Hồi còn nhỏ ở quê, thi thoảng tụi trẻ con chúng tôi được cho tiền tiêu vặt là mua ngay vài viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ, đưa vào miệng và cố gắng dùng mọi giác quan để thưởng thức. Các bậc cha mẹ khi ấy hay la rầy: Không được ăn mấy thứ kẹo ấy, toàn là “đường hóa học” độc hại.
Nỗi lo phía sau nền văn minh loài người
Hồi đó, “ám ảnh” nhất của lũ trẻ là bị ba mẹ cấm ăn vặt vì lo “đường hóa học”. Giờ trưởng thành, làm trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học, tôi mới thấy “đường hóa học” chỉ là một mảnh ghép bé xíu trong bức tranh đồ sộ đầy phức tạp và mâu thuẫn của lĩnh vực hóa chất – ngành công nghiệp lớn bậc nhất thế giới. Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) sử dụng Đạo luật Kiểm soát Chất độc hại (TSCA) để giám sát khoảng 80.000 loại hóa chất. Con số này ở hàng trăm quốc gia khác, tôi tin, cũng sẽ không khiêm tốn hơn là bao.
Nếu bạn để ý sẽ thấy, tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta hầu hết có sự tham gia của ngành hóa chất. Từ đôi dép, quần áo, thức ăn, viên thuốc, trang sức, mỹ phẩm, chiếc xe đến tất cả vật chất, hạ tầng, phương tiện góp phần tạo ra nền văn minh loài người. Không có ngành hóa chất, chúng ta không có nền văn minh này.
Nhưng khoan mừng vội! Những gì độc hại, nhất là chất thải sau mỗi quá trình sản xuất đi vào môi trường, sẽ làm bạn hoảng hồn, thậm chí ám ảnh. Hôm rồi, báo chí nước ngoài đăng tin 1.200 tấn cá ở thành phố Hakodate, đảo Hokkaido (Nhật Bản) chết trắng bờ. Thế là Nhật Bản và truyền thông quốc tế xảy ra tranh cãi: Cá chết do nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima hay vì nguyên do nào khác.
Ở Việt Nam, chỉ cần gõ cụm từ khóa “cá chết vì xả thải”, “lúa chết vì nước thải”, hay “ô nhiễm vì xả thải” lên google thì có hàng chục ngàn kết quả trong vài giây. Hay câu chuyện “xưa như diễm” mà gần đây tôi để ý thấy báo chí nhắc lại đó là “làng ung thư”. Dù đến nay, khái niệm này vẫn còn gây tranh cãi, rằng hàng loạt người bệnh tật hiểm nghèo là vì môi trường ô nhiễm hay vì một lý do tâm linh nào đó, thì vấn đề nguồn nước, không khí, thực phẩm bị ô nhiễm luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân ở những nơi bị gắn mác “làng ung thư”.
Và niềm hi vọng về “hóa học xanh”
Tôi về Việt Nam, thấy cái kẹo “đường hóa học” mà chúng tôi từng ăn ngày xưa vẫn nằm ngoài danh sách đồ ăn vặt mà các bậc cha mẹ mua cho con cái. Mừng hơn là nhiều người dân ở các đô thị lớn như TP.HCM và cả ở vùng nông thôn đã ý thức hơn rất nhiều về sống xanh-sạch. Có người đi siêu thị mua rau xanh, sạch, có người chuyển rau củ quả từ quê nhà lên, có người còn tự trồng rau xanh thủy canh… Rồi trứng sạch, gà sạch, heo sạch, bò sạch… Rồi cách bảo quản, chế biến cũng phải xanh, sạch.
Ngành hóa chất cũng vậy, khi viên kẹo “đường hóa học” bị loại bỏ thì phải có viên kẹo khác thay thế. Khi câu chuyện môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe con người bị thiệt hại, môi sinh bị tàn phá… xuất hiện tràn khắp các diễn đàn báo chí, truyền thông và trên cả bàn nghị sự của những quan chức cao cấp nhất trên thế giới, thì ngành hóa chất cũng phải được chuyển dịch sang hướng mới - “hóa học xanh”.
Ông bà mình hay nhắc nhở rằng “đừng để đời cha ăn mặn rồi đến đời con khát nước”. Câu nói này là một cách diễn đạt tuyệt vời cho khái niệm “bền vững” trong sinh thái học. Chúng ta muốn xây dựng nên nền văn minh lộng lẫy để phục vụ cuộc sống hôm nay, thì cũng phải nghĩ đến đời con cháu sau này. Đặt trong bối cảnh ấy, “hóa học xanh” là một hướng đi không thể đảo ngược.
“Hóa học xanh” có 12 nguyên tắc kinh điển, nhưng hiểu nôm na nhất: Ta hướng đến việc giảm thiểu chất thải độc hại ra môi trường; tạo không gian sống xanh, sạch, làm việc an toàn cho con người… Thay vì làm kẹo “đường hóa học” thì dùng các nguyên liệu từ trái cây tự nhiên; không dùng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi; sử dụng công nghệ cao xử lý nước thải; thay dần năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo; dùng túi ni lông tự hủy… Những thứ "xanh" này sẽ tạo “vùng đệm” an toàn cho con người.
EPA đã chỉ ra ba nhóm lợi ích lớn của “hóa học xanh”, hai trong số đó có lợi ích môi trường và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Nhưng điều tôi đặc biệt nhấn mạnh là “hóa học xanh” sẽ mang những lợi ích lớn lao nhất đến sức khỏe loài người. Khỏi cần bàn cãi thêm, bởi “sức khỏe là vàng”, đúng không!
TS Võ Đức Duy là Nghiên cứu viên tại Đại học Uppsala, Thụy Điển. Tác giả có nhiều công bố khoa học quan trọng như thiết kế chất tiềm năng trị bệnh Parkinson, trị covid, trị ung thư, trị bệnh hen suyễn và phổi tắt nghẽn mãn tính; chất ức chế sửa chữa DNA ứng dụng trị các bệnh lý, chất tiềm năng chữa thần kinh phân liệt…