Học sinh “chấm điểm” nhà vệ sinh và bữa ăn bán trú: Một khảo sát thiết thực

(PLO)- Các trường tiểu học, THCS thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức, cùng hơn 100 trường THPT tại TP.HCM phải thực hiện khảo sát này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các trường tiểu học, THCS thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức, cùng hơn 100 trường THPT phải thực hiện khảo sát sự hài lòng của học sinh (HS) từ bậc tiểu học đến THCS về nhà vệ sinh và bữa ăn bán trú. Mỗi trường chọn 200 HS thuộc các khối lớp để khảo sát.

Báo cáo về sở trước ngày 5-5

Với bữa ăn bán trú, khảo sát các mức độ gồm rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không bình thường, rất không bình thường. Tiếp đến HS có thể đưa ra lý do vì sao em không hài lòng với bữa ăn bán trú.

Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ngoài ra, các trường điều tra thông tin về nhà vệ sinh trường học xoay quanh việc đo lường mức độ hài lòng của HS đối với các yêu cầu an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản của nhà vệ sinh trường học. Nếu HS có mức độ hài lòng chưa cao, các em có thể đóng góp ý kiến về tình trạng mùi, các yêu cầu về cung cấp nước sạch, xà phòng rửa tay cho HS.

Được biết việc kiểm tra nhằm đánh giá thực trạng công tác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học. Thông qua hoạt động kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và ý thức của cán bộ quản lý trường học trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sở GD&ĐT yêu cầu từ nay đến 5-5, các trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học báo cáo các nội dung nói trên về Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Sau đó, Phòng GD&ĐT quận, huyện tổng hợp báo cáo và gửi về Sở GD&ĐT TP.HCM trước ngày 10-5.

Khảo sát bằng giấy để có số liệu chính xác

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cuộc khảo sát này, ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, cho biết sau khi có chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM, Phòng GD&ĐT quận 6 cũng đã có văn bản triển khai thực hiện. Qua kỳ nghỉ lễ nhà trường sẽ tổ chức khảo sát đại trà cho các em.

Tuy nhiên, theo ông Cường, trong năm học này, một tháng hai lần nhà trường cũng đã chọn ngẫu nhiên 10 HS để thực hiện khảo sát về nhà vệ sinh và bữa ăn bán trú. Bởi công tác này luôn được nhà trường chú trọng. Qua khảo sát của các em đã đánh giá được khách quan tình hình nhà vệ sinh cũng như chất lượng bữa ăn, từ đó trường có điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng theo ông Cường, đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai việc khảo sát bằng giấy cho các em. Những năm trước, hiệu trưởng tổ chức đối thoại với HS để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tìm cách khắc phục. “Năm nay việc khảo sát bằng giấy lấy được số liệu chính xác hơn” - ông Cường nói.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS tại quận nội thành cũng đồng tình với việc Sở GD&ĐT thực hiện khảo sát. Từ đó, trường có thể nắm được nguyện vọng cũng như mong muốn của các em để có sự thay đổi. Việc thực hiện khảo sát cũng sẽ được trường tổ chức sau kỳ nghỉ lễ.

“Hiện nay, tiền ăn mỗi ngày của HS là 30.000 đồng, phải chi rất nhiều khoản do đó nhà trường chỉ có thể đảm bảo các em ăn no, đầy đủ chất dinh dưỡng và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Còn việc bữa ăn ngon, trường sẽ cố gắng thực hiện. Nếu trường thu tăng tiền ăn sẽ nâng cao chất lượng bữa ăn, tuy nhiên điều này đồng nghĩa việc sẽ ít HS tham gia nên vẫn phải duy trì mức thu trên trong nhiều năm qua” - vị này nói.

Liên quan đến nhà vệ sinh, trường có hơn 1.500 HS nhưng chỉ có ba nhân viên phục vụ được chi trả lương theo ngân sách. Trong khi đó, mỗi ngày họ phải quét dọn gần 20 nhà vệ sinh nhỏ, thêm sân trường, hành lang nên thực tế có những lúc cũng khó đáp ứng, đặc biệt là lúc cao điểm. Vấn đề này trường cũng đã nhận ra và đang từng bước tìm cách khắc phục.

Gần 18 tỉ đồng xây dựng 50 “nhà vệ sinh cho em”

Ngày 26-4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn KN Holdings đã ký kết triển khai chương trình “Nhà vệ sinh cho em” năm 2023.

Theo chương trình, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn KN Holdings sẽ triển khai xây dựng 50 nhà vệ sinh trong trường học tại tám tỉnh gồm Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai và Kiên Giang với tổng giá trị gần 18 tỉ đồng.

Đặc biệt, các nhà vệ sinh được xây dựng năm 2023 sẽ áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết đề nghị tám tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên các tỉnh, TP được tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ hôm nay khẩn trương bắt tay triển khai thực hiện có hiệu quả các công trình trong cao điểm chiến dịch Mùa hè xanh năm 2023, hướng đến năm học mới 2023-2024. TN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm