Khi trí tuệ nhân tạo bùng nổ, “gõ cửa” từng nhà - Bài 3

Hành động ngay để tạo bước ngoặt mới cho Việt Nam

(PLO)- Dù được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng để phát triển trí tuệ nhân tạo, trước tiên Việt Nam phải giải các bài toán về nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, khung pháp lý…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm gần đây, nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã đi vào nền kinh tế và sự phát triển của AI đã thay đổi thực sự bộ mặt của nhiều ngành nghề. Vì vậy, nếu không nhanh chóng thích nghi với việc ứng dụng AI, nguy cơ các công ty Việt bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng, bị loại khỏi thị trường hoặc mất năng lực cạnh tranh là điều khó tránh khỏi.

Làn sóng lớn nhất từ trước đến nay

“Không một quốc gia nào tụt lại phía sau về AI mà có thể phát triển được”. Ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip NVIDIA lớn nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD của Mỹ, trong chuyến làm việc tại Việt Nam (VN) hồi cuối năm 2023 đã nhấn mạnh như trên.

Ông đánh giá làn sóng mới về công nghệ đang tới và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước đến nay. Đây là cơ hội và cũng là điều bắt buộc dành cho VN. Chính vì vậy, VN cần tận dụng cơ hội và lợi thế của AI bằng cách hành động nhanh nhất có thể để tận dụng làn sóng này.

phát triển.jpeg
Robot chơi đàn piano do Viện Đổi mới sáng tạo UEH và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phát triển. Ảnh: MINH HOÀNG

“AI là một cuộc cách mạng rất lớn, rất nhanh và nó không giống các cuộc cách mạng trước đây. Chính vì vậy, VN phải hành động ngay và nhanh” - ông Jensen Huang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng khả năng cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào việc có thể khai thác tiềm năng AI và đưa ứng dụng vào trong cuộc sống đến đâu.

Tuy vậy, bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain VN, nhận xét rằng: VN đã chậm chân trong giai đoạn đầu phát triển AI. Thực tế trong nhiều bảng xếp hạng khác nhau, top 5, top 10 hay top 20 các cường quốc về AI đều không có VN. Trong khi đó, Singapore lại luôn có mặt trong mọi bảng xếp hạng và xếp số 1 trong số các nước ASEAN về chỉ số sẵn sàng về AI. Hay như Trung Quốc là một ví dụ về việc đã tăng khả năng cạnh tranh thông qua khai thác tiềm năng AI.

Bà Hiền nhấn mạnh: “Một đất nước có các hoạt động khai thác và ứng dụng AI mạnh mẽ trong cuộc sống chính là một hạ tầng tuyệt vời để cung cấp môi trường thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) và các ngành công nghiệp. Không chỉ vậy, đây còn là một trong các nền tảng giúp cả một quốc gia khi tìm kiếm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Thách thức lớn nhất của VN khi phát triển AI

TS Nguyễn Thị Thủy, giảng viên cao cấp chương trình thạc sĩ AI Trường ĐH RMIT VN, nhìn nhận dù VN có nhiều cơ hội để phát triển AI nhưng thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực, đặc biệt là các chuyên gia trình độ cao.

Cùng với đó cơ sở dữ liệu phục vụ cho AI còn hạn chế, thiếu minh bạch, thiếu tin cậy và chưa đảm bảo về an toàn lẫn bảo mật. Thêm nữa, hành lang pháp lý và các quy định của Nhà nước cho nghiên cứu, ứng dụng AI còn thiếu và chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.

“Ngay cả sự phối kết hợp giữa Chính phủ, nhà nghiên cứu, DN trong việc phát triển và ứng dụng AI cũng chưa nhiều, chưa hiệu quả. Trong khi đây là yếu tố thúc đẩy sự phát triển AI tại VN” - TS Thủy đánh giá.

w-P11-bai3_hinh1_nguoi_dan_cmr_AI.jpg
Camera AI đang thu hút sự quan tâm từ người dùng. Ảnh: THU HÀ

Cùng góc nhìn, ông Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số VN, cho rằng VN là nền kinh tế số có hai năm liên tiếp dẫn đầu Đông Nam Á, song năng suất của lực lượng lao động nói chung vẫn thấp so với các nền kinh tế phát triển.

Ông nhấn mạnh: “Sự cạnh tranh của quốc gia không chỉ đến từ việc tạo ra bao nhiêu sản phẩm AI, mà đến từ việc quốc gia đó có đủ nguồn lực về con người để nghiên cứu, làm chủ công nghệ và đưa đất nước trở thành trung tâm mới nổi về AI của khu vực. Để làm được điều này, cần có nhiều hơn sự hợp tác giữa các trường ĐH với DN công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa AI vào chương trình hội thảo, giảng dạy”.

