Hé lộ điều kiện sống trên tàu sân bay USS George Washington khi nhiều thủy thủ tự tử

(PLO)-  Những thủy thủ đã và đang làm việc trên tàu sân bay USS George Washington nói rằng điều kiện sống trên tàu vô cùng tệ và dù có phản ánh nhưng không được cải thiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những vụ tự tử liên tiếp của các thuỷ thủ trên tàu sân bay USS George Washington đã khiến cộng đồng chú ý.

Đài CNN đã có cuộc trò chuyện với Thuyền trưởng Brent Gaut và 12 thủy thủ và cựu thủy thủ của tàu kéo dài 2 tiếng. Những người tham gia cuộc phỏng vấn đã tiết lộ những vấn đề đáng lo ngại, bao gồm vấn đề về điều kiện sống trên tàu, lương thực thực phẩm, lãnh đạo không tiếp thu phản ánh.

Trước đó, phía Hải quân cho biết, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này đã trải qua quá trình tiếp nhiên liệu và đại tu ở nhà máy đóng tàu Newport News kể từ mùa hè năm 2017. Quá trình này, ban đầu dự kiến kéo dài ít nhất là đến tháng 3-2023.

Điều kiện sống khủng khiếp

Các thủy thủ trong cuộc phỏng vấn với CNN đều cho biết điều kiện sống trên tàu vô cùng tồi tệ. Vào 1 năm trước, các thủy thủ bắt đầu lên tàu sau khi con tàu này đã trải qua quá trình tiếp nhiên liệu và đại tu trong vòng 1 năm và lúc đó tàu đã được cho là sẵn sàng đón thủy thủ trở lại. Tuy nhiên, con tàu vẫn được sửa chữa và như một “công trường” suốt ngày đêm.

Tàu sân bay USS George Washington. Ảnh: US NAVY

Tàu sân bay USS George Washington. Ảnh: US NAVY

Phía Hải quân Mỹ cho biết trong 12 tháng qua, đã có 7 thủy thủ tàu USS George Washington đã thiệt mạng, trong đó ít nhất 4 người chết do tự sát. Ông John Sandor - cha của thủy thủ Xavier Sandor đã tự sát vào ngày 15-4 trên tàu, cho biết con trai ông tự hào được gia nhập Hải quân ngay từ khi còn học trung học để nối gót ông nội. Tuy nhiên, thủy thủ Xavier từng nói với cha mình rằng “điều kiện trên tàu rất khủng khiếp”.

Ông John Sandor nói: "Làm thế nào để bạn ngủ trên một tàu sân bay với búa đập, khói và mùi khó chịu suốt ngày? Con tôi đã ngủ trong xe hơi của mình. Thật sự, không có thủy thủ nào sống nổi trên con tàu trong điều kiện đó”.

Các thủy thủ cho biết trên tàu gần như không tìm được chỗ yên tĩnh để ngủ, tàu còn bị mất điện liên tục và thiếu nước nóng. Họ nói rằng các buồng trong tàu thường thiếu thông gió và cấu trúc kim loại khổng lồ của con tàu hấp thu nhiệt và khiến tàu nóng không thể chịu nổi.

Một thủy thủ 19 tuổi nói với CNN rằng anh đã sốc với điều kiện trên tàu vì nó khác xa so với mong đợi của anh về cuộc sống trong lực lượng Hải quân. Anh này cũng đã sống trong xe của mình trong 3 tuần. Anh nói: “Tôi sẽ thức dậy vào nửa đêm vì lạnh cóng. Tôi đã sống trong xe hơi của mình vào mùa đông và tôi vẫn cảm thấy điều đó tốt hơn so với nơi ở (trên tàu) của mình”.

Hôm 6-5, người phát ngôn của Lực lượng Hải - Không quân Atlantic - ông Robert Myers cho biết đã kiểm tra những thứ lộn xộn quanh và trên tàu USS George Washington trước khi đưa thuỷ thủ lên tàu. Theo ông, khi một số thành viên của Quốc hội đến thăm con tàu vào đầu tuần này, các không gian mà nhóm công tác đến thăm, bao gồm các phòng trưng bày và cầu cảng được duy trì tốt.

Cấp trên không tiếp thu phản ánh

Một thủy thủ chia sẻ với CNN rằng có rất nhiều phản ánh về chất lượng cuộc sống, bao gồm các vấn đề về bãi đậu xe ở xa, tinh thần sa sút chất lượng thức ăn thấp gửi về hộp thư góp ý điện tử hưng hiếm khi có bất cứ điều gì thay đổi.

Một thủy thủ nói: "Những lời phàn nàn sẽ không tạo ra thay đổi gì cả. Bạn chỉ phải chịu đựng trong im lặng".

Nhiều thủy thủ nói với CNN rằng ngay cả một bữa ăn hoàn chỉnh đôi khi cũng khó có được. Một thủy thủ cho biết: "Sẽ luôn là hết thức ăn và nếu còn lại bất cứ thứ gì - nếu bạn may mắn, thì đó sẽ là một chút ngũ cốc hoặc một ít đùi gà tái hoặc chưa được nấu”.

Thuỷ thủ và những người có liên quan tham dự buổi lễ đưa tàu USS George Washington vào hoạt động. Ảnh: U.S. NATIONAL ARCHIVES

Thuỷ thủ và những người có liên quan tham dự buổi lễ đưa tàu USS George Washington vào hoạt động. Ảnh: U.S. NATIONAL ARCHIVES

Một nữ thủy thủ thậm chí còn so sánh nặng nề hơn: “Các tù nhân có thức ăn ngon hơn những gì chúng tôi nhận được trong quân đội. Đây là môi trường tệ nhất mà tôi từng phải trải qua”. Cô nói mình đã mắc chứng nghiện rượu một thời gian do điều kiện sống căng thẳng này.

Khi được hỏi liệu Hải quân Mỹ có biết rằng các thủy thủ đoàn đang ngủ trong ô tô thay vì trên tàu hay không, phát ngôn viên Hải quân Mỹ Robert Myers cho biết mọi thủy thủ đều được "cung cấp chỗ ở" và Hải quân sẽ xem xét liệu nhà ở có phải là một yếu tố gây ra các vụ tự tử hay không.

Ông Myers nói: "Ban lãnh đạo Hải quân và Quốc hội đã gặp ban lãnh đạo tàu USS George Washington và tin rằng đội ngũ lãnh đạo đang làm việc chăm chỉ để chăm sóc cho thủy thủ đoàn. Trọng tâm hiện tại của chúng tôi là đảm bảo rằng Hải quân đang cung cấp một môi trường an toàn và lành mạnh cho các thủy thủ trên tàu này và đội ngũ lãnh đạo tàu có đủ nguồn lực để làm điều đó”.

Hai tuần trước, lãnh đạo cấp cao của Hải quân Mỹ Russell Smith đã đến thăm tàu ​​George Washington và nói chuyện với thủy thủ đoàn. Trong một thông cáo sau chuyến thăm, ông cho biết mình đã “đối thoại cởi mở và trung thực" để "tìm hiểu về những khó khăn mà các thủy thủ đang phải đối mặt". Tuy nhiên, ông đã phát biểu trước các thuỷ thủ rằng họ nên có "những kỳ vọng hợp lý" và họ không phải "ngủ trong hố công sự như những người thủy quân lục chiến". Trước phát biểu này, một số thủy thủ đoàn đã rất bất ngờ và nói đây là bài phát biểu đáng buồn cười và thật xúc phạm.

Một cựu thủy thủ của tàu George Washington nói tình hình trên tàu là "không thể chấp nhận được", đặc biệt là khi quân đội có nguồn lực để giải quyết các điều kiện về chất lượng cuộc sống. Người này nói rằng đây không phải là Afghanistan mà phải chịu những điều kiện đó, như ngủ hố công sự mà đây là là ở Newport News, bang Virginia của Mỹ.

Tư vấn tâm lý quá tải và hành động của Hải quân Mỹ

Chỉ huy Lực lượng Hải - Không quân Atlantic - ông John Meier cho biết đã bổ sung thêm các nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần, bao gồm một đội can thiệp đặc biệt và một nhà tâm lý học. Tất cả các thủy thủ trên tàu đều sẽ được tiếp cận với những dịch vụ này.

Theo các thủy thủ trò chuyện với CNN, việc tăng các nguồn lực sức khỏe tâm thần không hiệu quả. Con tàu có một nhà tâm lý học lâm sàng và các thủy thủ cho biết họ sẽ phải đợi hàng tháng để có cuộc hẹn. Đơn cử như cựu thuỷ thủ tàu Jacob Grella, ông nói ông hạnh phúc khi cuối tuần được về nhà và đó như là cơ hội để trốn thoát khỏi con tàu. Ông đã cố gắng hẹn gặp bác sĩ tâm lý trên tàu nhưng phải chờ suốt 6 tháng.

Sau những vụ tự tử gần đây nhất, Hải quân đã mở hai cuộc điều tra. Cuộc điều tra thứ nhất dự kiến ​​sẽ sớm được hoàn thành, xem xét nguyên nhân cụ thể những trường hợp tử vong gần đây trên tàu. Cuộc điều tra thứ hai với quy mô rộng hơn sẽ xem xét môi trường chỉ huy và văn hóa tại xưởng đóng tàu ở Newport News, bao gồm các vấn đề về nhà ở, bãi đậu xe và chất lượng cuộc sống.

Hải quân tin tưởng rằng cuộc điều tra và đánh giá toàn diện này sẽ xác định được những điều cần cải thiện và đưa ra những khuyến nghị cho những hành động khẩn cấp.

Đầu tuần này, sĩ quan chỉ huy của con tàu thông báo rằng khoảng một nửa trong số hơn 400 thủy thủ trên tàu sẽ rời tàu và chuyển đến nơi ở tạm thời. Những thuyền viên còn lại muốn rời tàu cũng sẽ có cơ hội này. Những thuỷ thủ trò chuyện với CNN cho rằng đây là quyết định đúng đắn của cấp trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm