Hoàng Thùy Linh tiếp tục đưa văn hóa Việt vào MV Tứ Phủ

Hoàng Thùy Linh chia sẻ trong buổi họp báo rằng những câu hát đầu tiên của Tứ Phủđược cất lên trong phòng thu đã từng khiến chính bản thân cô nổi da gà. Bởi Tứ Phủ là sản phẩm đầu tiên mở màn cho dự án mà cô mong ước. Ở đó cô được làm nhạc thật sự với hình ảnh, âm nhạc chỉn chu; đem được văn hóa bản địa đặc trưng của Việt Nam đến với các bạn trẻ. "Tứ Phủ là sản phẩm đầu tiên trong dự án đem văn hóa Việt đến với các bạn trẻ, cũng mở đầu cho album của tôi, Để Mị nói cho mà nghe là sản phẩm thứ hai trong dự án; thế nhưng như cuộc sống nhiều cái mình không tính toán được. Có những thứ không duyên nhiều hơn có duyên mà cuối cùng lại mang được nhiều ý nghĩa. Cho đến giờ tôi vẫn chưa hết bất ngờ bởi thành công của Để Mị nói cho mà nghe" - ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh chia sẻ.

Tứ Phủ là MV Hoàng Thùy Linh chuẩn bị đã lâu nhưng vừa mới hoàn thành chưa đầy 24 giờ đồng hồ.

"Ba năm trước, khi Bánh trôi nước thành công và tạo được sự lan tỏa rất dài, tôi giật mình nhận ra đâu mới là nơi mình thực sự thuộc về. Bánh trôi nước như một cánh cửa để tôi bước chân vào thế giới nghệ thuật mà bản thân mình khao khát nhất, nơi mà Hoàng Thùy Linh sẽ dốc hết mọi sáng tạo và khát khao của mình để xứng với hai chữ nghệ sĩ. Nhiều người trách tôi, tiếc cho tôi vì đã bỏ lỡ gần ba năm dài đáng lý ra cái tên Hoàng Thuỳ Linh có thể bật xa hơn, cao hơn những thành tựu hiện tại. Tôi hiểu và trân trọng những sự quan tâm ấy. Nhưng tôi không ngồi không hay thảnh thơi chơi đùa, càng không loay hoay trong ba năm ấy. Tôi im lặng và cố gắng hoàn thành những gì mà từ lúc mới vừa chớm nở trong đầu đã nhận lấy không ít nghi ngại. Để rồi hôm nay, khi Tứ Phủ có thể chính thức được ra mắt khán giả, tôi mới dám chia sẻ hay thở than" - Hoàng Thùy Linh đầy xúc động.

Có thể xem Tứ Phủ là một bước đi dài hơn, khó hơn, là một sự thăng hoa của những gì mà Bánh trôi nước đã mang lại. Đây là bài hát có thời gian thai nghén lâu nhất của Hoàng Thùy Linh, đến tận một năm trời từ khi những ý nghĩ đầu tiên được manh nha.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã mất đến tận ba tháng để hoàn thành phần giai điệu, nhà thơ Ngân Vi mất bố tháng để viết lời, Triple D và Long Halo tốn thêm năm tháng nữa để phối khí, cộng lại ngót nghét đã một năm. "Rất nhiều lần tôi cũng sốt ruột, cũng có khi nản lòng, chẳng lẽ những gì mình muốn làm lại khó khăn đến vậy. Nhưng rồi thì bạn biết đấy, ai cũng phải lao động và có một mục tiêu cho mình. Mục tiêu lớn ngắn hạn với tôi trong ba năm qua chính là Tứ Phủ, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành rồi dù nó có lâu hơn mình dự tính rất nhiều. Không chỉ vậy, nó còn là điểm bật để đưa tôi quyết liệt hơn với những dự định khác" - Hoàng Thùy Linh cho biết.

Hoàng Thùy Linh cũng nói thêm, ý tưởng về Tứ Phủ ra đời bởi theo cô một Bánh trôi nước chưa đủ để thể hiện hết nét đẹp của phụ nữ Việt Nam. "Chúng ta ngưỡng mộ Hai Bà Trưng, Bà Triệu... vì những cống hiến và hy sinh được ghi tạc của họ dành cho dân tộc, cho đất nước. Nhưng trong văn hóa dân gian, trong những chuyện kể của Việt Nam hay cả trong những huyền tích của tín ngưỡng, đạo giáo, vẫn còn rất nhiều những người phụ nữ ít được nhớ mặt, biết tên. Trong lúc tìm tòi, tôi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ một huyền tích của đạo Mẫu về một vị thánh Cô đã giúp vua Lê kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngày ngày đợi chờ đợi người quân tử nhưng duyên phận éo le, đến khi thác hóa vẫn một lòng trung trinh, son sắt. Dù là một câu chuyện có đoạn kết dang dở, đau buồn với người phụ nữ nhưng người đời cũng kháo nhau rằng vị thánh cô kia vốn là người nhà trời, giáng thế để giúp vua giữ nước, khi tròn trách nhiệm thì cũng là lúc cô rời khỏi thế gian để về với cửu trùng thiên", Hoàng Thùy Linh kể về câu chuyện của Tứ Phủ.

Nếu Để Mị nói cho mà nghe là tiếng hát tươi vui, tự do của thân phận một người phụ nữ muốn xóa bỏ xích xiềng thì hình tượng siêu thực trong Tứ Phủ kéo người xem về với những căn tính đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam, trung trinh với chồng, tiết liệt với non sông.

Đâu phải ngẫu nhiên mà sau bao nhiêu sóng gió thăng trầm của lịch sử, thờ mẫu vẫn trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc. Đó không chỉ là niềm tin, mà còn là một bản sắc văn hóa dân tộc nội sinh, một di sản văn hóa phi vật thể đã được thế giới công nhận. "Tôi muốn mang nét đẹp văn hóa vừa có tính lịch sử, vừa cộng hưởng tinh hoa thời đại ấy vào ca khúc của mình, như một lời khẳng định rằng người Việt có rất nhiều điều để tự hào. Nếu xem Bánh trôi nước là tấm bản đồ thì với Tứ Phủ, tôi như tìm thấy chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa bước vào ngôi đền chứa đầy huyền tích văn hóa dân gian. Tứ Phủ như đúng tên gọi của bài hát, đại diện cho bốn phủ thiên (trời), địa (đất), thoải (nước), nhạc (rừng), là một thế giới bao la và kỳ vĩ của văn hóa dân gian nội sinh Việt Nam mà giới trẻ cần được biết đến. Tôi không tự cho mình có sứ mệnh gì cao đẹp, đơn giản là Hoàng Thùy Linh đang nắm bắt cơ hội để mang những thứ rất Việt Nam ấy đến cho người trẻ" - Hoàng Thùy Linh khẳng định.

Cô cũng cho biết sau Tứ Phủ sẽ còn nhiều những mục tiêu mà cô phải hoàn thành trong năm nay, một album phòng thu thứ ba thực sự phản ánh cái ngông cuồng và lạ kỳ nhất bên trong Hoàng Thùy Linh chờ đến ngày bộc phá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm