Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV: Tự chủ và những thách thức chưa từng có!

(PLO)- Vừa tự chủ, ngân sách chi thường xuyên của nhà nước cắt hoàn toàn, trong khi có đến 3 khóa sinh viên ở cơ chế chưa tự chủ vẫn đang học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ. Và đây cũng là năm mà theo Hiệu trưởng, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, trường gặp những thách thức chưa từng có.

Tự chủ là thành tựu và cũng là thách thức nhất

.Trải qua một nhiệm kỳ giữ vai trò Hiệu trưởng tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM, bà có hài lòng với những gì bà và tập thể sư phạm trường đã làm trong thời gian qua? Thay đổi diện mạo, hình ảnh trường có lẽ là điều bà hài lòng nhất?

+ PGS-TS Ngô Thị Phương Lan: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, trong đó có đến hơn 2 năm chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 và còn ảnh hưởng về lâu dài; Quá trình thực hiện tự chủ ĐH bước vào năm đầu tiên với những thách thức chưa từng có; Các ngành khoa học cơ bản, ngành mới tại trường gặp nhiều khó khăn; Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính hạn chế… nhưng chúng tôi đã rất tự hào về những gì mình đã đạt được trên nền tảng của sự đoàn kết, sự quyết tâm vì sự phát triển chung của trường.

Và thành tựu lớn nhất là trường đã bước vào giai đoạn tự chủ. Bên cạnh những nỗ lực về chuyên môn để nâng cao chất lượng mọi mặt, có lẽ thay đổi diện mạo là điều dễ nhận thấy nhất, nhất là tại cơ sở TP Thủ Đức theo hướng hiện đại, xanh, tạo môi trường tốt cho sinh viên học tập, nghiên cứu.

Thế nhưng, điều mà tôi hài lòng nhất đó là tôi đã có được sự ủng hộ của tập thể. Vì trong nhiệm kỳ, những thay đổi sẽ dễ dẫn đến sự không đồng thuận nhưng cuối cùng là nhiều quyết sách dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về công tác quản trị và quản lý theo hướng tự chủ.

Tuy nhiên, bối cảnh chung cũng như thực tế của trường gặp nhiều khó khăn, thách thức cho nên còn những hạn chế, tồn tại đòi hỏi phải tiếp tục có giải pháp thay đổi trong giai đoạn mới.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan

. Đây là năm học đầu tiên Trường ĐH KHXH&NV thực hiện cơ chế tự chủ. Và ở vai trò hiệu trưởng trong nhiệm kỳ đầu chuyển giao giữa hai cơ chế hoạt động, trường đã có những chuyển biến như thế nào, thưa bà?

+ Tự chủ ĐH trong bối cảnh vừa tự chủ vừa chống dịch quả là khó diễn tả. Giai đoạn gần 5 năm đầu của tự chủ ĐH thường là thách thức thực sự, hiệu quả thì phải sau đó mới thấy rõ.

Vừa tự chủ, ngân sách chi thường xuyên của nhà nước cắt hoàn toàn, trong khi có đến 3 khóa sinh viên ở cơ chế chưa tự chủ vẫn đang học. Nhu cầu, ý tưởng thì nhiều nhưng rồi vấn đề nguồn lực ở đâu để thực hiện lại là điều mấu chốt mà người quản lý phải đối mặt. Để tìm nguồn tài chính bù đắp sự thiếu hụt này đòi hỏi phải thực thi nhiều giải pháp mới nhưng vẫn phải đảm bảo quy định hiện hành.

Trong thời gian ngắn này, trường đã xây dựng được các phương án vận hành khi ngân sách bị cắt giảm rất nhiều và điều này tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian tới, sẽ có những ngành mới được mở, những ngành này đáp ứng nhu cầu xã hội và sẽ có những ngành liên ngành, xuyên ngành.

Bên cạnh đó, trường cũng nhận được sự hỗ trợ của ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua đề án hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản.

Tránh làm tổn thương ngành khoa học cơ bản

. Trong quá trình triển khai tự chủ tại ĐHQG TP.HCM nói chung và trường ĐH KHXH&NV nói riêng, theo bà, đâu là khó khăn, thách thức cam go nhất? Để tháo gỡ, bà có kiến nghị những giải pháp gì riêng để trường có lộ trình tự chủ hiệu quả hơn?

- Theo tôi, vướng mắc lớn nhất đối với các trường công lập hiện nay là bị chi phối bởi rất nhiều luật, nghị định và quy định, khiến không gian tự chủ của các trường ĐH không lớn là bao.

Do vậy, ranh giới giữa cái đúng và cái sai rất mong manh nên khó tạo một hành lang pháp lý cho người lãnh đạo quản lý ĐH có những quyết sách để phát triển giáo dục ĐH.

Với ĐH nói chung, ĐH công lập và nhất là các ngành khoa học cơ bản được đào tạo có nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Có nhiều ngành đào tạo là để phụng sự cho xã hội, nếu đặt vấn đề tài chính lên trước và không có chiến lược đầu tư rõ ràng thì sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể duy trì và phát triển. Cụ thể các ngành: Triết học, Lịch sử, Văn học, Địa lý, Tôn giáo học, Nhân học, Thông tin thư viện, Lưu trữ học…

Nếu các ngành này có mức học phí ngang bằng với các ngành có nhu cầu xã hội cao thì sẽ rất khó để có người học. Vì vậy, việc tự chủ ở các trường cần có sự đánh giá cụ thể, xét đến đặc thù ngành học để có giải pháp phù hợp, tránh vì tự chủ mà làm tổn thương đến các ngành khoa học cơ bản.

Tôi nghĩ nhà nước cần tăng đầu tư cho các hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học nền tảng, ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như chúng ta đã xác định “Khoa học cơ bản là nền tảng của sự phát triển bền vững.”

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cho sinh viên cần được điều chỉnh để những sinh viên khó khăn có thể được đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, vì hiện nay vay qua ngân hàng chính sách xã hội nhưng điều kiện vay, bảo lãnh, thời gian vay, hỗ trợ lãi suất hiện có nhiều bất cập.

Muốn có một sự thay đổi lớn về giáo dục cần sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược phát triển của quốc gia; các chính sách liên quan đến giáo dục trước khi ban hành phải có dự kiến tác động và duy trì sự ổn định cần có và phải tạo môi trường tự chủ thực sự cho giáo dục ĐH.

Một tiết học của thầy trò Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: NTCC

Một tiết học của thầy trò Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: NTCC

Tăng số ngành được hỗ trợ học phí

. Với một trường tự chủ, học phí là nguồn thu lớn nhất. Hơn nữa, là một trường khối xã hội, trường sẽ có những hạn chế trong việc mở rộng các nguồn thu khác. Vậy giải pháp của trường thời gian tới sẽ thế nào để giảm tải gánh nặng học phí cho người học?

+ Người học đến từ gần như tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là từ nhiều vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn. Chính vì vậy việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh viên là trọng tâm.

Nhà trường thực hiện chương trình Khuyến học – Khuyến tài tài trợ nhiều học bổng toàn phần, học bổng 1 năm học cho sinh viên khó khăn, sinh viên xuất sắc để giúp các bạn an tâm học tập. Sinh viên cũng sẽ được tham gia nhiều chương trình phát triển kỹ năng, nghề nghiệp, thực tế doanh nghiệp…

Một giải pháp lâu dài là hàng năm, ĐH Quốc gia TP.HCM trong các nguồn điều tiết của mình sẽ hỗ trợ cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản, hiện nay KHXH&NV có 9 ngành và chúng tôi đang đề xuất thêm một ngành trong năm sau, gồm: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - thư viện, Lưu trữ học, Nhân học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Nga.

Như năm 2023, mức học phí các ngành này là 13 triệu đồng đồng/năm học so với trước tự chủ là 11 triệu/ năm. Điều này có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các ngành khoa học cơ bản phục vụ chiến lược phát triển đất nước.

2 giải pháp trọng tâm trong 5 năm tới

. Trong nhiệm kỳ tiếp theo, bà có thể chia sẻ dự định, ấp ủ cho những kế hoạch mà bà mong mỏi thực hiện đối với sự phát triển của trường?

+ Với nền tảng vững chắc từ thành tựu của nhiệm kỳ vừa qua, trường sẽ tập trung vào nhiều hoạt động khác nhau với hai trọng tâm chính như sau:

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực với nhiều giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ, chuẩn hóa chức danh và học vị; tiếp tục đổi mới và cập nhật những phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế; thúc đẩy năng lực nghiên cứu, công bố khoa học quốc tế…Đặc biệt, trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập của viên chức, người lao động.

Thứ hai, tạo sự đột phá trong công tác đào tạo: chuẩn hóa công tác đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, mở các ngành học theo hướng liên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh mới; mở rộng hợp tác quốc tế và quốc tế hóa chương trình đào tạo.

. Trong nhiệm kỳ tiếp theo, bà có thể chia sẻ dự định, ấp ủ cho những kế hoạch mà bà mong mỏi thực hiện đối với sự phát triển của trường?

+ Với nền tảng vững chắc từ thành tựu của nhiệm kỳ vừa qua, trường sẽ tập trung vào nhiều hoạt động khác nhau với hai trọng tâm chính như sau:

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực với nhiều giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ, chuẩn hóa chức danh và học vị; tiếp tục đổi mới và cập nhật những phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế; thúc đẩy năng lực nghiên cứu, công bố khoa học quốc tế…Đặc biệt, trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập của viên chức, người lao động.

Thứ hai, tạo sự đột phá trong công tác đào tạo: chuẩn hóa công tác đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, mở các ngành học theo hướng liên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh mới; mở rộng hợp tác quốc tế và quốc tế hóa chương trình đào tạo.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm