Kẻ lừa đảo mua hàng, đặt cọc rồi viện cớ đang ở nước ngoài để chuyển khoản, yêu cầu nhập mã OTP vào link lạ nhưng thực chất móc hết tiền trong ví nạn nhân. Đây là chiêu trò lừa đảo cũ rích. Nhưng, vẫn rất nhiều người bị lừa.
Đáng báo động, đối tượng mà chúng nhắm tới hiện nay còn có cả học sinh, sinh viên, những người đi làm thêm chỉ mong có khoản thu nhập để trang trải cho việc học hành, đỡ đần cha mẹ.
Lừa cả học sinh, sinh viên
Mới đây, QT. và bạn là học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM vừa bị lừa. Hai em bị mất 1,7 triệu đồng. Đó là số tiền còn lại và duy nhất có trong tài khoản của bạn. “Nếu có hơn, chắc tụi em cũng mất hết”, QT. ngậm ngùi chia sẻ.
Số tiền trong tài khoản "bốc hơi" chỉ sau 1 cú click chuột. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhớ lại câu chuyện bị lừa, cô nữ sinh vẫn không khỏi bàng hoàng. Hôm đó em có đăng bán một số mỹ phẩm, thì có một cô gái vào nhắn tin hỏi mua bảng mắt. Báo giá và chốt giá thành công, cô gái nhắn lại đầy đủ thông tin về mình để QT. chuyển hàng.
Số tiền chuyển khoản không lớn, chỉ vài trăm ngàn nhưng với học sinh như Q.T là cả vấn đề. Để chắc chắn, T. còn vào facebook cô gái mua hàng kiểm tra thông tin. Hình ảnh cô gái xinh xắn cùng lượng tương tác tương đối khiến em yên tâm phần nào. “Dưới ảnh của chị, có mấy người vào khen: Xinh quá con gái. Em có kiểm tra face những người này thì thấy họ giống như anh em họ hàng của cô này nên cũng yên tâm phần nào”, QT. nói.
Chiêu trò khiến nhiều người sập bẫy. Nhiều nạn nhân cảnh báo về thủ đoạn này.
Tuy nhiên, cô gái mua hàng cho biết hiện tại đang ở nước ngoài nên sẽ chuyển khoản trước. QT. tin tưởng và có mượn tài khoản ngân hàng của người bạn để nhận tiền vào.
“Chị ấy bảo đã chuyển tiền, nói em phải vào xác thực ngân hàng quốc tế thì mới nhận được tiền rồi gửi cho em link chuyển tiền quốc tế để em điền vào.
Chị bảo nếu không nhập nhanh code thì sẽ không nhận được và hết hiệu lực nên bạn em cũng nhập nhanh vào, mất cảnh giác về nội dung tin nhắn ngân hàng. Rồi ngân hàng gửi thêm một tin nữa thông báo tài khoản bạn em trừ hết 1,7 triệu đồng. Bạn em bảo trong thẻ đó chỉ có 1,7 triệu là đã bị trừ hết rồi”, QT. nhớ lại.
Sợ hãi không hiểu có chuyện gì xảy ra, em nhắn tin lại cho người mua nhưng không được hồi đáp, thậm chí người này còn chặn luôn facebook, không liên lạc được. Q.T tìm hiểu mới biết, té ra mình đã bị lừa và không phải là nạn nhân duy nhất. Trước đó, một số bạn bè em và nhiều người khác cũng sập bẫy bởi chiêu trò này.
Công an, ngân hàng liên tục cảnh báo
Thực ra chiêu trò này không mới. Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội đã được công an TP.HCM và công an các quận huyện cảnh báo rất nhiều lần.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, nạn nhân thường là những người mua bán đất, đặt cọc thuê villa, với số tiền khá lớn thậm chí là người quen thường liên lạc bảo nhắn số tài khoản nhận tiền… thì nay cả học sinh, sinh viên cũng rất dễ dàng sập bẫy.
Nhiều chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội đã được công an, ngân hàng cảnh báo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Câu chuyện bắt đầu chỉ với số tiền vài trăm ngàn thanh lý son môi, phấn mắt…chuyển tiền qua mạng.
Công an quận 3 cũng từng tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự. Cụ thể, một vụ việc xảy ra năm 2018, chị D. nhận được tin nhắn nhận số tiền 1.200 USD đặt cọc thuê villa ở Vũng Tàu của người thuê có tên Facebook là Vo Nhu Quang và một đường link được gửi tới để làm thủ tục nhận tiền. Sau khi đăng nhập, tài khoản của chị bị trừ gần 15 triệu đồng.
Thậm chí có nạn nhân chẳng mua bán gì, chỉ cung cấp số tài khoản cho người quen thường xuyên liên lạc cũng rất dễ sập bẫy. Câu chuyện của anh D. (quận 7) chính là một ví dụ. Khi đang làm việc, anh nhận được tin nhắn của người quen đang định cư ở nước ngoài với nội dung nói anh cung cấp số thẻ và tài khoản ngân hàng để chuyển cho 2.000 đô Úc. Do là người quen, thường liên lạc nên anh chẳng mảy may nghi ngờ, nhắn luôn số tài khoản.
Liền ngay sau đó, anh nhận được một đường liên kết qua tin nhắn Facebook để thực hiện giao dịch, nhập mật mã CVV và mã OTP của tài khoản vào đường liên kết trên. Nhưng thay vì nhận được tiền, anh D. tá hoả khi số tài khoản của mình bị trừ luôn 30 triệu đồng.
Công an cảnh báo khi nhận các tin nhắn nghi vấn, chuyển nhận tiền với người quen, người dân nên gọi điện trực tiếp cho người chuyển tiền để xác nhận thông tin. Nhiều tài khoản của bạn bè, người thân đã bị hack nhưng nạn nhân không hay biết dẫn tới sập bẫy. Với những trường hợp khác, người dân có thể gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kì ai.