Trải dài khắp các tuyến đường Lý Thường Kiệt (quận 10), Bến Bình Đông (quận 8), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Thành Thái (quận 10), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận)..., hoa xuân từ khắp nơi đổ về khoe sắc.
Choáng ngợp với rừng hoa từ bình dân đến sang chảnh
Tại đường Lý Thường Kiệt, Thành Thái nối từ quận 5 cho đến quận 10, hàng ngàn chậu hoa dạ yến thảo, cúc vàng, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, hoa giấy… từ Nha Trang và làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đang tấp nập người mua, người xem.
Trong đó, các loài hoa kiểng bình dân được người mua quan tâm nhiều, giá cũng rất đa dạng. Đơn cử giá một chậu dạ yến thảo chỉ 150.000-200.000 đồng, hoa hải đường chi chít bông và nụ có giá 200.000-300.000 đồng/cây, cúc đại đóa dao động 1-1,8 triệu đồng/chậu.
Tại khu vực Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), đường hoa Thành Thái (quận 10)…, hoa ba miền cũng thi nhau khoe sắc. Nổi bật nhất là đào Nhật Tân từ Hà Nội, hải đường từ Huế, mai vàng của nhà vườn TP.HCM. Người bán hàng cho hay tùy vào gốc cây và kiểu dáng mà giá khác nhau như mai vàng dao động từ 800.000 đến hàng trăm triệu đồng/chậu.
Chị Đinh Châu, nhà ở quận 3, TP.HCM đang lựa chọn hoa đẹp tại đường Thành Thái để mua cho biết: “Khi ra khỏi nhà, trong đầu tôi chỉ nghĩ mua một chậu lan hồ điệp về chưng trong nhà, rồi mua cho nội ngoại mỗi người một chậu mai nhưng khi đến điểm bán hoa Tết, tôi bị choáng ngợp bởi quá nhiều loài hoa. Bởi vậy tôi quyết định ngoài mua hoa lan và mai, tôi còn mua thêm hải đường”.
Chị Châu còn cho hay năm nay chị đi mua sớm để có hoa đẹp chứ đợi đến ngày cuối cùng của năm mới mua chắc chắn sẽ không còn hoa đẹp, dù giá có thể rẻ hơn chút đỉnh.
Hoa xuân từ mọi miền Tổ quốc đổ về TP.HCM, tràn ngập trên các nẻo đường. Trong ảnh: Người dân TP.HCM mua hoa Tết tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận). Ảnh: HOÀNG GIANG
Biến cây bình thường thành độc đáo
Khảo sát các chợ hoa Tết cho thấy năm nay nhà vườn đã “thổi hồn” cho những cây hoa quả bình dân, biến chúng thành những cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Chú Vinh đến từ Bến Tre đang bán hoa và cây cảnh tại đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận) cho hay đã nâng giá trị cây bưởi da xanh ruột đỏ bằng cách tạo ra những cây bưởi bonsai độc đáo và lạ mắt. Sản phẩm này đang được bán với giá 1-1,2 triệu đồng/cây.
“Thay vì bán cành bưởi chiết và quả, năm nay tôi đã chiết và tạo ra những cây bưởi bonsai vừa cho ra hoa và quả để bán Tết. Nhờ đó tạo thêm được nguồn thu nhập kha khá vào mùa Tết” - chú Vinh chia sẻ.
Dưa hấu cảnh trồng trong chậu cũng đang là mặt hàng gây sốt trong những ngày qua. Ông Đặng Bá Cử đang bán loại cây cảnh này tại Công viên Gia Định cho biết thay vì bò dưới đất những cây dưa hấu được nhà vườn đưa vào chậu và tạo khuôn bằng những nan tre với giá bán 1,2-1,5 triệu đồng/chậu.
Tương tự ông Cử, anh Lâm từ Bến Tre mang lên TP những chậu cây bầu hồ lô độc đáo với giá khá bình dân 150.000-200.000 đồng/chậu có quả non.
Các nhà vườn còn sáng tạo ra những chậu rau quả lạ mắt như củ cải đỏ khắc chữ, cà chua kiểng, đu đủ bonsai... Đây là những chậu cảnh độc đáo được khách ưa chuộng chưng Tết. Chẳng hạn củ cải đỏ khắc chữ của nhà vườn ở Bến Tre được tạo dáng theo kiểu đứng, nằm, cao, thấp… với giá 200.000-300.000 đồng/củ tùy kích cỡ. Cây đu đủ bonsai trồng trong chậu với rất nhiều quả và to tròn, giá mỗi chậu dao động trung bình 2,5-8 triệu đồng.
Mùa Tết năm nay, các nhà vườn tại Đà Lạt tung ra thị trường cà chua tí hon (cà chua đen, sôcôla, cherry đỏ, cà chua trái tim...) trồng trong chậu để chưng Tết có màu sắc rực rỡ, trái sum suê. Mỗi chậu 200.000-600.000 đồng. Ngoài chưng tết, loại cà chua này còn có thể ăn được sau Tết.
“Chỉ mong khách thương người trồng hoa”
Chỉ tính riêng tại khu vực chợ hoa Bến Bình Đông (quận 8) đã xuất hiện hàng trăm gian hàng và những chiếc ghe chở đầy hoa trái của mùa xuân từ miền Tây đổ về.
Từ ngày 20 tháng Chạp, cô Lê Kim Hoa từ Bến Tre đã chở hàng trăm chậu cúc mâm xôi và vạn thọ lên bến Bình Đông để bán. Cô Hoa cho hay: “Năm nay cúc mâm xôi bán khá chạy, giá trung bình 320.000 đồng/cặp cúc to. Nhiều gia đình mang ô tô đến mua 4-5 cặp chở về chưng Tết. Tính tới thời điểm hiện tại, tôi đã bán gần 60-70 chậu cúc mâm xôi và vạn thọ, nhiều hơn thời điểm này của năm ngoái”.
Cô Hoa cho hay giá hoa bán ra cao hơn năm ngoái khoảng 5%-10% do nhà vườn gặp thời tiết thất thường, mưa ngập mất mùa. Nói về sức mua, cô Hoa chia sẻ: “Phải chờ 2-3 hôm nữa mới đông khách nhưng có khi những ngày cận Tết sức mua chậm lại do người dân có tâm lý chờ tới giáp giao thừa mới đi mua với mong muốn mua giá rẻ. Nói chung bán hoa ngày Tết cũng chờ thời cơ và sở thích của khách, không nói trước được điều gì. Có khi lời, có khi lỗ, phải đổ bỏ hoa tùy thuộc vào khách hàng thôi”.
Anh Thành, một thương lái hơn 10 năm qua vẫn xuôi dòng ghe từ Bến Tre lên bến Bình Đông bán hoa mai, nói người trồng hoa, bán hoa chỉ trông chờ vào dịp Tết, nhất là thời điểm trước Tết 4-5 ngày nhưng hiện nay khách dò hỏi giá, chụp ảnh vẫn nhiều hơn là mua.
“Chỉ mong người mua hoa thương người trồng hoa mà mua sớm để chúng tôi được về ăn Tết với gia đình. Hơn 10 năm bán mai thì 7-8 năm tôi đón giao thừa lênh đênh trên dòng nước và khi trở về nhà thì đã bước qua năm mới rồi” - anh Thành gửi gắm.
Tâm sự của anh Thành cũng là nỗi niềm chung của những nhà vườn và người bán hoa Tết. “Nhà vườn rất cực khổ mới có được chậu hoa đẹp bán Tết nhưng đã nhiều năm đến đêm 30 đành phải bán đổ bán tháo hoặc đập bỏ hoa. Mong Tết năm nay điệp khúc buồn này không lặp lại” - anh Lâm, một nhà vườn tại Đà Lạt, hy vọng.
Heo con ngộ nghĩnh “lên ngôi” Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc (Đồng Tháp), năm nay riêng làng hoa Sa Đéc tung ra thị trường khoảng 3 triệu giỏ hoa Tết, cung ứng chủ yếu cho TP.HCM, Đông Nam bộ và nhiều tỉnh miền Tây. Đáng chú ý, Tết năm nay nông dân tạo ra nhiều cây cảnh mang hình thù độc đáo. Tiêu biểu như quất mang hình dáng con heo - biểu tượng của năm 2019; rồng biểu trưng cho sự uy quyền, may mắn; dưa lưới hình heo con được bán ra với giá 800.000 đồng/trái...
Nông dân tại Bến Tre còn tận dụng vỏ dừa cùng cây con để tạo ra những chú heo con. Theo đó, nông dân dùng vỏ dừa đã qua sử dụng để làm thành con heo may mắn, dùng cây con để tạo thành cái đuôi. Mỗi một cây nhà vườn bán ra 100.000-150.000 đồng/chậu, cao hơn 30 lần so với một trái dừa. Bên cạnh đó, nhà vườn còn tạo ra những cây cảnh cổ thụ khủng, hình dáng độc đáo có giá trị hàng tỉ đồng. Ví dụ, một cây khế cổ có hình đầu heo đang được rao bán với giá 500 triệu đồng tại Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM). Chủ nhân của cây khế khủng này là ông Nguyễn Văn Mến, ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre. Chi 600.000 đồng cho giỏ quà biếu Tết Ghi nhận tại một số siêu thị như Emart, Co.opmart, Big C cho thấy không khí mua sắm Tết đang rất nhộn nhịp, sức mua tăng đột biến. Đại diện Saigon Co.op cho biết Tết này siêu thị chuẩn bị 20 tấn đặc sản gồm sáu mặt hàng là cam canh, bưởi Diễn, gà đồi Yên Thế, tôm khô Cà Mau nguyên vỏ, bưởi đỏ và sâm dây Ngọc Linh để phục vụ người tiêu dùng. Tương tự, tại hệ thống siêu thị Big C có các sản phẩm ngũ quả chưng Tết như trái Phật thủ, bưởi hồ lô, khóm long phụng, dưa hấu tạo hình, khắc chữ phù hợp với từng vùng miền. Trong khi đó, đại diện Siêu thị Emart cho hay Tết này sâm tươi Hàn Quốc được trình làng người tiêu dùng Việt và mặt hàng này được khách hàng mua nhiều nhất để làm quà biếu tặng. Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, văn hóa biếu Tết phổ biến hơn ở khu vực miền Bắc khi năm nay có đến 96% gia đình Hà Nội dự định mua quà biếu, trong khi con số này tại TP.HCM là 90%. Đối tượng nhận quà phổ biến nhất là ông bà, cha mẹ và con cái. Ngoài ra, người tiêu dùng Hà Nội còn có xu hướng biếu Tết cho cấp trên, trong khi ở TP.HCM là hàng xóm. Ước tính người tiêu dùng thành thị sẵn sàng chi khoảng 450.000-600.000 đồng cho một giỏ quà biếu Tết. TÚ UYÊN |