Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là trung tâm) được thành lập dựa trên đề án tổ chức lại Văn phòng Phát triển kinh tế Sở Kế hoạch- Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công Thương và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Sở VH-TT&DL.
Đổi mới cách tiếp cận nhà đầu tư
Việc thành lập trung tâm theo đúng chủ trương, quy định tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất, ban hành quyết định thành lập.
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm, cho biết sau một năm đi vào hoạt động, trung tâm đã đạt được một số kết quả tích cực.
Lĩnh vực xúc tiến đầu tư được đổi mới nội dung, phương thức, có trọng tâm, trọng điểm. Trung tâm đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội để tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình xúc tiến thương mại và du lịch năm 2024 và phê duyệt danh mục 55 dự án ưu tiên làm cơ sở để kêu gọi đầu tư.
Trong năm 2024, trung tâm đã tham mưu tổ chức thành công hội nghị công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư vào tỉnh; hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Đồng Nai, TP.HCM, với tổng số trên 920 đại biểu tham dự, tạo sự lan tỏa tốt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tiếp đón và làm việc với trên 30 lượt các nhà đầu tư, các đoàn công tác trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước đến Ninh Thuận tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh; đã hướng dẫn thủ tục đầu tư cho 20 nhà đầu tư đăng ký các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đô thị, nông nghiệp, du lịch.
Kết quả, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn hơn 24.000 tỉ đồng, lựa chọn nhà đầu tư cho năm dự án với tổng vốn 7.800 tỉ đồng và ký kết ghi nhớ bảy dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, phối hợp kết nối các sở ngành ký kết 18 bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, phát triển các dự án. Đặc biệt, thu hút FDI của tỉnh Ninh Thuận nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước với tổng vốn trên 1,2 tỉ USD.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm OCOP. Thực hiện 13 hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ 225 lượt doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến, quảng bá trong và ngoài tỉnh.
Kết nối, gỡ vướng cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm
Theo ông Trương Văn Tiến, trung tâm tổ chức thành công hội nghị đón tiếp đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, giao dịch mua hàng với các địa phương khu vực Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận.
Sự kiện có sự tham gia của 25 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và 64 doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định tham gia.
Tại hội nghị này, 18 doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc để tiếp tục xúc tiến kết nối xuất khẩu hàng hóa.
Trung tâm cũng hỗ trợ cho 94 doanh nghiệp với 368 sản phẩm được giới thiệu trên sàn điện tử. Nhiều mặt hàng nông sản đã được xuất khẩu như: nhân điều, nha đam, măng tây, hành tím, táo xanh, táo sấy. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến từ nha đam đã xuất qua 22 quốc gia, với tổng giá trị khoảng 3,5 triệu USD/năm.
Năm 2024, trung tâm cũng chú trọng, đổi mới phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch đa dạng, đồng bộ, tham mưu tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch đối với các nước có lượng khách du lịch lớn và tiềm năng như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc…
Cũng theo giám đốc trung tâm, ngoài các công tác xúc tiến đầu tư, công tác tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Trung tâm đã ký kết quy chế phối hợp với 5 hiệp hội doanh nghiệp để phối hợp cung cấp các thông tin, nắm bắt tình hoạt động của doanh nghiệp nhằm tổng hợp, kiến nghị đề xuất các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 37 doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, đầu tư... Phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 22 lượt nhà đầu tư.
Đồng thời, phối hợp tổ chức thành công hội thảo đánh giá, phân tích các nội dung tác động đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cam kết những ưu đãi tốt nhất cho nhà đầu tư
Theo ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này đang đứng trước những cơ hội phát triển mới khi được Quốc hội, Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia và tái khởi động dự án điện hạt nhân, xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định chọn năm cụm ngành đột phá, gồm: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản.
Vì vậy, tỉnh đang tập trung đầu tư và kêu gọi các dự án trọng điểm như cảng biển tổng hợp Cà Ná, các tuyến đường giao thông; các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo; các dự án du lịch nghỉ dưỡng; các khu cụm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Tỉnh Ninh Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của nhà nước theo quy định của các luật Đầu tư, Đất đai, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất nhập khẩu. Toàn bộ các huyện của tỉnh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo địa bàn đầu tư.