Con số tổng quát mô tả bức tranh kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố sáng nay, 29-6. Theo đó, 9 năm qua, tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm dao động từ 4,9% - 7,05%, thì năm thứ 10 này, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tụt xuống còn 1,81%.
Tốc độ tăng trưởng GDP của quý II cũng không ngoại lệ, chỉ ở mức dương 0,36% so với chỉ số số 9 năm trước đó, từ 5,08 - 6,73%.
Nguyên nhân theo Tổng cục Thống kê là COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Những nền kinh tế lớn, cũng là thị trường lớn của hàng Việt, như Mỹ, Nhật Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thất nghiệp tăng cao...
Các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020 và đương nhiên có ảnh hưởng đến những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam một cách tiêu cực.
Chỉ số tăng trưởng GDP nêu trên là khá phù hợp với các thống kê khác, chẳng hạn sản xuất công nghiệp và chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm chỉ tăng lần lượt 2,71% và 4,3% so với cùng kỳ.
Cùng lúc 13.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6, tổng cộng 6 tháng là 62.000, thì cũng có tới 29.200 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 19.600 ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 7.400 hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong lúc tăng trưởng kinh tế giảm sâu vậy thì thu ngân sách nhà nước, tính trên sổ sách, có vẻ chưa bị ảnh hưởng nhiều. Đến 15-6, tổng thu ước đạt 607.100 tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán 2020.
Chi ngân sách, như thường lệ những tháng đầu năm, vẫn ở mức thấp, 676.200 tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm. Giải ngân chậm như vậy cũng xảy ra trong công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19, khi tính đến ngày 10-6, mới chỉ có 10.500 trong tổng số gói hỗ trợ ước tính 61.000 tỷ đồng đến được tay bà con...
Một vài chỉ số khác cũng đang tiếp tục được phân tích, đánh giá, trong đó xuất siêu 6 tháng ước đạt 4 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do 3 đợt liên tiếp tăng giá xăng dầu sau chuỗi giảm kéo dài từ sau Tết Nguyên đán, kèm theo đó là giá thịt heo tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6. Dù vậy, tính tổng 6 tháng, CPI vẫn giảm 0,59% so với tháng 12-2019, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm 3.242 người chết, giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt 19% và 14,9%...