Chiều 2-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị sơ kết kết quả sau hơn một tuần triển khai thí điểm hệ thống ghi nhận, đánh giá điện tử sự hài lòng của người dân tại một số quận/huyện.
Đánh giá từ nhận đến giải quyết hồ sơ
Ba quận/huyện được chọn thí điểm lần này gồm quận 9, quận Tân Phú và huyện Củ Chi. Chín phường/xã thí điểm gồm phường Hiệp Phú, Trường Thạnh, Phú Hữu (quận 9); phường Tân Sơn Nhì, Hòa Thạnh, Sơn Kỳ (quận Tân Phú); xã Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi).
Những thủ tục đang triển khai thử nghiệm hệ thống mới gồm: Đối với cấp quận/huyện: Thủ tục cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế…
Đối với cấp xã/thị trấn: Thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú…
Ông Võ Sĩ, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết việc chạy thử nghiệm bắt đầu từ ngày 21-6-2019. Dù chỉ mới được hơn một tuần áp dụng nhưng qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, mô hình mới nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía cán bộ và người dân. “Với hệ thống mới này, người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính có thể đánh giá cán bộ trong từng khâu thực hiện và đánh giá chung cả quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết hồ sơ. Đây được xem là điểm mới tiến bộ so với cách khảo sát cũ” - ông Sĩ nói.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu dự hội nghị chiều 2-7. Ảnh: PT
Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Là một trong ba quận/huyện được chọn thí điểm, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết trong vòng hơn một tuần (từ ngày 21 đến 29-6), UBND huyện đã tiếp nhận 116 hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử, qua đó tiếp nhận được 16 lượt người đánh giá hài lòng.
Mặc dù việc đánh giá sự hài lòng đã thúc đẩy quá trình giải quyết nhanh công việc nhưng ông Dũng cũng thừa nhận còn có những khó khăn như để thực hiện đăng ký hồ sơ trên hệ thống thì người dân phải có tài khoản thư điện tử, từ đó dẫn đến người dân gặp khó khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống mới này.
Tại quận Tân Phú, bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận, cho biết sau hơn một tuần thí điểm cho thấy tổng số tiếp nhận là 120 hồ sơ, số lượt người dân và tổ chức tham gia tương tác, đánh giá theo hệ thống mới là 195 lượt. Trong đó, đánh giá tốt là 194 ý kiến, một ý kiến đánh giá “bình thường”.
Bà Hồng Đang cũng nêu lên một số tồn tại và hạn chế, trong đó có vấn đề hệ thống phát sinh lỗi trong quá trình khai thác và vận hành, chưa tạo thuận lợi tối đa cho người dân và cán bộ, làm chậm công việc của cán bộ. Từ đó bà kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho rằng nếu 24 quận/huyện của TP mà “mạnh ai người nấy làm” thì không được. Do vậy cần có quy trình thống nhất trình chủ tịch UBND TP phê duyệt triển khai toàn TP. “Muốn triển khai chính phủ điện tử thành công thì phải lấy người dùng làm trung tâm (cán bộ, người dân và doanh nghiệp). Nếu hệ thống không thân thiện, không dễ sử dụng, rất khó để thuyết phục người sử dụng, khó nhân rộng” - ông Phan nói.
Để dân vui nhiều hơn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đánh giá sự hài lòng, các quận/huyện đã làm nhiều năm nhưng mỗi nơi làm một cách, chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Khi tích hợp về TP thì tích hợp không được.
Do đó, với hệ thống đánh giá mới này được thí điểm, ông Nhân cho rằng tỉ lệ hài lòng của từng loại hồ sơ trên toàn TP ra sao có thể biết được. “Thông qua đánh giá mức độ hài lòng, chúng ta có thể đánh giá công chức hằng quý, đây là cơ sở để chi trả thu nhập tăng thêm” - ông Nhân nói và cho biết mục tiêu là ghi nhận sự đánh giá của người làm thủ tục nhưng quan trọng hơn là phải tiến tới số hóa hồ sơ.
Từ đó, ông Nhân yêu cầu UBND TP làm việc lại với công ty tư vấn và các sở/ngành, quận/huyện để đảm bảo tốt hơn tính tương thích, đồng bộ của hệ thống. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa toàn bộ quy trình, thủ tục hành chính trên toàn TP. “Làm sao cho hệ thống thật thuận tiện. Công nghệ lựa chọn phải hiện đại nhất và dễ sử dụng nhất. Làm sao để cuối năm nay bức tranh về cải cách hành chính của TP phải thay đổi. Làm sao để người dân khi bước đến cơ quan hành chính phải cảm thấy vui hơn” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, phải coi sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng phục vụ của cán bộ. “Phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% người dân hài lòng về dịch vụ hành chính công” - ông Nhân nói.
Còn ít người tham gia đánh giá cán bộ Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đánh giá sự hài lòng phải toàn diện hơn nữa. Theo ông Tuyến, hiện nay tỉ lệ khảo sát sự hài lòng của nhiều đơn vị đạt 98% nhưng số người tham gia khảo sát chỉ chiếm số ít. Đơn cử như quận 1 triển khai nhiều năm nhưng tỉ lệ khảo sát thì chưa tới 30% khách hàng. Do đó, ông Tuyến yêu cầu các quận/huyện phải quyết liệt hơn nữa để làm sao tỉ lệ người dân tham gia đánh giá sự hài lòng phải được nâng lên, phấn đấu được 100% người dân tham gia làm thủ tục hành chính thì đều tham gia đánh giá. Còn Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý ba vấn đề: Phải đảm bảo đồng bộ phần mềm này với chính phủ điện tử; chuẩn hóa quy trình xử lý từng loại thủ tục (TP.HCM có khoảng 1.800 thủ tục, cấp sở/ngành khoảng 1.500 thủ tục và cấp quận/huyện, phường/xã là 300 thủ tục); UBND TP cần nghiên cứu cuối năm công bố được quy trình của 1.500 thủ tục cấp sở/ngành. |