Hệ lụy “chạy trường”, trẻ sợ lớp học

Con chán trường… nghèo

Vào đầu năm học, tại nhiều trường theo quan niệm, đánh giá của nhiều phụ huynh (PH) là “nhỏ”, là “kém”, ít nhiều có tình trạng học trò khủng hoảng khi đến lớp học không vì các lý do thông thường như chưa quen trường lớp, lạ lẫm bạn bè, thầy cô…

Một giáo viên (GV) Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận, TPHCM) kể rằng, cô từng gặp những HS lần đầu đến trường không sợ sệt như các bạn mà có thái độ chê thầy cô, trường lớp, bạn bè cùng với tâm trạng buồn chán, không háo hức...

Nhiều HS không thích nghi được, thường tách riêng một mình, thiếu sự thân thiện…  Khi cô gần gũi động viên, có em còn: “Trường vừa nghèo vừa xấu, con chán! Sang năm con chuyển sang trường trên quận Nhất, không học ở đây”. Lúc này cô mới hiểu em bị ảnh hưởng từ việc chọn trường của người lớn.

Hệ lụy “chạy trường”, trẻ sợ lớp học ảnh 1
Sự hào hứng, phấn khởi của bố mẹ giúp trẻ dễ thích nghi với môi trường học tập.
“Tôi phải làm việc với PH của các em, họ thú nhận gia đình tìm cách chạy vào mấy trường lớn ở trung tâm nhưng không được. Trong quá trình chạy chọt đó, họ vẽ cho con về một ngôi trường hoành tráng rồi chê bai trường theo tuyến đã tác động đến trẻ như vậy đó. Gần như năm nào cũng có vài HS… chán đi học vì nguyên nhân lạ lùng này”, GV này nói. Nhiều PH có tư tưởng “phá tuyến” để chạy cho con vào các trường điểm, trường trung tâm. Trong quá trình đó, họ thường ca ngợi trường này, cũng như tỏ ra lo lắng nếu như không thành công, con mình sẽ phải học trường “thường”. Điều này, ít nhiều tác động đến hứng thú đến trường của con. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Phó Trưởng phòng GD-ĐT, phụ trách Giáo dục mầm non Q.3, TPHCM cho hay, đối với trẻ ở bậc mầm non, tác động này không quá lớn vì các em chỉ cảm nhận, hứng thú bằng hoạt động thực tế, trải nghiệm. “Tuy nhiên, nếu PH làm lớn chuyện chạy trường, chê trường này nọ quá nhiều cũng có thể tác động đến trẻ. Các em khó khăn hơn để thích nghi bở ấn tượng không tốt về ngôi trường, giáo viên mà mình theo học. Vì thế, đừng bao giờ để con biết mình đang chạy chọt vào trường này, trường nọ vì đó là chuyện của người lớn”, bà Nguyệt nói. Khi trẻ bị lôi “vào cuộc”Không ít phụ huynh khi “chạy trường” thường kéo cả nhà vào cuộc bằng đủ mọi cách. Hiện tượng cả ố mẹ ông bà xếp hàng, đạp đổ cổng trường để mua đơn cho con Hà Nội cũng là một ví dụ. Nhiều PH đi “đường vòng”, cho con đến học thêm tại GV ở trường mình muốn cho con như một chất “xúc tác” để tạo quan hệ. Trong những lúc nước sôi lửa bỏng, chỉ cần gặp ai có thể “tư vấn” hay cho mình chút ít thông tin là họ sẵn sàng… lôi hết mọi tâm tư nguyện vọng. Nào là ca ngợi trường điểm như “Em nghe nói trường đó tốt lắm, GV giỏi lắm, phải cho con vào bằng được”, rồi cũng không quên than “Chứ vào mấy trường gần nhà thì hỏng, GV kém, trường nghèo mà HS quậy như ma”… ngay trước mắt con mình. Thế nên có nhiều đứa trẻ chưa đi học đã thuộc làu làu trường nào là trường “tốt”, trường nào là trường “dở”, con phải học trường này y như suy nghĩ của bố mẹ. Khi việc chạy trường thất bại, nhiều PH tỏ ra thất vọng não nề khi đưa con mình đến trường học mà bản thân mình không mong muốn. Tệ hại hơn, có PH còn động viên con: “Con học tạm ở đây, sang năm bố mẹ tìm cách chuyển con sang trường khác” thì làm sao đứa trẻ có thể thích thú ở nơi nó đang theo học.
Hệ lụy “chạy trường”, trẻ sợ lớp học ảnh 2
Trẻ con không thể mang những âu lo, toan tính của người lớn.
Khi đề cập đến khía cạnh này, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng rất cần cảnh báo và tư vấn cho PH. Nếu lúc nào họ cũng chăm chăm vào trường “điểm”, con không vào được thì tỏ rõ sự thất vọng, rồi đánh giá thấp các ngôi trường khác mà không lường được điều đó gây tổn thương ghê gớm cho trẻ. Trẻ thất bại ngay từ ngày đầu đến trường vì phải “gánh” thất bại của bố mẹ. “Đến ngôi trường mà cả nhà không vui thì làm sao đứa trẻ có thể háo hức học tập. Khi con đến trường, bố mẹ hãy động viên con rằng thầy cô, bạn bè ở đây rất tốt, đứa trẻ mới thoải mái và tự tin để sẵn sàng cho việc học”, ông Điệp chia sẻ.

“Trẻ chỉ thích thú đi học khi thấy bố mẹ tin tưởng, hào hứng với ngôi trường mình theo học. Còn ngược lại, bố mẹ không tự tin, lo lắng trường thế này thế kia thì làm sao đứa trẻ có thể tự tin để thích nghi. Thiếu sự thích nghi, trẻ rất dễ bị “sốc” học đường, có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình học tập lâu dài sau này”. - Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ)

“Tôi đến những trường nhỏ, các trường vùng ven, ngoại thành thấy GV dạy rất tốt, rất thương HS. GV tiểu học giỏi nhất TP năm nay đến từ một trường ở Q. Tân Bình, rất xa trung tâm. Kiến thức, tấm lòng với học trò của GV không có sự phân biệt trường lớn, trường nhỏ. Có chăng điều kiện hiện nay, cơ sở vật chất một số nơi còn hạn chế, chúng ta có thể chia sẻ.

Ở bậc tiểu học, phụ huynh đừng lo lắng về chất lượng vì chất lượng dạy học ở các trường rất tương đồng. Điều quan trọng là sự chăm sóc giáo dục, phối hợp với nhà trường để giúp cho đứa trẻ phát triển nền tảng đầu đời mới là điều cần thiết”. - Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM

Theo Hoài Nam (DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm