Hàng Việt xuất ngoại tăng ngoạn mục nhờ mở cửa

Sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, cước phí vận chuyển tăng cao… thì những tháng cuối năm, xuất khẩu Việt Nam đã bắt đầu hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Nhiều đơn hàng mới

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhận định năm nay là một năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam nhưng nhờ nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và mở cửa kịp thời nên vẫn đạt kết quả tích cực.

“Xuất khẩu dệt may các tháng 7, 8, 9 liên tục giảm, đơn hàng không thể trả cho đối tác, sản xuất gần như đóng băng. Tình hình này chỉ chấm dứt khi sang tháng 10, Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành thì sản xuất mới bắt đầu hồi phục và có thể trả nợ các đơn hàng. Nhờ vậy, ngành dệt may đạt 39 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, tăng 11,2% so với năm trước” - ông Cẩm thông tin.

Xuất khẩu của Việt Nam đang tăng tốc vào dịp mua sắm cuối năm. Trong ảnh:Sản xuất quần áo xuất khẩu tại một công ty dệt may. Ảnh: QH

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng cũng cho biết ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách từ tháng 10, DN trong ngành đã tái khởi động và đến nay đã hoạt động tương đối ổn định, đơn hàng đủ cho sản xuất, lực lượng lao động trở lại làm việc. Đặc biệt, ngoài các hợp đồng cũ, nhiều đơn vị còn có thêm nhiều hợp đồng mới kéo dài sang tận quý II, quý III năm sau. “Tinh thần của người lao động cũng tốt hơn, năng suất làm việc cao hơn nhờ mở cửa trở lại” - ông Hồng nhận xét.

Xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm cũng bắt đầu khởi sắc hơn khi DN có nhiều đơn hàng từ đối tác. Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tanimex-LA, cho hay nhiều đơn hàng từ Mỹ, châu Âu, Trung Đông… được nối lại vào những tháng cuối năm. Hoạt động lưu thông giữa các tỉnh, thành cũng thuận tiện nên tạo điều kiện cho DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

“Mừng vì có đơn hàng mới, có đầu ra và tạo được công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động. Nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều nỗi lo như doanh thu sụt giảm vì giá nguyên liệu tăng cao, chi phí sản xuất, logistics… tăng, trong khi giá xuất khẩu không tăng dẫn đến lợi nhuận giảm” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm nay ước tính đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu thủy sản cả năm 2021 kỳ vọng sẽ đạt 8,4 tỉ USD, tức xuất khẩu thủy sản tháng cuối năm cần thêm 400 triệu USD.

“Mục tiêu trên có thể đạt được vì thời điểm cuối năm là mùa cao điểm tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt sau khi Chính phủ có chính sách nới lỏng các biện pháp trong ứng phó với dịch, phục hồi sản xuất thì tình hình xuất khẩu thủy sản đã bật tăng rõ rệt” - ông Hòe nhận định.

Gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu

Mặc dù hiện nay xuất khẩu đang tăng tốc nhưng các DN cho biết đang gặp không ít khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào đang tăng mạnh. Ngoài ra, nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn nguồn nguyên liệu từ nước ngoài cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Chính vì vậy, ông Phạm Xuân Hồng dự báo năm 2022 vẫn là một năm khó khăn về thị trường, về bài toán chi phí. Trong khi đó, dệt may được đánh giá là ngành được hưởng nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tuy nhiên, đến nay DN trong ngành vẫn chưa tận dụng triệt để được các ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu do các nút thắt về nguyên liệu sản xuất chưa được giải quyết.

“Để hưởng các lợi thế từ FTA, điều tiên quyết là Việt Nam phải tập trung phát triển về nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu qua đó gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu” - ông Hồng nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong thời gian tới Việt Nam phải tiếp tục khơi thông các dòng chảy về vốn. Ví dụ, gói hỗ trợ nền kinh tế hơn 800.000 tỉ đồng của Chính phủ cần triển khai sớm để hỗ trợ các DN. Đặc biệt Nhà nước cần hỗ trợ DN về lãi suất, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, từ đó có được các đơn hàng xuất khẩu mới.

“Trong năm 2022, dự báo xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 15%-20%/năm. Tôi vẫn kỳ vọng vào khả năng mở rộng sản xuất của các DN, khả năng khai thác cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết của DN Việt tốt hơn” - ông Thịnh đánh giá.

Bộ Công Thương cho hay để thúc đẩy xuất khẩu, cơ quan này đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

“Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước” - Bộ Công Thương cam kết.

Từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599 tỉ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm đạt gần 300 tỉ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 299 tỉ USD, tăng hơn 27%. Như vậy, sau 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.

Bộ Công Thương đánh giá sự phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau thời gian giãn cách xã hội đã tạo sức bật rõ rệt cho nền kinh tế. Nếu như cán cân thương mại hàng hóa chín tháng đầu năm ước tính nhập siêu 2,13 tỉ USD thì đến nay cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều ngoạn mục khi đạt con số xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới