Học kỹ năng sống phải có kỹ năng... chọn "cua"

Thực tế nhu cầu xã hội rất cần thế nhưng Bộ GD&ĐT chưa có chương trình, các DN bung ra mạnh ai nấy làm. Học phí có khóa lên đến 40 triệu đồng nhưng chất lượng ra sao chẳng ai quản lý.

Khái niệm giáo dục “kỹ năng sống” (KNS) ngày càng trở nên thời thượng và cũng là nhu cầu bức xúc của phụ huynh học sinh (HS). Cha mẹ bận rộn, thiếu chuyên môn, nhà trường thiếu nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất… Nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) đua nhau mở các chương trình KNS cho trẻ em.

Quảng cáo KNS bao vây nhà trường

Những chương trình KNS hiện đang được quảng bá rộng khắp cho HS và tiếp cận với cả nhà trường. Chương trình nào cũng có tên gọi rất hấp dẫn với những cái tên rất kêu: Đào tạo lãnh đạo trẻ, Rèn luyện kỹ năng mềm, bản lĩnh, tự tin, lạc quan; Học giao tiếp, quản lý thời gian, học nhóm…Giá cả các chương trình này cũng rất đa dạng, thấp nhất là 200.000 đồng, trung bình 8-9 triệu đồng và có chương trình lên đến 28 triệu đồng, 40 triệu đồng (xem biểu). Đặc biệt, giáo dục KNS là lĩnh vực khá mới mẻ, ngay ngành giáo dục cũng lúng túng về nội dung, phương pháp, tiêu chí giảng dạy cho từng lứa tuổi. Cô Lê Thị Hạnh Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, đặt vấn đề: “Bộ GD&ĐT chưa có một chương trình chính thống. Điều này khiến một số đơn vị, DN tung ra đủ loại giáo trình dạy KNS đưa vào các trường học. Các bộ giáo trình này chưa được kiểm định khiến thị trường sách dạy KNS trở nên hỗn loạn”.

Với các chương trình KNS đang được quảng bá rầm rộ hiện nay, chỉ có rất ít do các tổ chức có chuyên môn, đã có thực tế trải nghiệm, hầu hết còn lại đều do các DN ngoài ngành giáo dục tổ chức.

Học kỹ năng sống phải có kỹ năng... chọn "cua" ảnh 1

Giáo dục KNS sẽ hiệu quả nếu biết lồng ghép trong các môn học và hoạt động của nhà trường. Trong ảnh: Giờ chào cờ được lồng ghép giáo dục an toàn giao thông cho HS tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5.

Chi tiền triệu để học tắm rửa

Với các chương trình giáo dục KNS, ngoài thông tin do DN tự quảng bá, phụ huynh rất đói thông tin về nội dung, chất lượng, năng lực hiệu quả của từng chương trình. Mỗi người nhìn theo một góc độ khác nhau. Anh Tiến Cường là giảng viên, vợ làm ngân hàng nước ngoài, con trai anh đi học được đưa đón từ nhà tới trường. Cháu ngoan nhưng không biết làm gì ngoài việc học, ngay cả việc lấy cơm ăn cũng phải nhờ người giúp việc. Anh hài lòng chi ra hàng chục triệu đồng cho con dự Học kỳ quân đội và thấy con biết viết thư, biết gấp chăn màn... Ngược lại, chị Tuyết Hoa, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú (TP.HCM), là dân lao động, ngay từ lúc các cháu 4-5 tuổi vợ chồng chị hướng dẫn cho con tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân, tự chọn quần áo mặc. Tất cả sinh hoạt thường nhật chị hướng dẫn các cháu tự làm. Với chị, những kỹ năng đơn giản như vậy không cần mất tiền triệu để học. Chị Thanh Nhã có con học tại Trường Tiểu học Trần Khánh Dư (quận 1) băn khoăn lựa chọn cho con học về KNS tại Nhà văn hóa Thanh niên hay học với một công ty nào đó dạy trong trường. Nghe tên công ty tổ chức là lạ nên cũng hơi lo vì sợ tốn tiền mà con không học được gì cả.

Không chỉ phụ huynh mà ngay nhà trường cũng lúng túng. Bà Phạm Thị Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Gò Vấp), cho biết trường hay nhận được những tờ bướm quảng cáo giáo dục KNS nhưng trường chưa dám tổ chức vì thấy không cần thiết và chưa biết hiệu quả ra sao. Bà Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền, dù đã chọn nhưng vẫn thấy băn khoăn: “Trường đã nhận hợp tác cùng một công ty để tổ chức vào dịp hè tới. Tôi không nắm rõ nội dung cụ thể thế nào nhưng thấy cần thiết cho HS và nhiều trường cũng nhận hợp tác nên đồng ý”.

Đánh lừa nhà trường và phụ huynh

Ông Nguyễn Thành Nhân, giảng viên Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương (ATY) - nguyên là người khởi đầu các chương trình giáo dục KNS ở Trung tâm Giáo dục Thanh thiếu niên Miền Nam trước đây, đã cảnh báo: “Nhiều đơn vị đua nhau tổ chức giáo dục KNS như một hiện tượng “tát nước theo mưa”, ăn theo những chương trình đã có tên tuổi như học kỳ quân đội, học tư duy, trui rèn, tư vấn… Tuy nhiên, những hoạt động đó chỉ mang tính trải nghiệm bột phát chứ không phải quá trình đào tạo để phát triển con người hay hoàn thiện KNS. KNS cần phải được dạy và học một cách bài bản, có quá trình đàng hoàng. Phụ huynh và nhà trường tham gia theo kiểu phong trào mà không hiểu rõ con mình cần gì, chương trình đó nội dung như thế nào sẽ không chỉ tốn kém mà còn không đem lại hiệu quả”.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng lên tiếng cảnh báo: “Nhiều công ty mở rất nhiều chương trình KNS nhưng chất lượng rất khó đánh giá, phần lớn chỉ là PR, quảng bá hình ảnh, lồng ghép một vài hoạt động mang tính thực hành cho HS để “đánh lừa” nhà trường và phụ huynh. Thậm chí nhiều đơn vị lên Sở để xin tổ chức hoặc tặng sách dạy kỹ năng nhưng Sở không cho phép. Sở không khuyến khích các trường hợp tác với các đơn vị bên ngoài để giáo dục KNS”.

Một số chương trình giáo dục kỹ năng sống

Học kỹ năng sống phải có kỹ năng... chọn "cua" ảnh 2

Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM:

Bắt đầu từ chính môi trường sống

Giáo dục KNS phải khởi đầu và gắn kết với chính môi trường sống của trẻ, phải bắt đầu từ chính đặc điểm tâm lý xã hội chủ quan của các em, bắt đầu từ môi trường các em đang sống, sinh hoạt và học tập và bắt đầu từ chính cuộc sống của các em. Tạo điều kiện thuận lợi để HS phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, về việc học và việc chơi, về quan hệ giữa các cá nhân và xã hội, giữa gia đình và chủ thể, giữa nhóm bạn và thầy cô… để các em có nhiều lựa chọn và nhiều trách nhiệm với chính cá nhân mình. Có như vậy KNS mới hình thành một cách sâu sắc và trở thành những thói quen thích ứng với môi trường.

Ông TRẦN KHẮC HUY, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD&ĐT TP.HCM:

Dịp hè là để HS nghỉ ngơi

Nhà trường và phụ huynh đang nhầm tưởng KNS là cái gì đó xa vời, chỉ bỏ tiền học vài ba buổi là có. Thực ra KNS hình thành qua quá trình rèn luyện ngay trong gia đình và nhà trường, trong mọi hoạt động của cuộc sống. Nhất là dịp hè tới, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền triệu để gửi gắm con em vào các đơn vị học này học kia là rất không nên. Dịp hè là để HS nghỉ ngơi, phụ huynh nên “trả” các em về cuộc sống thường ngày để các em được vui chơi, tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tại trường hoặc địa phương.

Ông TRẦN TRỌNG KHIÊM, Phó phòng Giáo dục quận Tân Phú, TP.HCM:

Trường nào tự ý hợp tác, sẽ kiểm điểm ngay

Nhiều công ty tìm đến hợp tác với các trường học để tổ chức các hoạt động giáo dục KNS nhưng mang mục đích kinh doanh là chính, những kiến thức KNS chỉ lồng ghép trong một vài hoạt động nhỏ ở đó như làm nhóm, học cách ứng xử, tư duy... Vì vậy, quận phải quản lý chặt, công ty nào muốn đến các trường phải được sự đồng ý của Sở, Phòng Giáo dục hoặc nếu trường muốn tổ chức phải làm bản báo cáo đầy đủ để Phòng Giáo dục duyệt. Trường nào tự ý hợp tác, Phòng phát hiện sẽ kiểm điểm ngay.

ThS NGUYỄN THANH MAI, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Việt Mỹ:

Đi chơi cũng là học

Không cần đến điều kiện cao xa, nhà trường, gia đình vẫn có thể giáo dục KNS cho HS, con em. Ví dụ trong các buổi học ngoại khóa từ những chuyến du lịch, ngoài việc vui chơi, tham quan, các em cũng được tự học, trang bị cho mình những kỹ năng tự phục vụ bản thân, tự biết chọn cho mình những trang phục phù hợp, biết tự sắp xếp và quản lý thời gian khi tham gia những sinh hoạt tập thể. Đặc biệt là các em thể hiện sự biết quan tâm, chia sẻ…

Những điều đơn giản này nếu chúng ta không quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động cho các em ở lứa tuổi nhỏ, lớn lên sự nhút nhát sẽ tỉ lệ thuận với lứa tuổi của các em, các em sẽ chai lì cảm xúc. Ngoài ra, những chuyến du lịch xa còn trang bị cho các em những kiến thức về lịch sử, địa lý, sinh học…

PHẠM ANH - QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm