Đó là nội dung dự thảo đề án khôi phục, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đang được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến các bộ, ngành.
Đề án cũng nêu rõ người dân bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển ở miền Trung có nhu cầu đào tạo nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Cụ thể, đối với người học trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề bao gồm học phí, sinh hoạt phí… Bên cạnh đó, người học được hỗ trợ thêm tiền ăn, chi phí đi lại (mức 30.000 đồng/người/ngày thực học và hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách nơi cư trú từ 15 km trở lên).
Ngư dân vùng biển sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt để có cuộc sống ổn định sau sự cố môi trường. Ảnh: VIẾT LONG
Đối với người học trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ toàn bộ học phí cho một khóa đào tạo. Trường hợp đang theo học thì hỗ trợ học phí cho thời gian còn lại của khóa đào tạo kể từ tháng 4-2016. Học sinh phổ thông và sinh viên đại học trong và ngoài công lập được hỗ trợ 100% học phí trong ba năm học (2016-2017, 2017-2018, 2018-2019).
Đề án cũng nêu rõ đối với những người có nhu cầu chuyển đổi nghề, tìm việc làm mới trong nước sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn tham gia các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công về khôi phục, tái tạo môi trường biển, phát triển du lịch tại địa phương…
Đặc biệt, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận người lao động thuộc đối tượng nêu trên vào làm việc (với cam kết sử dụng lao động theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên) được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ngoài ra, người lao động và cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ.
Đề án cũng quy định người dân bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển sẽ được ưu tiên đi làm việc ở nước ngoài bằng những nghề phù hợp với ngư dân vùng biển. Cụ thể, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ và xây dựng tại Thái Lan…
Ngoài ra, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học…
Ngư dân vùng biển phải sống được từ biển Trước đó, liên quan đến đề án này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan phối hợp soạn thảo đề án), cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được từ nguồn lợi biển, sinh kế từ biển. Có thể trước mắt sẽ cho người dân làm công việc tương tự tại vùng biển khác một vài năm, sau đó sẽ quay trở lại với nghề biển…”. |