KẾT THÚC ĐIỀU TRA VỤ ÁN NGUYỄN ĐỨC KIÊN

Hé lộ sức mạnh thao túng của bầu Kiên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB và một số cá nhân khác về tội kinh doanh trái phép, lừa đảo, trốn thuế và cố ý làm trái. Kết quả điều tra đã làm rõ nhiều hành vi thể hiện các bị can đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây méo mó, rối loạn thị trường tiền tệ. Vụ án cũng phơi bày tình trạng sở hữu chéo, can thiệp, chi phối của một vài cá nhân trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Làm méo mó thị trường tiền tệ

Trong các năm 2005-2011, ACB huy động được nhiều, phải chi trả lãi suất cao cho người dân nhưng lại không cho vay được hết, dẫn tới ứ đọng vốn. Nguyễn Đức Kiên đã chi phối Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương lấy số vốn nhàn rỗi này ủy thác cho các cá nhân, doanh nghiệp mang gửi các ngân hàng thương mại khác lấy lãi.

Tổng cộng, ACB đã ủy thác cho các cá nhân, tổ chức đem gửi vào các tổ chức tín dụng hơn 130.000 tỉ đồng - hưởng lãi suất 8,5%-27%/năm và hơn 81 triệu USD - hưởng lãi suất 3%-6%/năm. Hình thức ủy thác gửi tiền này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của tổ chức tín dụng, không nằm trong các loại hình kinh doanh được Nhà nước cho phép. Dòng tiền khổng lồ ấy rót vào 29 ngân hàng, làm méo mó thị trường tín dụng cả nước. Dòng tiền ấy cũng làm sai lệch giá trị thực của tiền nhàn rỗi trong dân, sai lệch giá trị tài sản thực có của các ngân hàng, làm rối loạn thị trường tiền tệ, gây khó khăn cho Nhà nước khi điều hành thị trường.

Nguyễn Đức Kiên dùng dòng tiền làm méo mó thị trường tiền tệ. Ảnh: CTV

Đáng chú ý, trong số tiền khổng lồ này, hơn 718 tỉ đồng mà ACB ủy thác cho nhân viên gửi vào Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM năm 2011, đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, lừa đảo chiếm đoạt. ACB trở thành nạn nhân từ chính việc làm sai của mình.

Thao túng hàng loạt ngân hàng

Theo kết luận điều tra, ông Kiên là cổ đông lớn của ACB từ năm 1993. Đến năm 2008, biết pháp luật quy định là còn làm lãnh đạo ACB thì sẽ bị hạn chế vay vốn từ chính ngân hàng này, đồng thời bị hạn chế sở hữu chéo ở các ngân hàng khác, khó triển khai hoạt động kinh doanh riêng, ông Kiên đã rút tên khỏi HĐQT của ACB.

Cùng với việc rút khỏi chức danh lãnh đạo chính thức tại ACB, ông Kiên chỉ đạo thành lập năm công ty, gồm Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG), Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI), TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN), Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (B&B).

Từ nguồn vốn tự có ban đầu không nhiều nhưng bằng các thao tác phát hành trái phiếu công ty, thổi giá trị trái phiếu, dùng cổ phiếu này để thế chấp vay tiền đổ vào mua cổ phiếu khác… và nhất là thao túng ACB, ông Kiên đã xoay được nguồn vốn hơn 9.713 tỉ đồng. Số tiền này, ông Kiên chỉ đạo các công ty mới lập mua cổ phiếu Techcombank, cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi ACB, cổ phiếu Kiên Long Bank, cổ phiếu Eximbank, cổ phiếu của Công ty Cổ phần BĐS Hòa Phát - Á Châu. Ngoài ra, ông Kiên sử dụng hơn 3.700 tỉ đồng để góp vốn vào các công ty của chính mình, cũng như mua cổ phần các doanh nghiệp khác mà các công ty này đang muốn chi phối.

Mục đích của ông Kiên là bằng các hoạt động trên, mở rộng sở hữu chéo của mình tới các ngân hàng, doanh nghiệp, qua đó thao túng hoạt động của các tổ chức kinh tế đó. Việc này, cơ quan điều tra cho rằng có nguyên nhân từ khe hở pháp luật, chưa được luật điều chỉnh, nên không thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc đầu tư, phát hành trái phiếu, mua cổ phiếu, trái phiếu… nói trên về bản chất là kinh doanh tài chính. Ngành nghề này lại không được các công ty đó đăng ký hoạt động, vì vậy đủ cơ sở để xử lý về tội kinh doanh trái phép.

Ngoài các sai phạm trên, ông Kiên còn bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo. Tội danh này liên quan đến việc ACBI bán 20 triệu cổ phiếu Công ty Thép Hòa Phát mà ông Kiên đang nắm giữ cho Tập đoàn Hòa Phát. Giá trị giao dịch là 264 tỉ đồng đã được bên mua thanh toán đủ cho bên bán. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, số cổ phiếu này đang được thế chấp để vay vốn tại ACB, chưa hề được ngân hàng này giải chấp. Vì vậy, từ tố cáo của Hòa Phát, cơ quan điều tra xác minh, kết luận đây là việc lừa đảo.

Đề nghị truy tố bảy bị can khác

Ngoài Nguyễn Đức Kiên, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố bảy bị can khác, trong đó có ông Trần Xuân Giá - cựu bộ trưởng KH&ĐT về làm chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, các ông Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang - đều nguyên là phó chủ tịch HĐQT ACB; ông Lý Xuân Hải - nguyên tổng giám đốc ACB; cùng Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến - giám đốc và kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư ACB.

Trong các bị can này, Nguyễn Đức Kiên được coi là đầu trò, chỉ đạo, thao túng tất cả. Theo kết luận điều tra, sau khi rút khỏi HĐQT ACB (năm 2008), bầu Kiên vẫn tìm cách duy trì sự ảnh hưởng của mình bằng cách tác động để HĐQT ra nghị quyết thành lập Hội đồng sáng lập do ông ta làm phó chủ tịch và phê chuẩn quy chế làm việc của hội đồng này. Theo đó, Hội đồng sáng lập được tham gia dự họp và cho ý kiến về mọi hoạt động của ACB, được cung cấp đầy đủ tài liệu và cơ sở vật chất để làm việc.

Hội đồng sáng lập không phải là thiết chế được pháp luật thừa nhận, không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, theo lời khai của các bị can là lãnh đạo ACB, Nguyễn Đức Kiên vẫn duy trì được ảnh hưởng của mình. Tại các cuộc họp HĐQT và Thường trực HĐQT, ông ta thường nói: “Hiện tôi không tham gia gì trong HĐQT, tôi nói nhăng, nói cuội gì các anh nghe hay không thì tùy nhưng tôi có quyền cách chức các anh…”.

Theo cách ấy, nhiều chỉ đạo trái pháp luật của Nguyễn Đức Kiên đã được các lãnh đạo ACB chấp thuận, phê duyệt và cho triển khai.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới