QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN - BÀI 2

Hoạt động 3T tại Việt Nam, còn xem nhẹ

Lạc hậu và thiếu đồng bộ

Ở Việt Nam, việc giảm thiểu chất thải trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng hầu như chưa được chú trọng. Điển hình là chưa có những chính sách khuyến khích và chế tài bắt buộc người dân giảm thiểu chất thải rắn một cách cụ thể... Hoạt động tái sử dụng và tái chế chất thải thì phổ biến hơn, được thực hiện bởi hệ thống những người thu mua cá nhân và những người nhặt rác. Phần lớn các hộ gia đình Việt Nam đều đã có thói quen phân loại riêng các loại chất thải có thể tái chế như nhựa, giấy, kim loại để bán. Hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn thì vẫn còn khá mới mẻ, chưa phổ biến và chỉ dừng lại ở các dự án thí điểm ở các thành phố lớn.

Một số làng nghề tái chế về giấy, nhựa, kim loại… đã góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tình trạng công nghệ tái chế lạc hậu, không có các thiết bị xử lý chất thải lại gây ô nhiễm nặng nề.

Tại TP.HCM, hiện có gần 1.000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động, tập trung nhiều ở các khu vực như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 11 và quận 9… Các cơ sở này phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, gồm các lĩnh vực tái chế rất đa dạng như tái chế nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại, cao su, vải… Mỗi ngày tái chế được khoảng 2.000-3.000 tấn chất thải. Còn lại chất thải hữu cơ được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp tại các bãi rác và sản xuất phân compost.

Thu mua ve chai là một hình thức thu gom và phân loại rác phổ biến tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Quy trình thu gom được thực hiện từ những người nhặt rác, người mua ve chai, tập trung về vựa ve chai quy mô nhỏ. Các vựa này bán cho các vựa quy mô trung bình và lớn hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở tái chế. Tại các cơ sở tái chế, phế liệu được phân loại lần cuối, làm sạch và được tái chế thành nguồn nguyên liệu mới hoặc các sản phẩm. Nhìn chung công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị cũ kỹ do đa số được chế tạo trong nước (bằng phương pháp thủ công) nên hoạt động không hiệu quả, thường xuyên hư hỏng. Do đó, mức độ tiêu hao phế liệu rất lớn (10%-20%) và tiêu thụ điện năng nhiều.

Đối với tái chế giấy, đa phần các thiết bị tái chế đều cũ, thô sơ, không đồng bộ… nên hiệu quả, khả năng cạnh tranh thấp. Công nghệ tái chế kim loại thì đơn giản, chỉ nấu chảy kim loại và đổ thành cục, sau đó bán cho các cơ sở sản xuất khác. Các cơ sở tái chế thủy tinh cũng sử dụng công nghệ cũ nhưng có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao bởi chất lượng sản phẩm loại này được quyết định bởi tay nghề của nhân viên kỹ thuật.

Mục tiêu 2025

Một yếu tố thuận lợi cho hoạt động 3R ở Việt Nam là Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (12-2009). Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025: 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng đô thị và 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; lượng túi nylon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại sẽ giảm 85% so với năm 2010. Phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.

Theo đó, tất cả các tỉnh, thành phố sẽ lập và thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn, xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tới tận phường, xã. Các ban ngành liên quan phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; khuyến khích hoạt động phân loại rác tại nguồn; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; hạn chế sử dụng túi nylon... Quỹ tái chế chất thải rắn cũng sẽ được thành lập. Đồng thời phải huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn, tìm kiếm hỗ trợ từ các nguồn vốn ODA. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 sẽ có 10 chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn được hoàn thành.

Ngoài ra, mới đây Bộ TN&MT có xây dựng dự thảo quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm như thiết bị điện, điện tử, pin và ắc-quy… phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý các sản phẩm này khi hết hạn sử dụng. Điều này phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho viêc thực hiện các nội dung của hoạt động 3T ở Việt Nam.

NHƯ THỦY

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới