Đến giờ, công nhân không rõ “túi lương” vốn đã vô cùng ít ỏi của mình tới đây sẽ thêm được bao đồng, trong khi ngày ngày vẫn phải tăng ca liên tục mới đủ sống.
Có nhiều luận cứ và con số được đưa ra giữa một bên đại diện cho quyền lợi của công nhân và một bên là tiếng nói của các doanh nghiệp. Con số nào nghe ra cũng có lý và đó là cơ sở chính đáng để nhà làm chính sách điều hòa lợi ích cho cả đôi phía.
Nhưng xin tạm gác lại các lý lẽ ấy, chúng ta thử nhìn vào bữa ăn gia đình của hầu hết công nhân hiện nay ở các khu công nghiệp. Những ai đã từng chứng kiến bữa ăn của công nhân chắc không thể không day dứt khi hầu hết trên mâm cơm của họ là các món rau và đậu hủ. Thịt cá dần trở thành “đặc sản” dành cho ngày cuối tuần. Trong khi đó, họ là những người tạo ra sản phẩm chính yếu cho xã hội.
Rau vẫn là món được công nhân lựa chọn khi đi chợ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Mặt khác, chúng ta cũng không thể tách công nhân như một thực thể độc lập khi cuộc sống của họ còn có gia đình, người thân và các mối quan hệ khác. Thử hỏi với mức lương như hiện nay, bữa ăn còn nghèo nàn thế thì làm sao công nhân có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình mình được? Gần đây, theo tìm hiểu củaPháp Luật TP.HCM, nhiều công nhân ở Đồng Nai để trang trải cuộc sống của mình đã phải đi vay nóng và khốn đốn trong vòng quay của tính dụng đen, đến mức phải cầm xe, bán tất cả đồ đạc trong nhà mình mà nợ vẫn hoàn nợ.
Bức tranh trên có lẽ lớn hơn mọi lý lẽ khác mà nhà hoạch định chính sách phải trăn trở và suy nghĩ. Phải làm sao để đời sống của công nhân khá hơn hiện nay không chỉ là trách nhiệm của nhà hoạch định chính sách mà đó cũng chính là trách nhiệm của nhà sản xuất kinh doanh đối với chính người lao động - lực lượng đang tạo ra lợi ích cho chính mình và xã hội.
Dù muốn dù không các bên cũng phải gút lại mức tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân. Điều mà xã hội mong chờ là liệu tới đây sắc màu bữa ăn của công nhân có được tươi hơn không, con cái của họ có được cơ hội học hành như bao trẻ thơ khác không? Mong ước đơn giản ấy vượt qua mọi lý lẽ!