Hòa đàm Nga - Ukraine: 1 năm nhìn lại và triển vọng

(PLO)- Vẫn chưa có hòa bình cho Nga và Ukraine sau một năm dài chiến sự, triển vọng hòa đàm còn mờ mịt.

Đã một năm xung đột Nga - Ukraine (24-2-2022), trái với sức nóng trên chiến trường Ukraine là tình trạng nguội lạnh của tiến trình đàm phán hòa bình. Trong năm qua đã có lúc khấp khởi những hy vọng về hòa bình cho Ukraine, song điều ấy vẫn chưa thành hiện thực.

Ba đợt đàm phán trực tiếp

Những ngày đầu cuộc chiến, Nga luôn tuyên bố sẵn sàng đối thoại và dừng chiến dịch ngay nếu Ukraine đáp ứng điều kiện. Theo đó, Nga yêu cầu Ukraine hạ vũ khí, từ bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay đổi hiến pháp để đảm bảo vị thế trung lập, công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga và công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk, Luhansk. Ukraine không chấp nhận và muốn bàn về một lệnh ngừng bắn.

Cần gấp rút hòa đàm để tránh thêm thương vong. Một tòa nhà cao tầng ở TP Dnipro, Đông Nam Ukraine sụp đổ, chôn vùi nhiều người sau khi trúng tên lửa ngày 14-1. Ảnh: AP

Ngày 28-2-2022, đợt đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine bắt đầu ở TP Gomel (Belarus), kéo dài ba vòng. Ngày 10-3-2022, bắt đầu đợt đàm phán thứ hai với sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).

Đến ngày 29-3-2022, các phái đoàn gặp nhau lần thứ ba, lần này ở TP Istan­bul (Thổ Nhĩ Kỳ). Phía Ukraine đưa ra đề xuất 10 điểm để đạt được lệnh ngừng bắn. Theo đó, Ukraine chấp nhận vị thế trung lập nhưng phải được đảm bảo an ninh; vấn đề Crimea sẽ được hai bên đàm phán, giải quyết trong 15 năm; những vấn đề còn lại sẽ được giải quyết thông qua cuộc gặp của lãnh đạo hai nước.

Khác biệt quá lớn

Thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa có sau ba đợt gặp trực tiếp. Nga và Ukraine vẫn duy trì đàm phán trực tuyến trong nửa đầu tháng 4-2022. Mặc dù đàm phán thu hoạch một số tiến bộ nhất định, chẳng hạn đạt đồng thuận mở hành lang nhân đạo sơ tán dân thường. Tuy nhiên, theo TS Sabine Fischer thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế của Đức, hai bên vẫn không thể hòa giải ở hai điểm quan trọng.

Thứ nhất là về yêu cầu đảm bảo an ninh của Ukraine. Ukraine không còn muốn để cho Nga là một bên đảm bảo an ninh cho mình như đã đề xuất ở Istanbul nữa nhưng Nga muốn điều ngược lại. Thứ hai, Ukraine đề nghị đàm phán về tình trạng của Crimea, từ chối công nhận Donetsk và Luhansk độc lập, còn Nga bác bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào về Crimea và nhấn mạnh vào “sự độc lập” của “các nước cộng hòa nhân dân”.

Trong đề xuất 10 điểm đưa ra ở Istanbul, Ukraine sẵn sàng loại trừ Crimea, Donetsk và Luhansk khỏi các đảm bảo an ninh nhưng đến cuối tháng 4-2022 Kiev yêu cầu đảm bảo an ninh cả các khu vực này. Kể từ đó, Nga luôn cáo buộc Ukraine “lật kèo”, phá vỡ các cuộc đàm phán. Không khí đàm phán suy giảm nghiêm trọng.

Đến ngày 30-9-2022, ông Putin tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Luhansk, Donetsk và Zaporizhia vào Nga. Phía Nga yêu cầu Ukraine công nhận các vùng lãnh thổ này thuộc Nga, cảnh cáo sẽ đáp trả mạnh bất kỳ cuộc tấn công nào vào “lãnh thổ Nga”. Trong khi đó, Ukraine luôn nhấn mạnh rằng để đàm phán thì Nga phải rút quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và bị tòa án xét xử tội ác chiến tranh, như “công thức hòa bình” gồm 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra hồi tháng 11-2022 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia.

Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng sẽ khó có đàm phán hòa bình nghiêm túc giữa Ukraine và Nga trong tương lai gần và họ cảm thấy rất khó để hình dung ra một thỏa thuận mà Ukraine và Nga sẽ chấp nhận, theo tờ The New York Times.

Mong manh triển vọng hòa bình

Xung đột đã tròn một năm, Nga và Ukraine vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện cả Nga và Ukraine đang dấn sâu vào cuộc chiến mà nhiều nhà quan sát lo ngại có thể trở thành một cuộc xung đột kéo dài và ác liệt, theo đài CNN.

Theo TS Fischer, đàm phán hòa bình luôn được định hình bởi tình hình chiến sự và cán cân lực lượng giữa các bên tham chiến. Hai bên đều tin rằng mình có thể đạt được nhiều hơn trên chiến trường để bước vào bàn đàm phán với lợi thế trong tay.

Lập trường của Ukraine ngày càng cứng rắn, muốn lấy lại các vùng lãnh thổ như trước năm 2014, cộng với việc thắng thế trên chiến trường trong những tháng gần đây và được sự ủng hộ của nhiều nước phương Tây, Ukraine càng tự tin vào chiến thắng. Còn Nga vẫn kiên quyết sẽ “hoàn thành tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Như vậy, khó có khả năng có một cuộc đàm phán hòa bình vào lúc này và khó có một “giải pháp ngoại giao giúp đảm bảo một đất nước Ukraine độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” - TS Fischer đánh giá.

Đồng quan điểm, TS Eliot Cohen tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) cho rằng có thể sẽ không có một thỏa hiệp thực sự mang lại hòa bình như nhiều người vẫn nghĩ. Điều có nhiều khả năng xảy ra nhất là bên này hoặc bên kia sẽ thất bại vì kiệt sức. Khi đó sẽ có một lệnh ngừng bắn nhưng lệnh ngừng bắn này sẽ là tiền đề cho một cuộc xung đột khác trong tương lai.•

Điểm sáng trong đàm phán Nga - Ukraine

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022, việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị gián đoạn trầm trọng. Trong hơn bốn tháng, không tàu chở ngũ cốc nào của Ukraine có thể rời cảng. Hậu quả là lương thực khan hiếm, giá cả tăng vọt, làm trầm trọng hơn tình trạng khủng hoảng lương thực thế giới.

Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian thúc đẩy Nga và Ukraine đàm phán xuất khẩu ngũ cốc. Nga và Ukraine có nhiều bất đồng trong vấn đề này, trong đó có việc Nga yêu cầu Ukraine rà phá thủy lôi đã rải ở các cảng Biển Đen để tàu có thể rời bến nhưng Ukraine lo ngại rằng Nga có thể lợi dụng hành lang này để tấn công đổ bộ vào Ukraine.

Sau nhiều tháng đàm phán, vào tháng 7-2022 tại Istanbul, Nga và Ukraine ký thỏa thuận mở hành lang nhân đạo an toàn trên Biển Đen để tàu chở ngũ cốc có thể xuất cảng, gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Tính đến tháng 1-2023, hơn 18 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác đã được xuất khẩu thông qua sáng kiến này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới