Trong khi đó hoạt động giảm thiểu rác thải, tái sử dụng, tái chế rác vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với yêu cầu. Bởi vậy thành phố đang tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, nâng cấp cho việc thực hiện giải pháp 3R (Reduce - Reuse - Recycle, nghĩa tiếng Việt 3T: Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) sao cho lợi ích và hiệu quả.
Hoạt động 3R tại TP.HCM
Năm 2006, thành phố thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại quận 6 và nay triển khai tiếp tại các quận 1, 4, 5, 6, 10 và Củ Chi. Chương trình này thành công sẽ giúp thành phố tiết kiệm hằng năm hàng chục tỉ đồng chi phí xử lý, vì rác được phân loại sẽ được tái chế và sản xuất phân compost. Ngoài ra, sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm, tái tạo nguồn tài nguyên, giảm tỉ lệ diện tích bãi chôn lấp.
Đặc biệt, ngày hội Tái chế chất thải được tổ chức liên tục trong ba năm qua đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về khái niệm 3R (hay 3T). Với các hoạt động mới và lôi cuốn, ngày hội Tái chế chất thải đã tạo dấu ấn nhất định trong phong trào cộng đồng bảo vệ môi trường của thành phố.
Người dân được khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần thay cho túi nylon để bảo vệ môi trường.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, chương trình giảm sử dụng túi nylon cũng đã được thành phố triển khai thực hiện. Việc sử dụng túi quá mức và thải bỏ chúng bất cẩn đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc cho cảnh quan và môi trường. Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi nylon sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, hướng đến một xã hội tiêu thụ bền vững. Nghiên cứu này đã thu thập và phân tích tác hại của túi nylon đến môi trường, kết hợp với điều tra khảo sát, thu thập các số liệu liên quan về việc giảm thiểu sử dụng túi nylon tại TP.HCM. Nhiều giải pháp được triển khai từ công cụ kinh tế đến cưỡng chế, truyền thông báo, đài nhằm tuyên truyền việc cấm phát không túi, thuế môi trường sử dụng túi nylon, triển khai hệ thống thu gom túi thải. Thêm vào đó, giải pháp thay thế túi nylon bởi các túi thân thiện môi trường cũng được nghiên cứu.
Một yêu cầu đặt ra lúc này là xúc tiến thành lập hiệp hội tái chế chất thải nhằm liên kết các hoạt động trong lĩnh vực tái chế, đóng vai trò làm cầu nối, vừa hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và giám sát thực hiện các quy định về tái chế; vừa hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp tái chế. Hiệp hội tái chế sẽ tham gia nghiên cứu, phân tích xu hướng và công nghệ tái chế từ các nước tiên tiến, các thông tin hữu ích, các thống kê liên quan đến tình hình địa phương, thực tế tái chế... để giúp các công ty thành viên nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng về kỹ thuật và năng suất. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ quản lý và giám sát việc thi hành các luật, quy định liên quan đến tái chế thông qua hiệp hội tái chế.
Nhiều chính sách khuyến khích
Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM được UBND TP thành lập năm 2006 là cơ sở cho hoạt động 3R phát triển. Quỹ là một tổ chức tài chính, phi lợi nhuận hướng đến khuyến khích và phát triển các hoạt động giảm phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng và tái chế nhằm giảm lượng chất thải vào môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Quỹ có các chức năng chính như hỗ trợ và cho vay ưu đãi thực hiện các dự án 3R, nâng cao nhận thức cộng đồng về 3R, phối hợp nghiên cứu đề xuất chính sách 3R, điều phối và phát triển dự án DMC.
Bên cạnh đó, TP.HCM có một số chính sách hỗ trợ dự kiến cho hoạt động 3R như mặt bằng, tài chính, công nghệ tái chế và thông tin liên quan, nguồn nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Về mặt bằng, thành phố tư vấn tìm kiếm mặt bằng phù hợp với nội dung hoạt động của dự án và quy hoạch của thành phố, ưu tiên bố trí mặt bằng cho các dự án tái chế trong quy hoạch các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn… Về tài chính, sẽ có hỗ trợ về vốn như lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định đối với các dự án đầu tư về công nghệ tái chế, đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm tái chế. Việc ban hành các quy định, chính sách miễn, giảm thuế đối với các dự án có hoạt động tái chế chất thải cũng sẽ được lưu ý. Các cơ sở tái chế sẽ được tạo điều kiện tiếp cận với các công nghệ tái chế tiên tiến, được hỗ trợ thông tin và tư vấn kỹ thuật như các giải pháp sản xuất sạch hơn cho ngành tái chế, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động tái chế. Đối với nguồn nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sẽ có sự phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất ban hành những quy định, chính sách nâng cao hiệu suất thu gom, thu mua phế liệu, hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm đầu ra.
Về định hướng phát triển ngành tái chế, trước hết thành phố hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu, đầu tư xây dựng công nghệ thu gom, phân loại rác thải. Các cơ sở tái chế quy mô vừa và nhỏ được duy trì hoạt động như những vệ tinh thu mua, phân loại phế thải cho các cơ sở tái chế công nghiệp. Ngoài ra sẽ quy hoạch các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn, nâng cao chất lượng nguyên liệu tái chế, chuyển giao công nghệ, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm tái chế.
NHƯ THỦY