Sáng 11-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dự, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức trên địa bàn TP năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức.
Khảo sát dân để “bắt bệnh” của cán bộ
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nhìn nhận kết quả khảo sát của MTTQ là một kênh để tham chiếu tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. “Đây cũng là chỉ số kiểm tra “sức khỏe” của cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa, điều trị kịp thời. Nếu không để đến giai đoạn ung thư sẽ rất khó chữa trị” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn kiến nghị MTTQ cần khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức thường xuyên, liên tục ở Sở Xây dựng chứ không chỉ trong đợt thí điểm vừa qua. Như vậy, đối tượng được khảo sát mới có sự so sánh sự hài lòng của người dân trong một thời gian liên tục giữa năm sau và năm trước.
Qua đó, theo ông Tuấn, các cơ quan, chính quyền sẽ xử lý triệt để các công chức, viên chức không được người dân, tổ chức hài lòng. Ông Tuấn cho rằng việc khảo sát sự hài lòng của người dân với các cơ quan công quyền là rất cần thiết và kiến nghị cần mở rộng khảo sát đại trà và định kỳ hằng năm.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng đề nghị cần xây dựng quy trình khảo sát và công bố công khai kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng việc đánh giá sự hài lòng nên đi vào vụ việc cụ thể và cần phản hồi cho đơn vị được đánh giá để nơi này biết được các hồ sơ mà dân không hài lòng có nguyên nhân từ đâu, vì sao.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong một buổi làm việc với UBND quận 1 về công tác cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT HOA
Đo lòng dân bằng việc khó
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Vũ Thanh Lưu cho biết thời gian qua các sở/ngành, quận/huyện đã tổ chức tự đánh giá sự hài lòng của người dân. Kết quả là đa số người dân hài lòng, thậm chí có nơi tỉ lệ hài lòng lên tới 99%. “Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với người dân thì còn nhiều người than phiền thủ tục rườm rà, gây khó khăn, dân phải đi lại nhiều lần, cán bộ, công chức giải thích các thủ tục khó hiểu gây khó khăn cho người dân” - ông Lưu nói.
Về cách khảo sát, năm vừa qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thực hiện phỏng vấn trực tiếp 7%, còn 93% phỏng vấn qua điện thoại. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần cân nhắc lại tỉ lệ này nếu như kết quả khảo sát bằng hai hình thức không có nhiều khác biệt.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng công tác khảo sát sự hài lòng của người dân cần tập trung vào những vấn đề người dân chưa hài lòng, như ở cấp phường/xã nên tập trung vào các thủ tục nhà đất, xây dựng thay vì chứng thực sao y, hộ tịch là những thủ tục đơn giản, ít phiền hà.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cần chọn chuyên đề để khảo sát. “Yêu cầu khảo sát xong nên đối chiếu ngay với đơn vị khảo sát, xem việc đối chiếu là khâu bắt buộc” - ông Nhân nói và cho rằng khi báo cáo khảo sát phải có đơn vị kiểm định, bởi kết quả khảo sát sự hài lòng gắn với thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2019 cần triển khai khảo sát ở tất cả sở/ngành, quận/huyện.
Mở rộng khảo sát tới phường/xã Năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tiến hành khảo sát độc lập ở hai sở Xây dựng và KH&ĐT và ba quận/huyện gồm 1, 12 và Hóc Môn. “Qua khảo sát cho thấy người dân và doanh nghiệp phải đi lại không dưới hai lần để bổ túc hồ sơ hành chính tại hai quận 11, 12 và hai sở Xây dựng, KH&ĐT. Riêng Hóc Môn là ba lần” - ông Vũ Thanh Lưu cho biết. Trong năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết sẽ mở rộng khảo sát ở các sở TN&MT, Tư pháp, Y tế, Cục Hải quan, Cục Thuế, UBND 24 quận/huyện và 319 phường/xã/thị trấn. |