Làng gốm thủ công truyền thống của người Chu ru nằm bên dòng sông Đa Nhim ở thôn Krăng-gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, đang thu hút nhiều nhóm học sinh từ TP.HCM và các tỉnh thành đến tham quan, trải nghiệm.
Nghề gốm truyền thống này được lưu truyền hàng ngàn năm bởi những người con Chu Ru yêu quê hương, xứ sở.
Người Chu ru duy trì nghề làm gốm giờ đây không còn nhiều. Tuy nhiên, họ vẫn có những cách khác nhau để loại gốm độc đáo này trở nên đẹp, có hồn cốt và thu hút được một bộ phận người dân, du khách tìm đến. Đó là tính truyền thống gắn với những câu chuyện chân thật nhất về người Chu ru trên cao nguyên này.
Bà Ma Ly, ngụ thôn Krăng-gọ nói rằng sở dĩ bà và con cháu người Chu ru giữ được nghề truyền thống này là vì tất cả nguyên vật liệu để làm ra những chiếc bình, nồi, chum, lu, vại hay cái ly, cái ấm đều lấy từ quê hương Krăng-gọ và được nhào nặn bằng chính đôi tay của con em mình.
"Chúng tôi vào núi Klơl lấy đất về phơi ba ngày, giã nhuyễn như bột và rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với nước để làm ra những vật dụng bằng gốm" - bà Ma Ly nói.
Cũng theo bà Ma Ly, từ hàng ngàn năm nay, đôi bàn tay cần cù của người Chu ru nhào nặn ra những sản phẩm để từ đó đổi lấy gạo, muối hoặc bán lấy tiền mua cá thịt. Cũng nhờ nghề gốm mà người Chu ru hai lần thoát chết đói khi làng bị giặc đốt cháy.
Một số hình ảnh đáng yêu của nhóm học sinh ở TP Hồ Chí Minh đang trải nghiệm làm gốm của người Chu ru: