Ngày 22/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa tạm giữ hình sự 2 đối tượng Karbar Patrick (39 tuổi, quốc tịch Nam Phi) và Golokeh Sam Bass (37 tuổi, quốc tịch Liberia) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Karbar Patrick và Golokeh Sam Bass đến thành phố biển Nha Trang ngày 13/6 trong vai những doanh nhân vừa đi du lịch, vừa tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cả 2 tạm trú tại một khách sạn ở khu phố Tây, đường Tuệ Tĩnh. Sau 2 ngày đầu rong chơi, tìm kiếm cơ hội, chúng làm quen chị Đặng Thị Bích Trâm (39 tuổi) và chị Lê Thị Dung (51 tuổi) ở một quán bar.
Tối 15/6, chúng rủ 2 người này đến khách sạn để giới thiệu “phi vụ” kinh doanh rất béo bở. Chúng bật mí rằng đang giữ một triệu USD do Chính phủ Mỹ cấp để viện trợ các nước châu Phi, nhưng quá trình vận chuyển để đảm bảo an ninh phải ngụy trang bằng cách bôi hóa chất màu đen lên tiền nhìn vào như tờ giấy đen bình thường.
Khi muốn tiêu, chỉ cần lấy “đô la đen” nhúng vào một loại hóa chất, lập tức chất màu đen biến mất, ta có tờ USD bình thường. Để làm tin, chúng rút từ trong cọc giấy đen 2 tờ, đổ hóa chất ra khay và nhúng vào. Lắc qua lắc lại vài lượt, 2 tờ tiền có mệnh giá 100 và 50 USD hiện ra.
Trò lừa đảo nhúng giấy đen vào hóa chất để "hiện" ra tờ đôla.
Theo lời bộ đôi, vì hoàn cảnh nên chúng không về Nam Phi được, giờ muốn nhờ mọi người mua giúp hóa chất để nhúng lấy lại hình dạng tiền ban đầu. Vì loại hóa chất này rất đắt, chúng phải rủ người tham gia “hùn vốn” 10.000 USD, hứa sẽ trả công hậu hĩnh.
Karbar Patrick và Golokeh Sam Bass đang thao thao thuyết phục 2 phụ nữ thì Công an Nha Trang xuất hiện kiểm tra hành chính, thu két sắt chứa 42 cọc giấy màu đen có kích thước 6,5 x 15,5 giống tờ đôla Mỹ, các dung dịch chứa hóa chất màu đen, 205 USD và hơn 2,2 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, Karbar Patrick và Golokeh Sam Bass thú nhận tất cả chỉ là những tờ giấy được nhuộm đen và cắt theo kích cỡ tờ USD, chúng kẹp vào một vài tờ USD thật để lừa đảo.
Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa, kiểu “lừa đảo tiền đen” này lần đầu được ghi nhận vào năm 2001 tại Mỹ, và được gọi là “Black money scam”. Khi điều tra vụ “lừa đảo tiền đen”, hãng ABC News đã ghi lại cách thức biến hóa đồng tiền mà tay lừa đảo người Ghana dùng lừa hơn 20 người.
Đồng 100 USD được quét một lớp keo Elmer bảo vệ, sau đó nhúng vào dung dịch cồn iốt rồi phơi khô. Đồng tiền chuyển màu đen như mảnh giấy thủ công. Sau đó tiền đã nhuộm đen được xếp lên những cọc giấy thủ công thật cắt theo kích cỡ đồng 100 USD.
Khi trình diễn, tay lừa đảo dùng “dung dịch ma thuật” rửa lớp đen bên ngoài đồng tiền thật, tiền sẽ về trạng thái ban đầu. Dung dịch rửa thực chất chỉ là nước pha viên vitamin C được nghiền tan hoặc nước trái mâm xôi để lạnh.
Để đánh tan nghi ngờ của nạn nhân, những tên lừa đảo còn cho nạn nhân lấy bất cứ tờ giấy đen nào trong thùng, rồi khéo tráo bằng tiền thật được phủ đen. Nạn nhân thậm chí còn được khuyến khích mang tiền đi kiểm tra hoặc tiêu trên thị trường để đảm bảo đó là tiền thật.
Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, chúng thường giả vờ không mang đủ "dung dịch đặc biệt" dẫn đến việc phải mua thêm. Số tiền bỏ ra mua loại dung dịch ma thuật mà chúng gọi là “hàng hiếm, hàng cấm” luôn rất cao, đến hàng chục nghìn USD. Nếu không cảnh giác và mờ mắt vì lòng tham, nạn nhân sẽ dễ dàng sập bẫy, bỏ ra số tiền lớn để sở hữu "dung dịch đặc biệt" và những cọc USD màu đen (thực chất là những cọc giấy bình thường).
Để thêm phần huyền bí và tránh cho nạn nhân mở bọc tiền, những tay lừa đảo thường cảnh báo nếu mở bọc để không khí vào, dung dịch rửa sẽ làm hư những đồng tiền được phủ đen.
Trong nhiều năm qua, những vụ lừa đảo tương tự đã bị phát hiện tại nhiều nước châu Á như: Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và bây giờ là Việt Nam...
Các nghi can lừa đảo đều là người gốc Phi. Nạn nhân của các vụ lừa đảo kiểu này khá đa dạng, từ doanh nhân làm ăn ở nước ngoài cho đến người có tài sản giá trị cao muốn bán tới dân thường…
(Theo CAND)