Hãy cho con bình yên

Hãy cho con bình yên ảnh 1

Tôi, một gã đàn ông 36 tuổi, chưa vợ, tuy chỉ là nhân viên bình thường nhưng thu nhập, học vấn không ít người mơ ước. Một bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, một bằng cử nhân Anh văn, một bằng cử nhân Luật, giờ tôi chuẩn bị làm luận văn cao học luật. Bên cạnh công việc ổn định ban ngày với mức lương hơn 1.000 USD/tháng, tôi còn có thể đi dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ ban đêm hoặc thỉnh giảng ở các trường đại học, cao đẳng, tôi có 4 năm kinh nghiệm làm việc này. Hẳn bạn sẽ nghĩ tôi xuất thân từ một gia đình nề nếp cơ bản? Không hề! Ngày vào thành phố biển này, gia đình tôi nghèo lắm. Các anh chị em lại đông, anh chị và ba mẹ phải làm quần quật ngoài đồng. Tôi còn nhỏ, lại là con út nên không làm gì ngoài phụ những việc vặt vãnh trong nhà. Những năm 80-90, nghèo là một điều phổ biến nên không có gì phải kể. Điều kinh khủng mà cái nghèo mang lại đó là “nhục”. Hàng xóm mất một thứ gì đó thì thủ phạm tình nghi số một là chị em tôi. Cũng khó trách họ dù chúng tôi hoàn toàn trong sạch. Gia đình tôi luôn đầy ắp tiếng cãi nhau, là một đứa bé nhạy cảm, tôi nhận biết tất cả những gì đang xảy ra xung quanh mình. Ký ức tuổi thơ tôi là những lần cãi vã, đánh đập nhau. Rồi một lần bị mẹ chửi đánh, cộng với nhiều điều bất đắc ý, anh trai tự tử bằng thuốc trừ sâu (lẽ dĩ nhiên, cái chết của anh trai tôi không thể quy trách nhiệm cho mẹ dù bà vẫn dằn vặt mình suốt 25 năm nay). Ngày đưa tang anh trai, ông thầy chùa bảo tôi, năm đó vừa học lớp 6, ăn với anh chén cơm lần cuối. Chén cơm có một quả trứng luộc và đôi đũa cắm lên. Nhìn thấy đứa trẻ nhỏ thó bưng chén cơm và nước mắt cứ ròng ròng, bố khóc nói với thầy chùa: Tội nghiệp quá thầy ơi. Nó còn nhỏ quá mà. Suốt khoảng thời gian dài sau đó, tôi ngày nào cũng cúng cơm trên bàn thờ anh. Cuộc sống nghèo khó nên bố mong thoát nghèo bằng cách đánh số đề. “Cờ bạc là bác thằng bần”, ai giàu lên nhờ cái tệ nạn này đâu. Từng miếng đất nhà tôi được cắt bán, mỗi lần như thế, nhà lại xảy ra trận đại chiến giữa bố mẹ. Một tối tôi đi học vừa về thấy trước nhà tiếng gào khóc la ó ầm ĩ, vứt vội chiếc xe đạp chạy vào trong, bàn ghế xô đẩy tứ phía, các chị khóc lóc, hàng xóm vây quanh, tôi thấy anh mình bị trói lại. Đó là khi giấy đòi nợ của ngân hàng được phát đến nhà vào chiều hôm đó. Bố đã vay một số tiền khá lớn để chơi số đề và trả nợ từ số đề. Cãi cọ giữa bố mẹ, ghế được đập phá lung tung, căn nhà như vừa trải qua một trận hỗn chiến thật sự. Lý do anh bị trói là vì người ta bảo anh đánh bố. Đến bây giờ, việc tày đình này có thật hay không cũng vẫn còn là ẩn số vì đó là nỗi đau không ai muốn khơi lại. Các chị bảo vì bố đập phá đồ đạc nên anh lao vào can ngăn, ôm và quật bố ngã. Mọi việc cứ hỗn loạn, bất ngờ tôi nghe tiếng anh người yêu của chị ngay trên tôi gọi tìm chị. Thì ra, mọi việc diễn ra ngay lúc người yêu chị đến nhà chơi. Chị quá xấu hổ tìm một góc khuất ngồi khóc và đòi chết vì thấy nhục nhã với anh. Tôi lơ ngơ cứ đi theo chị mà khóc. Tôi sợ lại một lần nữa bưng chén cơm có quả trứng cắm trên đôi đũa. Rồi anh trai cũng lập gia đình nhưng không vì thế mà mọi chuyện vui vẻ. Cái nghèo vẫn còn đó, anh muốn được nhận nhiều hơn cho gia đình nhỏ của mình, trong khi gia đình vẫn khó khăn. Ầm! Một cục đá rơi xuống ngay bàn ăn. Anh trai trong một lần bực tức vì không đáp ứng được yêu cầu đã ném hòn đá to lên mái nhà lợp tôn xi măng và hòn đá ấy rơi ngay xuống chiếc bàn khiến cơm văng tung tóe. Đó chỉ là một trong những chuỗi xô xát dài liên tục không ngừng nghỉ mà tôi phải chứng kiến trong suốt thời thơ ấu của mình. Năm gần cuối học kỳ II của lớp 12, việc bố ngoại tình bị phanh phui, mẹ làm ầm ĩ cả con đường từ nơi nhân tình của bố ở đến nhà. Trên con đường