'Hết thời hiệu rồi, tôi không giải quyết, được không?'

Ông Trần Bê (59 tuổi, ngụ xã Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vừa tiếp tục có đơn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa phải tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan đối với ông. Hơn 30 năm nay, ông Bê sống trong nỗi oan ức, tủi hận vì bị khởi tố, giam oan nhưng cơ quan tố tụng không khôi phục danh dự, quyền lợi cho ông.

Giam ba năm rồi đình chỉ vì không buộc tội được

Ông Trần Bê kể sáng 19-10-1981, sau một đêm cùng các dân quân du kích trực an ninh tại UBND xã Ninh Giang, ông Bê bị triệu tập lên Công an huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) rồi bất ngờ bị bắt giam. CQĐT lúc đó cho rằng ông Bê là người đã bắn chết ông Phạm Ngưu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, vào đêm hôm trước.

“Ngay từ những ngày đầu bị bắt, tôi đã một mực kêu oan. Tuy nhiên, tôi càng kêu oan, người ta càng tra tấn tôi. Suốt 23 tháng trời, tôi bị cùm chân, biệt giam. Sau đó, họ không cùm nữa nhưng ngày nào cũng đánh đập, tra tấn tôi liên tục” - ông Bê uất ức nhớ lại.

Trước đó, năm 1979, trở về sau ba năm phục vụ quân đội, ông Bê làm du kích xã Ninh Giang. Khi đứa con trai mới hơn một tuổi, vợ ông qua đời sau cơn bệnh nặng. Theo lời ông Bê, tối 18-10-1981, tại nhà ông Huỳnh Chiếm Phái, đội trưởng đội sản xuất lúc đó, có diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch sản xuất, có sự tham dự của ông Phạm Ngưu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang.

“Sau khi đi tuần tra về, tôi đang ru con ngủ thì nghe tiếng súng nổ cách nhà tôi hơn 100 m. Tôi vùng dậy, cầm cây súng AR-16 được trang bị chạy ra đường. Khi thấy ông Ngưu nằm bất động, có vết thương trên ngực, tôi bắn chỉ thiên ba phát đạn để báo động cho lực lượng dân quân tập trung. Sau đó, chính tôi chạy về UBND xã báo cáo sự việc và đến sáng hôm sau thì bị bắt giam. Suốt thời gian bị giam, tôi liên tục bị nhục hình và bị buộc phải nhận tội nhưng tôi nói thà chết chứ không nhận vì tôi không giết người” - ông Bê kể.

Đến ngày 25-9-1984, sau gần ba năm bị bắt giam, ông Bê được trả tự do kèm theo quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên hiện nay). Quyết định này ghi rõ: “Xét thấy không có đủ bằng chứng buộc tội Trần Bê về tội giết người”.

Ông Trần Bê đau đáu chờ đợi được minh oan suốt hơn 30 năm qua. Ảnh: TẤN LỘC

Khước từ xin lỗi, bồi thường

Ra khỏi trại giam, ông Bê phải nhắn người thân đến đưa về vì ông không thể đi một mình. Hai mắt bị mờ, thân hình tàn tạ, hai chân không thể đứng vững sau gần ba năm bị giam cùm, tra tấn. Những năm đầu về nhà, ông Bê phải nằm một chỗ vì thường xuyên đau bệnh, trong khi đứa con mới hơn bốn tuổi nhưng không có gì để ăn. Mọi thứ đều nhờ người bà con thân thuộc.

Mấy năm sau, ông gượng dậy đi làm, kiếm cái ăn cho con và mua thuốc chữa bệnh. “Mỗi khi có việc đến xã làm giấy tờ, họ đều từ chối ký hoặc ghi vào tôi từng bị ở tù tội giết người. Con tôi cũng bị chính quyền địa phương phân biệt đối xử vì cho là con của kẻ giết người. Bao nhiêu năm nay cha con tôi phải sống trong tủi nhục” - ông Bê nghẹn ngào.

Năm 2000, ông Trần Bê gửi đơn đến CQĐT Công an tỉnh và VKSND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tổ chức xin lỗi công khai đối với ông tại nơi cư trú, phục hồi đầy đủ các quyền lợi hợp pháp và bồi thường oan cho ông.

Tuy nhiên, ngày 14-4-2000, Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản từ chối các yêu cầu của ông với lý do: Sự việc xảy ra đã 19 năm, khi đó BLHS nước CHXHCN Việt Nam đầu tiên (năm 1985) chưa ra đời nên chưa quy định điều luật “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”. Mặt khác, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội này đã hết (năm năm kể từ khi sự việc xảy ra).

Văn bản này còn nêu: Nghị định 47/CP ngày 3-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra có hiệu lực từ ngày 15-5-1997. Căn cứ vào những quy định trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa không thể tiến hành xem xét các yêu cầu đòi bồi thường về vật chất và danh dự của ông Bê.

Theo ông Bê, năm 2009, khi ông tiếp tục yêu cầu bồi thường, VKSND tỉnh Khánh Hòa cũng trả lời hết thời hiệu nên không giải quyết. Đầu tháng 4-2016, khi giải quyết vụ kiện đòi bồi thường oan của các con ông Huỳnh Chiếm Phái, một người cũng bị tù oan trong vụ án ông Phạm Ngưu bị bắn chết, TAND thị xã Ninh Hòa mời ông Bê đến thông báo rằng VKSND tỉnh Khánh Hòa nói ông Bê đã rút đơn khiếu nại từ năm 2009 nên viện không bồi thường.

Trong khi đó, ông Bê khẳng định ông không bao giờ rút đơn. Do đó, mới đây ông Bê tiếp tục gửi đơn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa xin lỗi, bồi thường và hiện ông đang chờ trả lời của viện này. “Gần 35 năm nay, tôi bị cho là kẻ giết người. Nỗi đau đớn về thể xác mà tôi phải chịu trong ba năm bị giam vẫn không bằng nỗi oan ức thấu trời xanh của tôi suốt mấy chục năm qua”. Tôi cần một lời xin lỗi để được làm một công dân đúng nghĩa nhưng họ vẫn vô cảm khước từ” - ông Trần Bê uất nghẹn.

Đến chết vẫn chưa được minh oan

Liên quan đến vụ án ông Phạm Ngưu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, bị giết năm 1981, còn có một người bị bắt giam oan khác là ông Huỳnh Chiếm Phái (ngụ xã Ninh Giang) mà báo Pháp Luật TP.HCM ngày 12-12-2015 đã phản ánh trong bài “Một vụ án oan “treo” đến 30 năm”.

Ông Phái cũng trở thành tàn phế sau khi bị bắt giam hơn 13 tháng rồi đình chỉ điều tra. Sau khi ông Phái chết trong uất ức vì chưa được minh oan, các con ông Phái khởi kiện ra TAND thị xã Ninh Hòa yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan cho cha mình. Mới đây, TAND thị xã Ninh Hòa đã đề nghị các con ông Phái cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại để tòa giải quyết.

_______________________________

Từ chối bồi thường là máy móc, vô cảm

Có thể khẳng định các trường hợp khiếu nại đòi bồi thường oan của các ông Trần Bê, Huỳnh Chiếm Phái (trong cùng một vụ án) là hậu quả của một vụ án oan hi hữu ở Khánh Hòa do lịch sử tố tụng những năm 1980 để lại.

Cả hai trường hợp này không thể lấy lý do hết thời hiệu để không bồi thường cho người bị oan bởi cơ quan pháp luật không chứng minh được đã tống đạt quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phái cũng như không chứng minh được việc ông Bê rút đơn. Cả hai trường hợp cần phải được xem xét giải quyết khách quan, toàn diện theo hướng có lợi cho những người bị hàm oan. Việc dùng thủ tục thời hiệu để từ chối giải quyết yêu cầu đòi bồi thường cho những người bị oan là máy móc, vô cảm với những đau thương, mất mát của người bị oan.

Để giải quyết dứt điểm vụ án oan hơn ba thập niên qua, thiết nghĩ cơ quan tư pháp trung ương cần xem xét, chỉ đạo VKSND tỉnh Khánh Hòa sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, tháo gỡ vướng mắc thủ tục của pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước theo hướng đảm bảo quyền lợi cho những người bị oan.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm
Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

“Tôi không giải quyết, được không?”

PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc qua điện thoại để đăng ký làm việc với ông Nguyễn Văn Kháng, Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa, liên quan đến việc giải quyết bồi thường oan cho các ông Huỳnh Chiếm Phái và Trần Bê. Tuy nhiên, ông Kháng nói: “Tôi không có thời gian. Huỳnh Chiếm Phái là cái gì? Hết thời hiệu rồi! Tôi không trả lời và không giải quyết. Được không?”. Ông Kháng tắt máy ngay sau đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm