Sáng 27-8, tại TP Huế, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ kê khai - thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ TN&MT.
Phải gần dân để nắm thiệt hại
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Kinh phí bồi thường của Formosa và kinh phí trong ngân sách của Nhà nước là hai khoản khác nhau. “Toàn bộ kinh phí sẽ được giải ngân trong thời gian sớm nhất, khoảng cuối tháng 9 sẽ về đến các địa phương”, ông Tám nói.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì tại Huế. Ảnh: NGUYỄN DO
Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng hội nghị lần này quá nhiều việc cần trao đổi và quá căng thẳng. Vì sự cố lần này là rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ.
“Tôi đề nghị không nên báo cáo mà nên tranh luận, cần có nhiều việc để thống nhất vì báo cáo lên trên mà không được thì lại gây sức ép cho các địa phương”, ông Sơn yêu cầu.
Để đánh giá chính xác thiệt hại. Ông Sơn cho hay các hội đồng thẩm định nên gần dân để nắm thiệt hại. Cần xuống tận các làng, xóm để cùng sinh hoạt với người dân, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc.
Ông Đặng Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NGUYỄN DO
Ngư dân Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vẫn đang ngóng chờ hỗ trợ sau sự cố môi trường biển. Ảnh: NGUYỄN DO
Ông Lê Minh Ngân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) thì đề xuất nên bổ sung đối tượng tàu trên 90 CV vào đối tượng hỗ trợ.
“Tại Quảng Bình hiện có 1.250 tàu trên 90 CV với hơn 10.000 lao động, những tàu thuyền này đánh bắt ở khu vực an toàn nhưng cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố môi trường. Vì giá cá giảm mạnh từ 30% đến 50% so với trước khi sự cố môi trường biển diễn ra”, ông Ngân nói.
Hỗ trợ ngư dân quá chậm trễ
Góp ý chọn một trong các phương án dự thảo khai thác thủy sản của Bộ NN&PTNT đưa ra, ông Lê Minh Ngân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) nói ông không đồng ý chọn phương án nào.
Vì theo ông Ngân, vấn đề này các cơ quan hàng đầu của Nhà nước phải thống nhất. Sau đó đưa ra cho ngư dân miền Trung biết và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Đồng quan điểm, ông Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) đưa ra đề xuất tăng cường kiểm tra hết các hàng tồn kho. “Nếu còn tiêu thụ được sẽ cho các cơ sở tiêu thụ, còn không thì tiến hành tiêu hủy, để giải quyết một cách đồng loạt”, ông Đồng nói và cho rằng: “Cứ để cho người dân đánh bắt, khi các tàu thuyền cập bến chúng ta nên xét nghiệm để cấp giấy chứng nhận cá an toàn cho ngư dân”.
Ông Nguyễn Văn Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế) lại cho rằng Bộ NN&PTNT yêu cầu đến ngày 10-9-2016 các địa phương phải hoàn thành tổng hợp báo cáo thiệt hại báo cáo cho Bộ là khá gấp rút. “Đến nay định mức và đơn giá chưa được thẩm định phê duyệt, khó cho việc đảm bảo đúng tiến độ”, ông Phương nói.
Hội nghị có sự tham dự đông đảo của một số bộ, ngành và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Ảnh: NGUYỄN DO
Tại hội nghị này, các đại biểu cũng mong muốn các bộ nên cử các tổ công tác xuống địa phương để cùng với địa phương đánh giá thiệt hại. Để khi địa phương báo cáo lên thì các bộ sẽ không còn những thắc mắc.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc đánh giá kê khai thiệt hại đến thời điểm này là rất chậm trễ: “Bộ NN&PTNT nên phê duyệt hỗ trợ trước cho người dân vì không thể để người dân đợi bồi thường lâu quá được”.
Trước các kiến nghị, đề xuất này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ đôn đốc các tỉnh triển khai đánh giá kê khai cho đúng thiệt hại của người dân, tránh để người dân bị thiệt. “Về thời gian nộp báo cáo đánh giá thiệt hại ra Bộ thì theo quy định là vào ngày 10-9-2016. Nhưng một số tỉnh yêu cầu gia hạn thì Bộ sẽ đề xuất lên Thủ tướng để xin ý kiến”, Thứ trưởng Tám cho biết.
Bốn phương án khai thác hải sản được Bộ NN&PTNT đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau của lãnh đạo bốn tỉnh miền Trung: - Phương án 1, cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ. - Phương án 2: Cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm ba vùng biển như Bộ TN&MT khuyến cáo (gồm cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 300 km2; vùng Nhật Lệ tỉnh Quảng Bình với diện tích 330 km2; vùng hòn Sơn Chà của tỉnh Thừa Thiên-Huế với diện tích 160 km2) và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ. - Phương án 3: Cho phép ngư dân khai thác bình thường; tăng cường giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ; cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đối với các nghề lưới rê, rê đáy, lăn, lồng bẫy. - Phương án 4: Cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ. |