đó, có vài người bạn học cùng lớp. Những lúc ông đến với nhân tình là sáng sớm với lý do tập thể dục và chiều tối lúc chở tôi đi học tiếng Anh vào ban đêm. Khi đưa tôi đến trường, ông không về nhà mà sang chỗ nhân tình đến giờ đón tôi. Mẹ bảo tại mày mà ông có bồ. Tôi chết lặng. Bước vào tuổi 18 với ước mơ trở thành một giáo viên, tôi đủ nhận thức để hiểu được mọi việc. Liên tục sau đó là những chuỗi ngày cãi cọ, đánh đấm nhau. Có khi ngay bữa ăn, cả hai cũng dừng lại choảng nhau bằng những lời lẽ kinh khủng nhất. Đỉnh điểm là lần bố mẹ đánh nhau khi tôi vừa đi học về, vết máu còn dính trên chiếc áo trắng. Tôi hét lên: “Hai người ra đường đánh nữa đi. Ai chết con chôn”. Nói xong, tôi chạy vào giường đắp chăn khóc nức nở. Đó không phải là lần đầu tiên tôi khóc một mình. Hàng xóm tò mò hỏi han. Có vẻ như họ hả hê lắm khi nhà mình hạnh phúc còn người khác xáo trộn. Họ vô tình một cách nhẫn tâm hỏi han, trêu đùa việc bố ngoại tình vào sáng sớm. Kể cả những đứa em họ tôi ở cùng khi học đại học cũng lấy đó là trò vui trong khi tôi uất nghẹn, cố nuốt những hạt cơm rồi vội đứng lên chạy vào nhà vệ sinh rửa mặt. Năm thi đại học cũng là năm biến cố lớn xảy ra. Tôi không đậu đại học trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, thầy cô bởi suốt ba năm cấp ba, tôi luôn đứng đầu lớp. Rồi tiếp tục ôn thi đại học, lần đầu tiên tôi xa nhà suốt bảy tháng, nhất quyết không chịu về dù mọi người khuyên bảo. Tôi sợ nơi trong văn học gọi là “mái ấm”, nó chẳng chút bình yên. Những năm đại học, không ít lần tôi ra bến xe rồi lại quay về. Tôi sợ về nhà, sợ chứng kiến cảnh cãi nhau, sợ những người thân trong nhà nhưng không một lời yêu thương ngọt ngào, sợ cái không khí lạnh lẽo. Đến giờ, người ta đặt câu hỏi, nghi ngờ về giới tính của tôi, bởi tôi vẫn độc thân. Tôi sợ con phải chịu những nỗi đau của bố dù luôn dặn lòng sẽ không bao giờ để con mình chịu nỗi đau như mình từng phải chịu. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu nó đau đớn biết chừng nào. Tôi mặc kệ mọi nghi ngờ, mọi lời trêu ghẹo, luôn sống chuẩn mực, chưa bao giờ tôi say. Nếu lỡ có quá chén, tôi sẽ tìm cách để làm mình tỉnh lại trước khi về nhà. Tôi chưa bao giờ dính vào tệ nạn, bài bạc, hay đi bia ôm. Chính vì thế, những đứa bạn luôn khích bác và treo giải nếu ai đưa được tôi đến những nơi ấy. Tôi muốn tạo dựng một nề nếp để có được gia đình có tôn ti trật tự. Rồi tôi cũng có người yêu, đưa cô ấy về nhà. Đó là người con gái đầu tiên tôi đưa về giới thiệu. Bố bảo: Nó khó tính lắm. Trong mắt mọi người, tôi là một người khó tính bởi luôn muốn mọi thứ phải có nề nếp. Nhiều lúc, tôi tự cười mình. Những gia đình bình thường, cha mẹ là người dạy dỗ con cái ứng xử, sửa sai cho con khi chúng có lỗi lầm. Nhưng ở gia đình tôi, vai trò đó bị đảo ngược và tôi lại góp ý với người đã sinh dưỡng mình. Cách đây mấy ngày, nhân dịp về nhà, tôi nói với bố mẹ sẽ không về nhà nữa cho đến khi gia đình thật sự bình yên. Tôi sợ nếu phải chứng kiến cảnh bố mẹ tóc bạc phơ cãi nhau, đánh nhau, gọi nhau bằng những từ kinh khủng, tôi không còn sức lực để sống, sẽ nghĩ quẩn như anh trai mình. Tôi quyết định kể rất thật về những gì đã trải dù đó chỉ là một phần nhỏ. Tôi không lên án, không ghét cũng không giận bố mẹ mình. Ngược lại, tôi rất biết ơn ông bà vì thực sự, bố mẹ rất yêu thương, chăm sóc tôi. Tôi cũng hiểu bố mẹ mình là nông dân nghèo khó, không thể đòi hỏi phải ứng xử theo cách mình mong muốn. Tôi chỉ mong rằng, các bậc cha mẹ hiểu, chính con cái của mình sẽ là người phải chịu đựng nỗi đau nhân đôi từ những mâu thuẫn của bố mẹ. Điều quý giá nhất mà các bạn cho con mình là một cuộc sống bình yên bởi tính cách, nhân cách của trẻ được hình thành từ chính gia đình.
Theo Blue Moon (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm