Mùa giải 2017 trong khi V-League vẫn duy trì 14 đội chuyên nghiệp thì giải hạng nhất chỉ còn bảy đội. Hệ thống thi đấu trên ngày càng bất hợp lý nhưng những nhà làm bóng đá cứ duy trì theo kiểu hên xui mà không có giải pháp.
Theo mô hình “siêu mẫu”, bóng đá Việt Nam không thể tiến
2-3 năm trước, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã lên tiếng cảnh báo về mô hình “siêu mẫu” của bóng đá Việt Nam: “Tại sao V-League cứ nặn ra cho được 14 đội trong khi hạng nhất thì ngày càng teo tóp lại rồi hạng nhì thì phình ra đến gần 20 đội? Quốc gia nào họ cũng tổ chức hệ thống giải theo dạng hình chóp, tức mặt bằng ở những giải nhỏ phải rộng với chân đế lớn, rồi càng lên cao thì càng tinh lọc lại. Ở Việt Nam thì những nhà làm bóng đá lại có sáng kiến cho chuyên nghiệp thật nhiều còn ở dưới thì sống chết mặc bay chỉ lèo tèo vài đội. Như thế thì dứt khoát tuyến dưới không thể làm nền tảng và cung cấp cho tuyến trên được”.
Năm 1998 khi đặt chân đến Việt Nam, chính HLV Riedl đã thẳng thắn nhận xét bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc. 18 năm sau thì khái niệm xây nhà từ nóc vẫn còn nguyên giá trị. Hầu như các bộ phận làm bóng đá chỉ chú trọng đến giải chuyên nghiệp V-League bởi giải này “ăn nên làm ra” và cũng chính giải này đã nuôi được bộ máy lẫn đội ngũ cán bộ phụ trách bóng đá sống nhờ lương của giải chuyên nghiệp. Đó cũng là điều mà chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương từng phân tích: “Hàn Quốc khi tổ chức giải chuyên nghiệp họ chỉ có sáu đội nhưng đó là những đội chuyên nghiệp thực thụ mà sau lưng là các tập đoàn mạnh. Từ mô hình đó họ phát triển lên. Ta thì chuyển ngay từ bao cấp lên chuyên nghiệp kiểu đầu dơi mình chuột rồi cứ lấy đấy nhân ra để nuôi và phục vụ các bộ máy. Việc đẻ cho nhiều đội chuyên nghiệp là để nuôi các giám sát, các trọng tài do có đá giải và đá lâu thì những bộ máy chạy theo mới có lương để sống”.
Đội bóng được xem là giàu nhất như B. Bình Dương chủ yếu xài tiền từ cơ chế mà tỉnh ưu ái cho Becamex và công ty này có trách nhiệm phải nuôi đội bóng. Ảnh: XUÂN HUY
Ai cứu được hệ thống thi đấu bị lạc lối?
Bóng đá Thái Lan từng có giai đoạn lạc lối khi làm giải chuyên nghiệp nửa vời. Đó là giai đoạn nhiều cầu thủ Thái Lan bỏ qua Việt Nam tìm việc và lãnh lương cao. Tuy nhiên, sau đó thì Thái Lan kịp chỉnh đốn lại theo kiểu xóa đi làm lại từ hệ thống mới. Đó là giai đoạn một Tổng Thư ký LĐBĐ Thái Lan Ong Art Kosingkha “từ quan” để sang Anh học mô hình Premier League rồi trở về ứng dụng cho bóng đá Thái. Từ đó người Thái bắt đầu dùng bóng đá nuôi bóng đá và sức hút của bóng đá Thái đã kéo những nhà đầu tư đến một cách tự nguyện.
Ở ta thì năm 2001 đẻ ra mùa chuyên nghiệp đầu tiên với áo chuyên nghiệp ruột bao cấp. Từ đó số lượng đội tăng dần nhưng ruột chuyên nghiệp thì không tăng. Có hai mô hình chính nuôi đội bóng. Một là địa phương bao cấp một phần, phần còn lại là doanh nghiệp được kêu gọi có trách nhiệm nuôi đội theo “chỉ đạo”. Hai là doanh nghiệp “thầu” đội bóng tỉnh nhà và bù lại thì doanh nghiệp đấy được “mở đường” mở cơ chế để có điều kiện ăn nên làm ra như đất vàng và dự án vàng được ưu tiên.
Với hai cách để đội bóng tồn tại thì mang tiếng là có công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp nhưng hầu hết các công ty đấy đều không sống được bằng tiền của bóng đá mà chủ yếu là lấy tiền của “mẹ” và xài tiền của “mẹ”.
Thế nên giải chuyên nghiệp của ta là cỗ máy tiêu tiền còn nguồn tiền thì chắc chắn không phải tiền của mình làm ra. Từ nguồn tiền đó đội chuyên nghiệp nuôi luôn cả hệ thống thi đấu, hệ thống tổ chức giải và các bộ phận như giám sát, trọng tài, nhân viên...
Tương tự, ở giải hạng nhất thì mức độ quan tâm ít hơn nên phần quan tâm lẫn chỉ đạo của tỉnh cũng ở mức thấp hơn. Vì thế mà có những địa phương mang tiếng có đội bóng nhưng đến sát giải không xin được tiền của tỉnh và không kiếm được doanh nghiệp bao tiêu vài chục tỉ đồng thế là làm đơn xin không dự. Như mùa 2017 sát giờ bóng lăn có đến ba đội xin không dự giải nên vòng eo hạng nhất nay chỉ còn bảy đội, bằng 1/2 số đội chuyên nghiệp.
Để cứu hệ thống thi đấu lạc lối, việc làm trước hết của VFF phải là định dạng lại hệ thống chuyên nghiệp đúng nghĩa thay cho việc tiêu tiền và xài tiền không phải của mình lẫn không lệ thuộc ngân sách địa phương.
• Hệ thống thi đấu Việt Nam bị lạc lối không hẳn vì bài toán kinh phí mà vì cơ chế chuyên nghiệp không có lối ra khi cứ ôm chân địa phương và cầu cứu doanh nghiệp trong tỉnh có nghĩa vụ nuôi đội bóng. • Bài toán trên đã 16 mùa bóng qua nhưng VFF vẫn áp dụng mà chưa nhúng tay vào tìm giải pháp để các đội thực sự là chuyên nghiệp. • VFF phải chịu trách nhiệm về sự bất hợp lý không phục vụ cho sự phát triển bóng đá trên bởi ngay từ khởi điểm các CLB chuyên nghiệp không tự nuôi chính mình mà chỉ xài tiền của người có trách nhiệm phải rót cho mình. |