Hiện vật kể chuyện bạo hành

Một chiếc búa, một chiếc dao, cái nồi méo mó hay chiếc chậu hoa vỡ toang… tất cả vật vô trí đó được bày ra tại phòng triển lãm khiến người ta dễ liên tưởng đây là triển lãm về nông cụ hay vật dụng gia đình. Nhưng không, đó chính là những vật mà người chồng dùng để tấn công, bạo hành với chính người vợ của mình.

Đủ kiểu bạo hành

Gây ấn tượng mạnh cho người xem là con dao sắc, đặt ở một góc triển lãm. Khó có thể tin được đó là vật mà chồng của một phụ nữ sống ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình dùng để tấn công người vợ yếu ớt. Nạn nhân của vụ bạo hành này kể lại: “Anh ấy cho rằng tôi cãi anh ấy, vớ lấy con dao rất sắc ở hè nhà chém vào đùi tôi”. Bên cạnh con dao là chiếc búa đinh cũ kỹ, chị T. - người đưa hiện vật này tới triển lãm kể về câu chuyện của mình: “Suốt hai năm tôi bị bạo lực cả thể xác và tinh thần. Tôi nhớ có một lần anh ấy đi làm về muộn, uống rượu say rồi đánh tôi khi tôi đang cho lợn ăn. Anh ấy đánh tôi, bóp cổ tôi, dìm đầu tôi xuống chuồng lợn. Tôi la hét, anh ấy còn lấy búa đập vào đầu tôi”.

Hàng trăm hiện vật xuất hiện tại triển lãm, mỗi hiện vật lại minh chứng cho một kiểu bạo hành khác nhau của người đàn ông trong gia đình. Đó là nồi nước nóng mà chồng chị P. ở huyện Đông Anh (Hà Nội) hắt vào người vợ, khi chị chuẩn bị đem cơm vào cho em chồng đang nằm viện. Cũng là chiếc nồi dùng để nấu những bữa cơm đầm ấm thấm đẫm mồ hôi của người vợ ấy đã bị một người chồng khác đập liên hồi lên đầu vợ, mốp máp.

Hiện vật kể chuyện bạo hành ảnh 1

Một người nước ngoài đứng suy tư bên cạnh những hiện vật “biết nói”. Ảnh: V.THỊNH

Dường như khi cơn giận trào lên, bất cứ vật dụng nào cũng có thể được người chồng “trưng dụng” cho mục đích bạo hành. Một phụ nữ đã cung cấp cho triển lãm chiếc vồ đập đất, chị kể lại câu chuyện của mình bằng một câu đầy ngỡ ngàng, đau xót: “Tôi không nghĩ chồng mình lại vũ phu, tàn bạo như vậy”. Chị cho biết chồng mình đã dùng chiếc vồ đập đất đánh chị đến ngất xỉu nhưng khi đứa con rón rén đến bên mẹ lập tức bị anh chồng đe dọa.

Người vợ không chỉ bị chồng bạo hành mà còn chịu bạo hành đơn, bạo hành kép bởi những người khác trong gia đình. Chị H. cũng ở huyện Đông Anh là minh chứng cho điều này, chị kể lại: “Tôi thường xuyên bị những trận đòn của mẹ chồng và em gái chồng. Hôm đó, con tôi sốt cao, tôi nhờ mẹ chồng rót cho cháu cốc nước để cháu uống thuốc. Chồng tôi không nói không rằng cầm ngay chai nước ném thẳng vào mặt mẹ con tôi…”.

Nỗi đau câm lặng

Kết quả được chia sẻ tại triển lãm cho thấy rất nhiều phụ nữ bị bạo hành nhưng không hề sử dụng các biện pháp để bảo vệ mình. Họ chọn việc im lặng, chịu đựng những trận đòn roi vô cớ, những lời mạt sát tệ hại và cả bạo lực tình dục ngày này qua tháng khác.

Chị Bùi Thị Nga, Phó Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, xác nhận điều này với chúng tôi bằng câu chuyện xảy ra trên chính địa bàn mình: “Tôi có người em gái từng bị chồng nắm tóc, đập đầu xuống sàn nhà liên hồi… may có người hàng xóm nghe thấy vào can ngăn, nếu không thì mọi việc cũng chìm lắng đi”. Tuy nhiên, đỉnh điểm của bạo hành phải kể đến trường hợp một phụ nữ từ Nam Định lên làm dâu ở Hòa Bình. “Chồng cô ấy đã bắt vợ mình đứng ở dưới nhà, còn mình trèo lên cao, đi tiểu lên trên đầu vợ” - chị Nga kể tiếp. Mặc dù bị bạo hành như thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn chưa một lần thông báo cho địa phương và từ chối sự can thiệp của CLB.

Không chỉ bị bạo hành về mặt tinh thần, nhiều phụ nữ còn bị bạo hành tình dục thường xuyên. Chị BT - thành viên CLB “cùng chia sẻ” ở thị trấn Yên Viên (Hà Nội) khiến nhiều người xem phải đứng lại rất lâu với khuôn mặt đầy nhức nhối. Chị chia sẻ: “Chồng tôi đòi quan hệ nhưng tôi không đồng ý vì cách đó ba hôm tôi phải ra viện phụ sản để “giải quyết” lần thứ năm. Anh ấy xé quần áo của tôi, đổ lên người tôi như một súc gỗ, vừa quan hệ chồng tôi vừa tát, vừa đấm, vừa cắn vào ngực tôi, túm tóc dằn đầu tôi xuống giường”. Sau trận cuồng dâm ấy, chị BT bị sưng nhiều chỗ, bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm nghiêm trọng.

Đồng cảm với nỗi đau của những người vợ, chị Lê Thị Hà (Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cũng thừa nhận thực tế nhiều phụ nữ chọn giải pháp im lặng khi bị chồng bạo hành, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn tồn tại trong nhiều gia đình.

Triển lãm “Nước mắt nụ cười” vừa khai mạc vào ngày 23-11 tại triển lãm Hàng Bài (Hà Nội). Triển lãm tập hợp các bức ảnh, hiện vật do phụ nữ bị bạo hành gửi đến từ các vùng, miền khác nhau. Tất cả những câu chuyện bạo hành sẽ tiếp tục đến với người xem đến hết 29-11.

Đây là sự kiện nhân Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25-11) với sự tài trợ của Cơ quan phụ nữ Liên Hiệp Quốc.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm