Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự (THADS) chín tháng đầu năm 2022.
Chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Qua nghe báo cáo, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận xét bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS của tỉnh trong chín tháng qua còn một số tồn tại, hạn chế.
Cục THADS tỉnh Hậu Giang có nguy cơ không đạt chỉ tiêu giao năm 2022 trong thi hành án về tiền. Ảnh: CHÂU ANH |
Cụ thể, toàn tỉnh, kết quả thi hành án về tiền, về việc còn thấp so với bình quân chung toàn quốc. Nếu tính luôn 10 tháng, thi hành án về việc chỉ đạt 67,7%, tỉ lệ vẫn còn thiếu so với chỉ tiêu giao, trong khi số án về việc giảm 580 việc so cùng kỳ năm 2021. Còn thi hành án về tiền chỉ đạt khoảng 22%, xếp thứ 58/63 tỉnh thành và dự báo có nguy cơ không đạt chỉ tiêu giao năm 2022.
Cục THADS tỉnh Hậu Giang chưa kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý, hiện còn thiếu hai phó cục trưởng, một trưởng phòng, một chi cục trưởng và chánh văn phòng cục.
Ngoài ra, việc khắc phục hạn chế của một số chi cục THADS còn chậm, chưa triệt để. Trong quá trình tổ chức thi hành án còn có một số thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện, như ra quyết định thi hành không đầy đủ theo nội dung bản án tuyên; xác minh chưa đầy đủ tình trạng tài sản bảo đảm trước khi kê biên hoặc kê biên tài sản không đúng dẫn đến bán đấu giá thành nhưng chậm giao được tài sản...
“Chưa kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo THADS (Chủ tịch UBND tỉnh) các vụ việc lớn, phức tạp. Chậm họp liên ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc; chưa chủ động xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục THADS hoặc xin ý kiến nhưng còn trông chờ, chưa thường xuyên thỉnh thị thông tin. Công tác phối hợp trong cưỡng chế chưa tiến bộ, chưa có giải pháp phối hợp chặt chẽ, khoa học” - Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thể hiện.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang, các hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, lãnh đạo cục, chi cục chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, chưa kịp thời rà soát, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Ban Chỉ đạo THADS hai cấp.
Mặt khác, chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc báo cáo tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo THADS hai cấp giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động. Và chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tình trạng vi phạm pháp luật trong tác nghiệp THADS, vi phạm về tài chính, kế toán trong hoạt động vẫn tiếp diễn tại nhiều Chi cục chưa được khắc phục triệt để.
Ngoài ra, các giải pháp, bài học kinh nghiệm đã được truyền tải, chia sẻ tại Hội nghị Ban Chỉ đạo THADS rất hay, thế nhưng chưa vận dụng, áp dụng để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án; các kết luận chưa được tổ chức thực hiện đầy đủ.
Vấn đề quan trọng là vai trò nêu gương, tính gương mẫu trong công tác, sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức chưa cao... Do đó, còn xảy ra tình trạng công chức sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến không thể kiện toàn đảm bảo đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành. Trình độ năng lực, tinh thần trách nhiệm; tính chủ động trong việc xác minh, phân loại, kê biên tài sản; trình tự thủ tục đấu giá... của Chấp hành viên còn hạn chế nên chưa giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án.
Giao Cục trưởng THADS tỉnh làm ngay hai việc
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu tập thể lãnh đạo Cục THADS tỉnh và các Chi cục THADS tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, cùng chung mục tiêu, lý tưởng và quyết tâm gây dựng lại hình ảnh của ngành.
Còn xảy ra tình trạng công chức sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án, đơn cử trường hợp ông Lương Minh Hưng, cựu chấp hành viên thuộc Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp bị tố có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CHÂU ANH |
Cạnh đó, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, phải gương mẫu, sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, tổ chức khắc phục ngay tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đã được chỉ ra tại các kết luận, chỉ đạo của ngành, các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm sát, giám sát đối với hoạt động THADS.
Người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang cũng giao Cục trưởng Cục THADS tỉnh hết tháng 10-2022 phải hoàn thành hai công việc. Đó là nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ ngành THADS. Trong đó, có gắn với củng cố kiện toàn các vị trí còn thiếu để xin ý kiến Tổng Cục THADS để triển khai thực hiện trong năm 2023.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nghiệp vụ về trình tự, thời gian thực hiện từ tiếp nhận án đến kê biên, đấu giá... hoặc đến cưỡng chế giao tài sản, kết thúc lưu hồ sơ, gắn với phần mềm quản lý giao việc, nhắc việc từng công đoạn, từng cá nhân cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị VKSND hai cấp tổ chức kiểm sát thường xuyên, chặt chẽ việc thi hành án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo thanh tra đối với cơ quan được giao việc thực hiện kiểm sát thi hành án theo quy định. Ngoài ra, tiếp tục xin ý kiến, thỉnh thị VKSND tối cao đối với các vụ việc sai phạm tại Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, sớm phản hồi thông tin về Trưởng ban Ban Chỉ đạo THADS tỉnh để báo Tỉnh ủy.
Cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị TAND tỉnh nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo bản án tuyên đúng, đủ, rõ nội dung vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi thi hành án. Mặt khác, sau tuyên án cần thông báo để người dân biết là đến liên hệ Cơ quan THADS cùng cấp để yêu cầu thi hành án theo quy định. Cạnh đó, việc chuyển bản án đã tuyên cho cơ quan THADS phải kèm file điện tử như bản chính) để số hóa hồ sơ, theo dõi xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: “Cục THADS tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các ngành; thường xuyên thỉnh thị xin ý kiến chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục để giải quyết kịp thời, chính xác những vụ việc phức tạp, các vấn đề liên quan về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất hoạt động của ngành”.