Thay vì “chạy” bằng tiền hay "ẩn" sau các hình thức tài chính thì việc "chạy trường" phổ biến và công khai hiện nay là thông qua các mối quan hệ. Đây là thực mà các hiệu trưởng hay những người quản lý giáo dục vẫn phải “đối mặt” trong mùa tuyển sinh.
Thật ra, khi “đối phương” đã trực tiếp gọi điện thoại, hẹn gặp thẳng thắn đề cập việc gửi con cháu vào trường thì hiển nhiên họ có sẵn mối quan hệ hay địa vị nào đó. Trong hoàn cảnh này, người “được nhờ” đưa ra quyết định từ chối… xem ra không mấy khả thi.
Nhiều vị quản lý các phòng GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ vào mùa tuyển sinh, một trong những việc cực nhất là “tiếp” các lãnh đạo thuộc sở này, ban ngành nọ có con có cháu chuẩn bị đi học hay chuyển cấp. Mà đâu chỉ xin cho con, cho cháu mà có thể các vị ngành này, sở nọ có thể cũng vì “gánh” áp lực từ dây mơ rễ má trong các mối quan hệ, ân tình mà trở thành "trung gian" dồn về các "đầu mối".
Phó trưởng phòng GD-ĐT của một quận cho hay năm nào cũng có những người cầm cả tập hồ sơ xin cho con cháu vào những trường điểm của quận. Có những năm, phòng “tiếp” không xuể, không thể giải quyết hết, đành phải nói lý, nói tình rồi tìm phương án khác như giới thiệu vào một trường có chất lượng tương đương để không… mếch lòng. Cũng chính vì sợ nhờ vả từ trên đổ xuống mà bản thân họ cũng phải trực tiếp đi nhờ vả hoặc... ra "quyền uy" với hiệu trưởng để "xin" chỗ.
Điều những người giải quyết các suất học “ngoại giao” này e ngại không chỉ là chuyện thiếu trường, thiếu lớp để xin mà họ còn chịu không ít điều tiếng khi mọi người thường quy ra suất học “ngon lành” đó ra tiền bạc. Bản thân không bỏ túi một đồng nào nhưng họ có thể bị lợi dụng khi người khác “dựa” vào mình để làm trục lợi, thành ra "có tiếng mà không có miếng".
Để hạn chế tình trạng “chạy trường”, TPHCM yêu cầu các trường công khai việc tuyển sinh, bán đơn đăng ký rộng rãi. Tuy nhiên, như một lãnh đạo chia sẻ ngay trong cuộc họp giao ban, dù các trường tuyển sinh công khai rộng rãi để tránh dư luận, nhưng không thể nào tránh được việc dành ra tỷ lệ… ưu tiên cho các mối quan hệ, ngoại giao trong xã hội.
Theo Hoài Nam (DT)