Buổi tập đầu tiên của đội trên sân cỏ nhân tạo của Trung tâm thể thao CA TP.HCM, ông Miura đã làm nhiều người ngạc nhiên với những việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn.
Buổi đầu làm “thuyền trưởng” ấy, người ta thấy ông Miura mang đôi dép lê, mặc cái áo phông cũ đi nhặt từng cọng rác rơi rớt trên sân. Sau đó, tự tay ông mắc lưới vào khung cầu môn chuẩn bị cho buổi tập. Với suy nghĩ thông thường về một HLV, lại là HLV nước ngoài, chẳng ai làm thế. Đơn giản đó là công việc của nhân viên giúp việc cho đội. Nhưng ông Miura đã làm.
Bản thân HLV Miura từng dẫn dắt tuyển Việt Nam, có bằng cấp cao qua các khóa HLV học từ Đức. Ông đến từ đất nước có nền bóng đá phát triển bậc nhất châu Á và nền kinh tế vào loại mạnh nhất thế giới nhưng HLV Miura quả là mộc mạc và bình dân.
HLV Miura nhặt rác trên sân bóng. Ảnh: CTP
Ông Miura mang đầy đủ thông điệp của một người Nhật điển hình: thân thiện, chịu khó và chẳng nề hà bất cứ việc nhỏ nhặt. Đáng nói là xuất phát điểm của bóng đá Nhật cũng gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn đi lên từng ngày như kiểu đất nước Nhật nghèo tài nguyên, hoang tàn sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã đứng dậy tái thiết thành một cường quốc hàng đầu thế giới.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc có cuộc thống kê tổng GDP (thu nhập bình quân đầu người) của 32 quốc gia có đội tuyển tham dự vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga thì chính Nhật là quốc gia số một với 42,7 ngàn tỉ USD, kế đến là Đức, Anh…
Câu chuyện HLV Miura cúi gập người, chân mang dép lê nhặt từng cọng rác trên sân không phải ông “diễn” vì ông đã từng làm như một thói quen hồi còn ở tuyển. Bài học của ông Miura muốn dạy cầu thủ là tinh thần tận tụy, sự chịu khó, quan tâm và ý thức làm sạch đẹp môi trường.
Việc làm nhỏ của HLV Miura có một ý nghĩa lớn cho các học trò.