Năm bản lề trong cuộc đua về AI

Năm 2024 có thể là năm bản lề trong cuộc đua về AI. Việc thúc đẩy và tìm kiếm khả năng ứng dụng của AI trong các ngành kinh tế, từ nông nghiệp, bán lẻ, logistics… sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành các bài toán về dữ liệu, hạ tầng, thu hút và phát triển nguồn nhân sự về AI, tạo ra sức cạnh tranh trong tương lai.

Vốn tri thức, hành vi và mạng lưới là ba nguồn vốn chính mà VN cần tận dụng để đạt được lợi thế trong cuộc đua này.

NGUYỄN VÂN HIỀN, Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain VN

Nhà sáng lập Công ty TNHH Bizzi Vũ Trọng Nghĩa cũng thừa nhận dù là công ty công nghệ nhưng trong quá trình triển khai AI, công ty vẫn gặp phải một số thách thức đến từ yếu tố con người.

Ví dụ, khi có sự thay đổi lớn trong cách làm việc, nhân viên khó thích nghi hoặc có tâm lý ngại học hỏi và chưa sẵn sàng chấp nhận ứng dụng công nghệ mới bởi họ cảm thấy khả năng mất việc sẽ bị đe dọa bởi AI. Nhân viên cũng gặp khó khăn trong việc ứng dụng AI.

Trợ lực để VN tự chủ về AI

Theo TS Thủy, chiến lược phát triển công nghệ AI đến năm 2030 xác định mục tiêu đưa VN thành điểm sáng, thành trung tâm công nghệ trong khu vực và quốc tế. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi nếu VN có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua các thách thức.

“Theo tôi, Chính phủ cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế. Cần có chính sách về kinh phí và tạo điều kiện hỗ trợ để thu hút cũng như sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo ở những nước phát triển về VN. Về phía các DN cần tạo cơ hội cho nhân viên được đào tạo, nâng cao kỹ năng về AI; phát triển các sản phẩm, dịch vụ AI phù hợp với đặc thù của VN” - TS Thủy khuyến nghị.

Vị chuyên gia này cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hợp tác công tư phù hợp để nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa ứng dụng AI. Ngoài ra, các vấn đề về khung pháp lý, chính sách bảo mật phải được lưu tâm, tăng cường đầu tư, bởi AI hoạt động dựa theo các dữ liệu số hóa đầu vào.

Ở góc độ DN, ông Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn công nghệ TMA, nhận xét trở ngại lớn nhất của việc áp dụng AI là dữ liệu, vì vậy lời giải cần phải đi sát với đề bài.

“Dữ liệu thiếu là do nhiều công ty chưa số hóa và chuyển đổi số đầy đủ nên chưa có nhiều dữ liệu để phân tích, xử lý và dự báo. Ngoài ra để triển khai cho khách hàng, các giải pháp AI phải đạt các tiêu chí về bảo mật trong từng lĩnh vực. Do đó, các DN phải kiểm soát được hoạt động lưu trữ, chia sẻ và xử lý dữ liệu. Đây là lời giải cho bài toán tự chủ AI của VN” - lãnh đạo Tập đoàn công nghệ TMA nhấn mạnh.

Đưa AI vào sâu trong kinh doanh

Hầu hết chủ DN khi được khảo sát về việc sẽ ứng dụng AI năm 2024 như thế nào, họ vẫn cho rằng ứng dụng AI để xây dựng thương hiệu và thu hút khách hàng.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng khi DN càng lớn, chi phí để vận hành càng cao, đội ngũ nhân sự sẽ không thể nào đáp ứng nhanh chóng nhất trong việc xử lý dữ liệu thì AI sẽ phát huy tác dụng, hoạt động 24/7.

Từ đó các chủ DN, tổ chức sẽ nhận ra rằng: AI không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là một yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí. Đặc biệt nó hỗ trợ việc xử lý các nghiệp vụ trong lĩnh vực trợ lý ảo chăm sóc khách hàng từ bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng…

Vì vậy không chỉ dừng lại ở sự quan tâm, nhiều công ty xem ứng dụng AI cho hầu hết nghiệp vụ liên quan sáng tạo nội dung, chăm sóc khách hàng, xử lý dữ liệu là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là xu hướng ứng dụng chủ đạo trong các DN năm 2024.

Ông ĐẶNG HỮU SƠN,
Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số VN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm