Chúng tôi, những người thực hiện tuyến bài này, cũng không kìm được xúc động.
Cảm xúc ấy y nguyên như một năm trước đó, lúc chúng tôi chứng kiến cảnh chị Nguyễn Thị Thoa, vợ của anh kiểm lâm Vũ Xuân Hải (Lâm Đồng), nức nở khóc khi cầm trên tay tấm bằng Tổ quốc ghi công cho người chồng tận hiến cuộc đời hy sinh để bảo vệ rừng.
Ông Lữ Anh Dồi, nguyên Thiếu úy Công an vũ trang, thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau). Ông là người bị đồng đội sát hại và vu oan có hành vi phản quốc 38 năm trước trong một vụ án nổi tiếng. Nhờ sự lưu tâm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bản án của Tòa án Quân sự Trung ương năm 1989 đã minh oan cho ông Dồi. Tòa xử xong, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Minh Hải cũng đã có giấy báo tử về nhà xác nhận ông Dồi là liệt sĩ. Nhưng sau đó không hiểu vì sao sự việc bị lãng quên, không cơ quan nào đứng ra giải quyết tiếp.
Anh Vũ Xuân Hải (Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng) đã hy sinh vào cuối năm 2014 trong khi quyết liệt ngăn chặn một vụ vận chuyển gỗ trái phép nhưng lại không được công nhận là liệt sĩ chỉ vì cơ quan xét duyệt áp dụng pháp luật cứng nhắc.
Anh Vũ Xuân Hải trong một lần đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: CTV
Cả hai hành trình đấu tranh trên tuy dài ngắn, tính chất phức tạp khác nhau nhưng có chung một điểm đến: Tìm lại công lý cho người đã mất, xoa dịu nỗi đau người ở lại.
Nếu cô Mai, vợ Thiếu úy Lữ Anh Dồi, phải mất đến 27 năm gõ cửa tất cả những nơi có thể gõ để Nhà nước công nhận chồng mình là liệt sĩ thì chị Thoa, vợ anh Hải, đã rơi vào tình trạng loạn thần trong gần hai năm từ khi hay tin chồng mình hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ mà lại không được công nhận liệt sĩ.
Báo chí - cánh cửa cuối cùng được gõ. Tất cả phóng viên, biên tập viên được điều động vào hai sự vụ trên đều xác định mình là “người đồng hành” có trách nhiệm trước nỗi đau của cô Mai và chị Thoa. Mục tiêu đặt ra là sẽ làm hết những gì có thể để đấu tranh giành lại công bình cho anh Hải và ông Dồi. Rất nhiều bài viết đã ra đời.
Mong muốn của chúng tôi sau đó đã nhanh chóng nhận được sự chia sẻ đầy trách nhiệm từ những nhà quản lý, nhân sĩ... Đó là tiếng nói của ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, người đã gửi thư trực tiếp đến Thủ tướng về trường hợp của Thiếu úy Lữ Anh Dồi. Đó là tiếng nói của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó đang là phó chủ nhiệm ủy ban này của Quốc hội; của những lãnh đạo Cục Kiểm lâm và các cơ quan chức trách của tỉnh Lâm Đồng trong vụ của anh Vũ Xuân Hải. Tất cả họ cũng là “người đồng hành”.
Cuối cùng thì những kết quả có hậu cũng đã đến. Hành trình tìm công lý mòn mỏi của cô Mai hay nỗi đau của chị Thoa đã tạm khép lại. Cô Mai nói về những người đồng hành cùng mình suốt trong cuộc hành trình này rằng: “Họ đã cho tôi lòng tin sống và niềm hạnh phúc lớn lao ngay trong những ngày tháng đen tối nhất đời mình”. Đó cũng là hạnh phúc của người đồng hành vậy.