Như đã đưa tin, vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào chiều 3-4 khiến nhiều người bị thương và hàng loạt ô tô hư hỏng nặng.
Nguyên nhân được xác định do người dân đốt rơm rạ ở ruộng phía bên phải tuyến đường cao tốc tại khu vực gần cầu Đồng Môn, Đồng Nai (lý trình Km 19+500).
Đám cháy đã lan ra hành lang đường cao tốc, tạo nên đám khói dày đặc, cộng với hướng gió về phía đường cao tốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm nhìn của người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên cả hai hướng qua khu vực này. Màn khói đặc khiến các xe không nhìn thấy nhau. Sự việc trên dẫn đến các xe không giữ khoảng cách an toàn, không hạn chế tốc độ đã xảy ra các sự cố, tai nạn liên hoàn nói trên.
Hiện trường vụ tai nạn do đốt rơm rạ.
Bên cạnh trách nhiệm của ban quản lý tuyến cao tốc, bản thân các tài xế, nhiều ý kiến cho rằng cũng cần xem xét trách nhiệm của những người dân đốt rơm rạ khiến khói bay lên cao tốc.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng những năm gần đây trên phạm vi cả nước, sau khi thu hoạch lúa, người nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, hạn chế tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông.
Xét hành vi của người đốt rơm rạ trong vụ việc này là gián tiếp gây ra hậu quả. Tuy nhiên, để xử lý về hành vi cản trở giao thông trong vụ việc này là không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm.
Hành vi đốt rơm rạ gây khói bụi ô nhiễm môi trường có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 179/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt 1-2 triệu đồng về hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng.
Một tuyến đường tại Hà Nội mù mịt khói do đốt rơm rạ. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đây không phải lần đầu tiên việc đốt rơm rạ của người dân gây ảnh hưởng đến giao thông. Đặc biệt, tại Hà Nội, tình trạng này trở thành “đến hẹn lại lên”.
Theo đó, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, việc hàng ngàn hộ nông dân tại các khu vực lân cận trung tâm TP đồng loạt đốt rơm rạ khiến không khí bị ảnh hưởng lớn. Khói từ việc đốt làm hạn chế tầm nhìn của các tài xế tại những tuyến đường dẫn vào TP. Chưa kể với lượng khói lớn, nhiều thời điểm, trời Hà Nội trở nên âm u hơn so với ngày thường.
Trước tình trạng này, từ cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xử lý kịp thời. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng đốt rơm rạ ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đường giao thông, nơi công cộng sẽ bị phê bình và đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả thi đua khen thưởng cả năm.
UBND TP giao Công an TP, Sở GTVT chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp phơi thóc, rơm rạ, đốt rơm rạ trên đường gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền; đôn đốc và phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác; nghiên cứu cung cấp các chế phẩm sinh học cho các địa phương và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…