16 năm làm chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam thu hoạch được những gì? Nếu lấy cột mốc mùa V-League đầu tiên năm 2000-2001 là khởi điểm thì đến nay ở tuổi 16 phần “son, phấn” lẫn phần tiêu tiền đã tăng lên theo cấp số cộng còn phần “chất” thì có phần đi xuống.
“Phấn, son” che phủ vết nám và tàn nhang
Trong hợp đồng của VPF với gói tài trợ chính của Toyota có phần bắt buộc phải có buổi gala tổng kết hoành tráng và tầm cỡ tại TP.HCM. Và đúng là VPF đã làm mọi cách để có buổi gala tổng kết đầy màu sắc với kiểu “ai cũng có giải, đội nào cũng có người được tôn vinh”.
Tất nhiên phần “lễ” được thổi phồng lên không thể che được phần “chất” của một mùa giải có quá nhiều vấn đề tồn đọng. Và đương nhiên là trong bản tổng kết chính những nhà điều hành không dám nhận là giải thành công như bao mùa trước.
Phần “son, phấn” trong đêm hội tổng kết như cố gắng che đi việc thể hiện chuyên môn vốn là mục đích chính trong những cuộc chơi ở V-League. Chẳng hạn danh hiệu trọng tài xuất sắc mà mọi năm vẫn được vinh danh là còi vàng đã không thuộc về trọng tài FIFA nào của Việt Nam cả. Những sự cố trọng tài liên tục xảy ra ở V-League 2016 đã “triệt” đi vinh dự của 11 trọng tài FIFA Việt Nam, trong đó có cả những trọng tài nằm trong dạng tiềm năng được FIFA đầu tư. Tuy nhiên, ai cũng hiểu việc trọng tài FIFA rơi rụng trong một mùa giải có nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là chuyên môn. Nó cũng giống như việc ông Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi bị năm ông Thường trực VFF đòi trảm nhưng khi ra ban chấp hành biểu quyết thì số đông đã giữ ghế được cho ông Mùi. Hay phần tôn vinh cầu thủ xuất sắc nhất lại vẫn là cái tên cầu thủ ngoại Gaston Merlo - người đã từng về Argentina nghỉ thi đấu rồi quay trở lại trong tình trạng không chuẩn bị tốt như mọi lần nhưng vẫn là cầu thủ số một.
Phần lớn nhất mà chắc chắn những nhà tổ chức bị phản ứng rất nhiều nhưng không thể giải quyết đó là hiện tượng một ông chủ tác động đến nhiều đội bóng đã ảnh hưởng đến sự công bằng của cuộc chơi. Dù là thanh tra đã vào cuộc nói rằng bầu Hiển không vi phạm nhưng cái cách cho tiền tươi những đội bóng được xem là “không liên quan” thì không thể đánh lừa được dư luận và cả những nhà chuyên môn. Hay hình ảnh CĐV SHB Đà Nẵng giương cao hình ảnh bầu Hiển của Hà Nội T&T trong suốt mùa giải cũng đủ để nói lên rằng họ xem ông còn hơn ông chủ đội bóng trên giấy tờ và hơn cả HLV Lê Huỳnh Đức...
Đầu mùa VPF đã phải ký công văn xin lỗi đội SL Nghệ An bị mất điểm oan vì sai phạm của trọng tài.
CĐV SHB Đà Nẵng tri ân bầu Hiển dù lý thuyết thì ông chỉ là ông bầu của Hà Nội T&T.
Đồng Tháp, CLB duy nhất bán được áo của CLB cho người hâm mộ nhưng cũng là đội phải xuống hạng. Ảnh: XUÂN HUY
Tung cờ trắng!
Người hâm mộ và giới chuyên môn không ngây thơ với thang điểm 16 trên tổng số 18 điểm tối đa mà đội vô địch Hà Nội T&T thi đấu với các đội bóng “đàn em” gồm SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và Sài Gòn, trong đó lượt về lấy trọn 9 điểm của ba đội này đều trên sân khách. Số điểm ăn trọn trong lượt về với “người nhà” đấy còn cao hơn tổng điểm mà đội về nhì Hải Phòng vật vã với ba đội trên ở cả hai lượt chỉ lấy được 8 điểm. Tương tự, đội về thứ tư là Than Quảng Ninh thì chỉ kiếm được 11 điểm từ những đội trong “đại gia đình” đấy.
Còn nhớ trong hội thảo các ông bầu làm bóng đá chuyên nghiệp do Pháp Luật TP.HCM tổ chức năm 2012, chính các thành viên sau này sáng lập ra VPF như Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cùng bầu Kiên đã rất quyết liệt với việc dẹp nạn một ông chủ nhiều đội bóng tạo ra sự thiếu công bằng trong cuộc chơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến nay sau bốn năm điều hành V-League thì VPF cũng cho thấy dấu hiệu “tung cờ trắng”.
Phải gọi đúng bản chất là nghiệp dư lãnh lương cao
Cái được mà V-League đang được thực hiện dưới bàn tay của VPF là tiền tài trợ về nhiều hơn và những phần lễ nghi, phần hình thức được chú trọng nhiều hơn. Từ trang phục cho giám sát, thiết bị cho trọng tài và cả những phần làm đẹp cho nhà tài trợ. VPF cũng không tiếc tiền cho đại diện các CLB tham dự những chuyến đi học ngắn ngày ở giải chuyên nghiệp Nhật Bản lẫn Hàn Quốc... Tuy nhiên, để gọi là chú trọng về mặt chuyên môn hay nâng tính chuyên nghiệp từ các đội bóng thì vẫn bị kẹt ở phần chuyên nghiệp thực sự. Nói như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh thì 16 năm qua bóng đá Việt Nam làm chuyên nghiệp nhưng bản chất là nghiệp dư lãnh lương cao. Khi mà giá cầu thủ được đội lên rất cao và đấy là bản lề cho những khoản “lót tay” qua lại giữa những người có quyền quyết định đưa cầu thủ về (chứ không hẳn là HLV) và “cò” cầu thủ hoặc chính cầu thủ.
Ngoài ra gọi là chuyên nghiệp nhưng thực chất thì chưa CLB nào ở Việt Nam có thể tự nuôi sống mình bằng tiền của mình.
Có hai cách làm chuyên nghiệp phổ biến nhất ở V-League. Một là tỉnh hoặc địa phương ưu ái cho các doanh nghiệp bằng những chính sách riêng như đất vàng, quặng, dự án... rồi doanh nghiệp đó có nghĩa vụ nuôi lại đội bóng của địa phương. Điều này có nghĩa doanh nghiệp kiếm tiền từ những “ưu ái” đó rồi lấy một phần tiền kiếm được nuôi lại đội bóng của địa phương. Cách thứ hai là địa phương giao đội bóng cho một công ty của tỉnh và thậm chí là công ty của Tỉnh ủy nuôi đội bóng bằng phần “lãi” mà công ty được nhiều quyền lợi trong kinh doanh. Cả hai cách làm trên đều cho ra một nghiệm số là các CLB đang tiêu tiền không phải do mình làm ra và các CLB cũng không phải băn khoăn với việc kiếm tiền mà chỉ thực hiện phần tiêu tiền theo nghĩa nghiệp dư lãnh lương cao.
Trao đổi về vấn đề trên, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cũng là người từng nghiên cứu bóng đá chuyên nghiệp và làm bóng đá chuyên nghiệp nay đang thực hiện việc phát triển bóng đá học đường tại TP.HCM đã đưa ra nhận xét: “Nguy hiểm của bóng đá Việt Nam là việc hình thành CLB chuyên nghiệp để xài tiền nhiều hơn là để phục vụ xã hội. Ngay cả những nhà điều hành bóng đá khi phát triển chuyên nghiệp cũng không đi đúng tiêu chí là để phục vụ xã hội và làm tốt cho xã hội. Cứ làm những con tính đơn giản như một năm mỗi CLB tiêu ít nhất 40 tỉ đồng nhân 14 đội bóng rồi nhân 16 mùa giải thì sơ sơ chúng ta đã mất gần 9.000 tỉ đồng cho V-League. Đó là chưa kể những khoản khác và những phần Nhà nước cũng phải góp vào cho đội bóng, cho giải trên. Trước khi có giải chuyên nghiệp đầu tiên SEA Games 1999 chúng ta có HCB và đá ngang ngửa với Thái Lan trong trận chung kết còn AFF Cup 2000 thì đội tuyển Việt Nam vào bán kết. Bây giờ cũng vẫn thế và sau mỗi mùa lại phủ lên lớp áo cho V-League bằng những bản tổng kết hoành tráng...”.
Học Nhật, học Hàn nhưng áp dụng kiểu ta • Từ những năm 1990, bộ phận nghiên cứu bóng đá chuyên nghiệp VFF đã sang Hàn Quốc học làm chuyên nghiệp. Báo cáo được đưa về cùng kiến nghị là sau lưng mỗi CLB phải là một tập đoàn mạnh như Hàn Quốc khởi điểm với sáu đội chuyên nghiệp và cũng là công ty con của các tập đoàn lớn như Hyundai, Samsung... Mục đích chính của bóng đá Hàn Quốc là đội bóng phải tự nuôi được chính mình cùng những điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe khi tham gia chuyên nghiệp. Ta thì có đội còn đang bao cấp cũng được khuyến khích lên chơi chuyên nghiệp và động viên “cứ đi đi rồi thành đường” nhưng đến nay vẫn là lối mòn. • Học Nhật thì phía Nhật chỉ ra điều cơ bản đó là bóng đá phải mang tính cộng đồng, tính xã hội cao và cầu thủ phải là tấm gương, là thần tượng của các em nhỏ ở những trường học. Từ đó các phụ huynh mới hướng con em mình theo bóng đá theo kiểu tự nguyện. Ta thì bóng đá tách hẳn cộng đồng còn người hâm mộ thì thường xuyên bị phụ bạc bởi những trận cầu cuội, lừa đảo và không công bằng, không minh bạch. |
__________________
Đón đọc kỳ tới: Tư thế của VPF và những ông bầu chuyển hướng không quan tâm đến bóng đá