹo, bánh mứt Tết đã nhanh chóng chào hàng. Theo quan sát của bà Tuyết, năm nay các sản phẩm của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các mặt hàng OCOP đang được chào hàng nhiều hơn với mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp lý.
“Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thận trọng hơn khi mua sắm nên sẽ e ngại hàng nhập khẩu giá cao và hàng không rõ nguồn gốc. Vì thế chúng tôi chủ động nhập hàng trong nước, với các sản phẩm dễ tiêu dùng lại có tính đặc sản cao như xoài sấy dẻo, hồng sấy dẻo... Dù chưa vào Tết nhưng các mặt hàng này đã được người dùng mua dùng thử, thậm chí còn đặt hàng quà Tết" - bà Tuyết nói.
Ông Nguyễn Ngọc Anh Tùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (Foodmap), đơn vị phân phối nông sản cũng nhận thấy trong hai năm trở lại đây, người tiêu dùng ngày càng đón nhận các sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam. Điều này nhờ vào hàng hóa chất lượng, tính đặc trưng, sự hỗ trợ từ vận chuyển cũng như sự cổ vũ của tinh thần tiêu dùng hàng nội địa.
Năm nay, các sản phẩm giỏ quà Tết của Foodmap có tới 95% là các mặt hàng nội địa từ đồ uống có cồn như rượu đặc sản tới các loại bánh, mứt... Trong đó có một số sản phẩm đặc sản như kẹo dẻo xương rồng, macca Lâm Đồng hay rượu chanh giấy Tây Bắc, trà ô long Mộc Châu....
"Với niềm tin đối với hàng Việt, tôi tin rằng, các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam sẽ tiếp tục được đón nhận. Dự kiến sản lượng hàng Tết của Foodmap sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ" - ông Tùng bày tỏ.
Ở góc độ sản xuất, đại diện công ty cổ phần Bibica cho biết, đã tung ra thị trường hơn 5.000 tấn bánh kẹo các loại, riêng dòng sản phẩm quà biếu là khoảng 6 triệu hộp. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ thị trường Tết 2025, công ty đang tuyển hơn 300 lao động thời vụ để bổ sung nhân lực sản xuất. Đơn vị này kỳ vọng, với dịp Tết 2025, công ty sẽ tăng trưởng 15 - 20% về doanh số.
Ông Đậu Như Anh, Giám đốc mua hàng ngành hàng trái cây chuỗi Bách Hóa Xanh cũng cho hay, đang khẩn trương làm việc với các đối tác để đảm bảo nguồn hàng cho dịp mua sắm cuối năm.
Năm nay đơn vị này tiếp tục “trình làng” thêm nhiều mặt hàng trái cây đặc sản vùng miền được đóng gói thành hộp quà dùng để biếu tặng. Có thể kể đến như Xoài Cao Lãnh, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam (Đồng Nai), bơ booth Lâm Đồng hay dừa dâu, dừa xiêm, dừa dứa của Bến Tre....
“Việc đưa các nông sản đặc sản vào giỏ quà tặng kỳ vọng vừa thúc đẩy đầu ra nông sản vừa quảng bá sản phẩm của Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.
Đáng chú ý, những giỏ quà nông sản này có giá rất phải chăng, chỉ từ hơn 100.000 đồng nhưng người dân vẫn có thể có một giỏ quà tươm tất, lịch sự để trao tặng cho người thân, đối tác trong dịp Tết này”- ông Đậu Như Anh nói.
Không chỉ ngành hàng trái cây, theo đại diện chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh, năm nay hàng Việt đang phủ sóng khắp các quầy kệ của chuỗi từ các sản phẩm từ ngành hàng tươi sống đến các sản phẩm tiêu dùng nhanh.
“Để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết 2025, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với tất cả các đối tác từ sớm, để đảm bảo nguồn hàng, cũng như đảm bảo thời gian cho việc triển khai các chương trình khuyến mãi cho khách hàng mua sắm dịp cuối năm và Tết" - đại diện Bách Hóa Xanh nói.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỉ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.
Không chỉ với kênh bán lẻ truyền thống, trên các sàn thương mại điện tử hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm OCOP đang được đón nhận tích cực, thông qua các phiên livestream bán hàng cùng người nổi tiếng.
Nỗ lực bình ổn giá
Ngoài đẩy mạnh phân phối hàng Việt tới tay người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp còn nỗ lực bình ổn giá, thậm chí còn tính toán các phương án giảm giá, khuyến mãi để kích cầu mua sắm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn đến từ sức mua, lẫn chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong đó có cả ngành sản xuất bánh kẹo, đồ tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này đều phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá bán trong mùa Tết, nếu tăng cũng chỉ vài phần trăm.
Ở góc độ bán lẻ, nói với PLO, đại diện các chuỗi bán lẻ như Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Co.opmart cũng khẳng định đã sớm làm việc với các đối tác về nguồn hàng và giá cả, để hàng hóa trong dịp Tết không biến động.
"Cuối năm, đặc biệt là tuần cận Tết, giá cả một số ngành hàng như hàng tươi sống có thể biến động lớn. Tuy nhiên chúng tôi nỗ lực hết sức để giữ giá bán hợp lý, bình ổn giá, tập trung đem đến các sản phẩm riêng dành cho mùa Tết.
Đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, mua - tặng... cho khách trước và sau Tết như trứng combo giá tốt, mua nhiều lợi nhiều, thịt heo bình ổn giá, mua thịt tặng trứng, gói quà trái cây miễn phí, mua rau trúng vàng, mua trái cây trúng cơ hội dùng gạo 1 năm..."- đại diện Bách Hóa Xanh nói.
Tương tự, hệ thống chuỗi siêu thị Saigon Co.op cũng có kế hoạch khuyến mại Tết liên tục trong 59 ngày với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh. Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, đơn vị này chuẩn bị khoảng 10.000 tỉ đồng hàng tết, tăng từ 20 - 50% tùy nhóm hàng so với tháng bình thường. Trong đó tập trung ngân sách cho các mặt hàng bình ổn, còn lại dành cho thực phẩm, phi thực phẩm và đặc sản tết.
Về phía nhà sản xuất, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay, đang nỗ lực duy trì các hoạt động khuyến mãi và bình ổn giá, trước áp lực đầu ra cho các doanh nghiệp thực phẩm đang có xu hướng giảm.
Đẩy mạnh kênh bán hàng online
Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, dù kinh tế phục hồi nhưng niềm tin tiêu dùng của người dân vẫn chưa cải thiện. Người dân có xu hướng đơn giản hóa thủ tục ngày tết, do đó quà tặng cần thiết thực, tốt cho sức khỏe và vừa túi tiền. Các nhà kinh doanh cũng nên chú trọng kênh mua sắm online, bởi đây là nền tảng đang thu hút nhiều người dùng.
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó TGĐ Tập đoàn KIDO cũng cho rằng sức mua Tết của người tiêu dùng vẫn rất khó đoán. Do đó để tăng điểm chạm, ngoài tận dụng hơn 450.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, thì đơn vị này còn đẩy mạnh hợp tác với đối tác B2B, đưa sản phẩm quảng bá rộng rãi, phát triển bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada... Đặc biệt là chuỗi livestream khai mở Tết trên TikTokShop.
4 xu hướng mua sắm Tết trên online
Ông Hưng Huỳnh, Giám đốc thị trường phụ trách DN vừa và nhỏ TikTok For Business SMB Vietnam cho biết, hiện có 12 triệu video có nội dung về Tết được tải lên nền tảng và hàng tỉ lượt xem, tăng 4 lần so với năm ngoái. Điều này cho thấy Tết online rất nhiều kỳ vọng.
Ông Hưng cũng dự đoán xu hướng mua sắm tết năm nay có thể tập trung vào bốn nhóm chính. Cụ thể: Tết hời - những món quà tự gói, được trình bày hấp dẫn, ưu đãi lớn; Tết mới - những món quà sáng tạo, đưa nét hiện đại vào phong tục truyền thống; Tết tiện - những combo mua sắm giá hời, tiện ích; Tết xanh - tập trung vào các sản phẩm có thời gian sử dụng lâu, tốt cho sức khỏe, hướng đến lối sống xanh.
Các nhà bán lẻ nên tận dụng các xu hướng, trào lưu trên mạng xã hội, gần nhất là mua sắm tết, để tìm kiếm cơ hội "chốt đơn".