Theo TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết những thay đổi trong Luật BHYT được bàn thảo rất kỹ, thảo luận dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Quốc hội cũng đã thông qua luật và bây giờ là việc triển khai thực hiện.
. Phóng viên:Thưa ông, tại sao khi xây dựng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lại quyết định nâng mức đóng BHYT của HS-SV từ 3% lên 4,5%. Bộ Y tế có lường trước những khó khăn của nhiều gia đình có thu nhập thấp?
+ TS Lê Văn Khảm: Tất cả nội dung được quy định trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đều đã được bàn thảo rất kỹ. Từ việc nó tác động như thế nào đến quỹ BHYT, tác động thế nào đến đời sống xã hội cũng như khả năng kinh tế của các gia đình. Có nghĩa là Bộ Y tế và ban soạn thảo đã soi chiếu dưới nhiều góc cạnh khác nhau mới đưa ra quyết định mức đóng của HS-SV tăng từ 3% lên 4,5%. Thứ nhất, nó thể hiện sự thống nhất trong mức đóng BHYT là mọi người đều đóng mức đóng như nhau. Thứ hai, theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng rất nhiều, thành ra mức đóng của người tham gia bảo hiểm cũng phải mở rộng theo. Thứ ba, đối với HS-SV, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hơn những người khác ở chỗ là được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.
Năm nay, ngoài các khoản tiền học phí, sách tập, đồng phục…, các sinh viên còn phải đóng BHYT với mức cao gần gấp đôi năm ngoái. Ảnh: P.ĐIỀN
Còn đối với HS-SV hộ gia đình nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Hộ cận nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ đóng 70%, chỉ phải đóng thêm 30% thì mức tăng không nhiều. Còn những gia đình khác có điều kiện kinh tế khá giả hơn phải tham gia BHYT theo hình thức HS-SV với mức tăng như đã nói ở trên.
. Nhưng đầu năm học mới có rất nhiều khoản thu khiến nhiều gia đình không có đủ điều kiện để đóng một lúc. Tại sao phải thu lúc này và thời gian thu tăng lên 15 tháng?
+ Theo quy định của các văn bản liên quan đến Luật BHYT thì việc thu BHYT thực hiện theo năm tài chính, nghĩa là thu từ ngày 1-1 đến 31-12 của năm đó. Mọi năm thu theo năm học, đến hết tháng 9 là xong. Còn năm nay là năm chuyển giao nên phải thu thêm ba tháng cuối của năm 2015 và nguyên năm 2016.
. Có thể chia nhỏ số tiền thu làm nhiều lần để chia sẻ gánh nặng của nhiều gia đình không, thưa ông?
+ Thu theo năm tài chính có ba cách thực hiện. Đó là có thể đóng từ nay đến hết năm 2015 (ba tháng - PV), sau đó lại đóng tiếp cho năm sau. Phương án 2 là có thể năm nay đóng ba tháng, năm sau chia làm hai đợt, mỗi đợt đóng sáu tháng. Tức là phân kỳ ra mà hoàn toàn theo đúng luật, tạo điều kiện cho các gia đình để tham gia BHYT. Thứ ba là nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng. Tất cả điều này đã có hướng dẫn trong các văn bản của BHXH gửi các địa phương.
Văn bản luật cũng ghi rõ thời hạn thẻ bằng thời gian đóng tiền, nghĩa là đóng ba tháng thì thẻ có giá trị ba tháng, đóng sáu tháng thì có giá trị sáu tháng. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, địa phương họ có thể có cách thu khác nhau.
. Trên thực tế vẫn có nhiều trường thu luôn 15 tháng, có phải do trường bị ép phải thu đủ ngay từ đầu năm?
+ Mỗi địa phương có quy chế phối hợp liên ngành BHXH với giáo dục. Họ bàn bạc và thống nhất rồi thông tin cho các nhà trường. Có nơi muốn thuận tiện cho mình thì họ thu luôn một lần. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì cách thu thế nào cũng phải hướng tới sự thuận tiện cho gia đình HS và thông báo rõ ràng cho gia đình HS biết để nhận được sự đồng thuận.
. Xin cám ơn ông.
Nên mua theo năm học Phản ứng của phụ huynh HS-SV là phù hợp bởi với việc thu gom 15 tháng đưa lợi thế về phía cơ quan BHYT nhưng lại đẩy khó khăn về phía HS-SV, do nhiều gia đình đông con đi học hoặc cùng lúc đóng nhiều khoản đầu năm sẽ không đủ sức. Thứ hai, phía cơ quan BHYT viện dẫn thu theo năm tài chính nhưng hiện có nhiều trường ĐH, CĐ và trung cấp chưa tuyển đủ thí sinh. Như vậy việc áp mua BHYT 15 tháng là không phù hợp. Từ thực tế này phía nhà trường có ý kiến nên mua theo năm học, tính từ thời gian thí sinh bước vào năm học mới, vừa thuận tiện cho nhà trường vừa cho HS-SV. Tóm lại, khi thực hiện chính sách BHYT cần phải tính toán đến khó khăn của người tham gia để tạo sự đồng tình của phụ huynh, HS-SV và sự đồng tình xã hội. Ông ĐẶNG VĂN SÁNG, Hiệu trưởng Cao hơn đóng theo hộ gia đình Tiền BHYT năm nay không chỉ cao mà còn bất cập ở chỗ mức đóng BHYT của HS-SV ở trường cao hơn so với các em đóng tại gia đình. Theo quy định, HS-SV nào là người thứ ba trong gia đình thì cũng chỉ đóng 70% mức đóng BHYT, tức khoảng 434.700 đồng/năm (12 tháng), Nhà nước hỗ trợ 30%. Nếu HS là người thứ tư trong hộ thì mức đóng chỉ còn 60%, người thứ năm thì mức phí chỉ còn 50%.... Và hầu như HS nào cũng là người từ thứ ba trở lên trong gia đình. Vì thế nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh cho con đóng BHYT theo gia đình để bớt gánh nặng về tiền bạc. Một hiệu trưởng trường THPT ở TP.HCM P.ĐIỀN - P.ANH ghi |