Từ năm 1980 đến năm 2019, nhóm các nước phát triển nhất thế giới đã áp dụng nhiều chính sách "thân thiện gia đình", bao gồm chính sách phúc lợi trẻ em, trợ cấp chăm sóc trẻ em, nghỉ phép của cha mẹ và các chính sách khuyến sinh khác.
Nhưng cũng trong giai đoạn này, các nước trên ghi nhận tỉ lệ sinh giảm từ 1,85 xuống 1,53 con/mỗi phụ nữ, theo tờ Finnacial Times.
Ở Phần Lan – nơi áp dụng những chính sách khuyến sinh và “thân thiện gia đình” nhất thế giới, tỉ lệ sinh đã giảm 1/3 kể từ năm 2010. Ở Hungary – quốc gia nổi tiếng với những khoản chi tiêu lớn nhằm tăng số lượng trẻ sơ sinh, số trẻ em được sinh ra cũng giảm đi.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, chính sách khuyến sinh thu hút sự chú ý lớn là chương trình thưởng cho các gia đình có em bé, nhưng tỉ lệ sinh ở nước này vẫn rơi vào hàng thấp nhất thế giới.
Khi phân tích về tỉ lệ sinh tại các quốc gia, Financial Times cho rằng những nơi mà cha mẹ được nhận nhiều trợ cấp lại có tỉ lệ sinh thấp hơn so với những nơi mà cha mẹ phải trả những khoản phí khổng lồ để nuôi con. Từ đó, tờ báo kết luận rằng các nước chi tiêu nhiều cho các chính sách khuyến sinh không đồng nghĩa với việc sẽ có tỉ lệ sinh cao.
Trên thực tế, việc các bậc cha mẹ muốn sinh con hay không và nên có bao nhiêu con không chỉ phụ thuộc vào vấn đề tiền bạc.
“Cha mẹ trực thăng”
Các chính sách khuyến sinh và “thân thiện gia đình” có thể có những tác động tích cực đối với cá nhân và xã hội. Những chính sách này giúp những người quyết định sinh con dễ dàng sắp xếp công việc và gia đình, cũng như giảm bớt tình trạng nghèo đói ở trẻ em.
Tuy nhiên, theo Financial Times, khi nói đến việc nâng cao tỉ lệ sinh, văn hóa có sức mạnh lớn hơn nhiều so với chính sách. Một trong những yếu tố văn hóa đang ảnh hưởng tỉ lệ sinh tại nhiều quốc gia đó là tình trạng “cha mẹ trực thăng”.
Theo đó, “cha mẹ trực thăng” là tình trạng các bậc phụ huynh dành sự quan tâm con mình quá mức, bảo vệ, can thiệp thái quá vào cuộc sống của con.
Trong cuốn sách “Love, Money, And Parenting: How Economics Explains The Way We Raise Our Kids” (tạm dịch: Tình yêu, tiền bạc và cách nuôi dạy con cái: Kinh tế học giải thích cách chúng ta nuôi dạy con cái như thế nào) được xuất bản năm 2019, hai tác giả Matthias Doepke và Fabrizio Zilibotti đưa ra giả thuyết rằng chúng ta không thể đạt được một cuộc sống thoải mái nếu không có nền giáo dục chất lượng hàng đầu. Quan điểm này đã hình thành trong tâm trí nhiều bậc cha mẹ.
Điều này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để nuôi dạy con cái. Vô hình trung, điều này khiến nhiều người ngại sinh đẻ vì sợ không đủ khả năng, thời gian chăm sóc con.
Năm 1965, các bà mẹ có con nhỏ ở các nước phát triển dành trung bình hơn 1 giờ/ngày để chơi với con mình. Đến năm 2018, con số này đã tăng lên 3 giờ và ở Hàn Quốc là gần 4 giờ.
Tỉ lệ sinh của Hàn Quốc giảm mạnh xuống còn 0,72 con/mỗi phụ nữ. Trong khi ở Pháp – nơi cha mẹ dành ít thời gian cho con hơn, tỉ lệ sinh vẫn được duy trì tốt và hiện ở mức 1,8 con/mỗi phụ nữ.
Ưu tiên cho cuộc sống cá nhân
Yếu tố lớn thứ hai ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh là sự thay đổi trong quan điểm về cuộc sống hạnh phúc. Năm 1993, 61% người Mỹ cho rằng có con là điều quan trọng để có một cuộc sống trọn vẹn. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ còn 26% người Mỹ giữ quan điểm này.
Một nghiên cứu của nhà kinh tế nhân khẩu học Lyman Stone vào năm 2023 cho thấy nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ không muốn sinh con là do họ muốn phát triển cá nhân và tập trung vào sự nghiệp. Chỉ một số ít phụ nữ không muốn sinh con là do lo ngại chi phí chăm sóc trẻ.
Mức độ lo lắng cũng ảnh hưởng đến ý định sinh con của người trẻ. Nghiên cứu sâu hơn của ông Stone cho thấy phụ nữ càng lo lắng thì càng có ý định sinh ít con hơn. Trên thực tế, những người dưới 30 tuổi ở Tây Âu, Đông Á thường lo lắng và căng thẳng hơn những người lớn tuổi. Điều này có thể đẩy tỉ lệ sinh xuống thấp hơn nữa.
Nguyên nhân cuối cùng và quan trọng nhất là tỉ lệ thanh niên ở các nước phương Tây muốn kết hôn hoặc muốn có cuộc sống như vợ chồng với bạn đời đang giảm dần. Điều này được cho là do ngày nay, nhiều phụ nữ có thể tự chủ về mặt tài chính và có thể tự tạo cuộc sống cho riêng mình, nên họ không muốn kết hôn.
Theo Financial Times, các nước phát triển không sai khi đề ra các chính sách khuyến sinh và những chính sách “thân thiện gia đình”. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn là ở chính sách.
Theo đó, để giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh thấp, Financial Times cho rằng các nước nên tìm cách thúc đẩy những thay đổi lớn về mặt văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, đây là quá trình được dự đoán sẽ không hề dễ dàng.