Cuối tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông định ký một sắc lệnh chấm dứt cái mà ông gọi là quy định “buồn cười” khi trao quyền công dân cho trẻ sinh ra tại Mỹ từ các bà mẹ không phải công dân Mỹ.
Từ Tu chính án 14, thế kỷ 19
“Thật buồn cười, chúng ta là nước duy nhất trên thế giới mà một người đến, đẻ con, là rồi đứa trẻ về cơ bản trở thành công dân Mỹ với mọi quyền lợi. Điều này thật buồn cười và phải chấm dứt… với một sắc lệnh hành pháp” - ông Trump nói với trang mạng Axios cuối tháng 10.
Phát ngôn của ông Trump lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người, đồng thời dấy lên cuộc tranh cãi của nhiều giới. Bởi lẽ cái mà ông Trump cho là buồn cười ấy đã được quy định trong Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Mỹ, được Quốc hội thông qua đúng 150 năm trước (năm 1868), như một phần chỉnh sửa nhân quyền sau cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865). Theo đó, Tu chính án thứ 14 ghi rõ: “Tất cả người được sinh ra hay được cho nhập tịch ở Mỹ và chịu sự quản lý của pháp luật Mỹ đều là công dân của Mỹ và của bang họ cư trú”.
Tu chính án thứ 14 quy định quyền công dân và quốc tịch căn cứ vào nơi sinh đã đảo ngược một quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1857 rằng người nô lệ không phải là công dân, mà là một tài sản. Trước nội chiến Mỹ, hiến pháp Mỹ không quy định rõ đối tượng nào thì được trở thành công dân Mỹ, gây tranh cãi trong hàng chục năm.
GS luật Amer tại ĐH Yale (Mỹ) cho rằng Tu chính án thứ 14 về quyền công dân là một bước chuyển biến quan trọng, nó xác định một điều kiện đơn giản để có quyền công dân: Nếu bạn sinh ra ở Mỹ, dưới lá cờ Mỹ, bạn là công dân Mỹ.
Tới đây có thể không phải mọi trẻ em sinh ở Mỹ đều sẽ có quốc tịch Mỹ. Ảnh: QUARTZ
Chuyện đến Mỹ sinh con để con được cấp quyền công dân Mỹ có thể sẽ không còn diễn ra. Ảnh: AP
Tới ngành “du lịch sinh con”
Từ mục tiêu ban đầu là hàn gắn vết thương nội chiến, qua thời gian, phe bảo thủ ở Mỹ bắt đầu báo động về tình trạng nhập cư trái phép và rất nhiều người lợi dụng quy định này đến Mỹ sinh con để con họ được hưởng quyền công dân.
Quy định này chẳng những có lợi cho con các nhà kinh doanh hay các chuyên gia làm việc ở Mỹ mà còn cho ngành công nghiệp “du lịch sinh con”. Viết trên USA Today, hai nhà báo William Cummings và David Jackson cho biết đã có hẳn các đường dây cả từ bên trong nước Mỹ lẫn từ các nước lợi dụng quy định này đưa người vào Mỹ sinh con. Ngành “du lịch sinh con” đã trở thành một hoạt động kinh doanh nở rộ ở Mỹ, khách hàng phần lớn là từ Trung Quốc, Đài Loan, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những gì các vị khách này cần làm là mua một tour du lịch trọn gói, đến Mỹ với tư cách du khách trong vài tháng rồi sinh con trên đất Mỹ.
Chi phí một gói “du lịch sinh con” này thường là 50.000 USD. Số tiền này không hề đắt nếu so với việc đứa trẻ với tư cách công dân Mỹ sẽ được hưởng chính sách trợ cấp chi phí học hành đến năm 18 tuổi. Chi phí cho những trẻ em này đang nằm ở khoảng 2,4 tỉ USD mỗi năm. Và rồi đến năm 21 tuổi, đứa con ấy có thể bảo trợ thẻ xanh cho cha mẹ.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nói quy định này đã trở thành “một cái nam châm kéo mọi người khắp nơi đến nước Mỹ, kích thích các tổ chức buôn người dụ dỗ các gia đình mạo hiểm đến Mỹ, gây nguy hiểm cho chính họ”. Theo hai nhà báo Cummings và Jackson, điều này không phù hợp với mục tiêu của Tu chính án thứ 14 và điều mà ông Trump đang định làm là cần thiết cho nước Mỹ.
Ông Trump có đủ sức làm được không?
CNN dẫn lời một số chuyên gia về hiến pháp và luật nhập cư Mỹ cho rằng phát ngôn của ông Trump không phải là ý tưởng mới. Theo chuyên gia Erika Lee, trong khoảng 30 năm gần đây đã có vài cuộc bàn thảo chính trị nhằm “cải cách quyền công dân”. Trong thập niên 1990, từng có một số cuộc vận động nhằm hủy bỏ hoặc thu hẹp quyền công dân và quốc tịch căn cứ vào nơi sinh nhưng bất thành. Theo bà Lee, nếu cuộc vận động lần này của ông Trump thành công thì tác động sẽ vô cùng lớn vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều người từ nhiều nơi đến Mỹ.
Vậy liệu ông Trump có làm được không? Nhận định với Washington Post, nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ không làm được chỉ “với một sắc lệnh hành pháp”. Quy định quyền công dân này chỉ có thể thay đổi thông qua sửa đổi hiến pháp. Mà muốn sửa được Tu chính án trong hiến pháp phải có sự đồng ý của 2/3 Hạ viện lẫn Thượng viện và 3/4 các tiểu bang. Hơn nữa, chuyện ra chính sách về nhập cư là chuyện của Quốc hội, không phải của tổng thống.
Ông Trump cho biết trước khi ra phát ngôn nói trên ông đã tham khảo ý kiến ban cố vấn pháp lý của mình và được bảo đảm là có thể đơn phương sửa Tu chính án. Theo Business Insider, khả năng lớn các luật sư của ông Trump sẽ nói rằng Tu chính án thứ 14 chỉ áp dụng với con của các thường trú nhân ở Mỹ chứ không áp dụng với người nhập cư trái phép hay những người được cấp visa tạm thời.
Hiện Quốc hội và các tòa án ở Mỹ vẫn tranh luận về cụm từ “chịu sự quản lý của pháp luật”. Nhiều học giả như chuyên gia John Eastman tại Trung tâm Luật hiến pháp thuộc Viện Claremont (Mỹ) và ông Michael Anton từng là người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từng tranh luận rằng con của những người nhập cư bất hợp pháp không “chịu sự quản lý pháp luật” Mỹ và vì thế không được công nhận là công dân Mỹ.
Bản thân Phó Tổng thống Mỹ Pence cũng nói với Politico rằng ông không chắc Tu chính án thứ 14 có áp dụng với người nhập cư trái phép hay không. Tuy nhiên, năm 1982 Tòa án Tối cao có một phán quyết rằng dù một người có vào Mỹ bất hợp pháp thì cũng chịu sự quản lý của luật pháp Mỹ và có “đầy đủ nghĩa vụ theo luật hình sự và dân sự của Mỹ” cho đến khi người này rời khỏi Mỹ tự nguyện hay bắt buộc theo luật nhập cư. Một khi còn ở trên đất Mỹ, người này vẫn được luật pháp Mỹ bảo vệ.
Chưa biết kết quả thế nào nhưng theo hai nhà báo Cummings và Jackson, thay vì chỉ trích ông Trump hay châm biếm quan điểm của ông, người Mỹ hãy nghiêm túc tranh luận về việc này. Cho đến lúc này, ông Trump là tổng thống duy nhất sẵn sàng tranh luận về vấn đề này.
53 nghị sĩ Quốc hội Mỹ có gốc gác nhập cư Khảo sát của Trung tâm thăm dò Pew (Mỹ) cho thấy có 8% trong số 340.000 trẻ sinh ra tại Mỹ trong năm 2008 là người nhập cư trái phép. Con số này tăng rất nhanh. Đến năm 2015, Pew cho biết có đến 270.000 trẻ do người nhập cư trái phép sinh ra. Con số này hiện nay là khoảng 400.000 trẻ mỗi năm. Ông Cippriano cùng vợ và một con gái nhỏ từ Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ đầu thập niên 1990, sau đó sinh thêm ba người con nữa. Ba người con này được cấp quyền công dân Mỹ với mọi quyền lợi: Được cấp bằng lái xe, được thuê mua nhà, đặc biệt học hành với chi phí thấp, có quyền bầu cử, một trong ba người còn phục vụ trong hải quân Mỹ. Tuy nhiên, người con gái đầu vốn chỉ một tuổi khi theo cha mẹ sang Mỹ lại không được hưởng các quyền lợi này. Dù là chị đầu, cô là người cuối cùng ra riêng vì theo quy định phải chờ lâu hơn. Thời gian cô chờ được cấp bằng lái xe hay được thuê nhà cũng lâu hơn. Và dù học hành giỏi giang, cô vẫn chỉ có thể vào cao đẳng cộng đồng vì không đủ tiền trả học phí đại học bốn năm, vốn cao hơn nhiều so với các sinh viên bản xứ. Anh Isaac Naranjo, 19 tuổi, sinh viên tại trường đại học nổi tiếng UC-Berkeley, nói mẹ anh theo ông bà ngoại từ Ecuador sang Mỹ đầu thập niên 1990, lúc bà còn chưa thành niên. Anh nói không bao giờ quên cái ngày cảnh sát khám nhà, lúc anh mới năm tuổi. Nhưng anh thừa nhận mình “may mắn được Tu chính án thứ 14 bảo vệ, không bị trục xuất, có thể đi học và giờ tôi học ở Berkeley”. Còn mẹ anh thì bị đưa ra tòa và sau một thời gian dài hầu tòa bà cũng được ở lại Mỹ và giờ cũng đã có quyền công dân. Ít nhất 53 nghị sĩ Quốc hội là con cái của các cha mẹ nhập cư. Trong số này có hạ nghị sĩ Cộng hòa Mia Love, con của một cặp cha mẹ người Haiti nhập cư. Tuần rồi, nghị sĩ Love đã lên tiếng phản đối chuyện ông Trump muốn đơn phương thay đổi luật nhập cư. Theo bà, quyền sửa đổi hiến pháp là của Quốc hội, không phải của ông Trump. |