Đi tìm người Chu Ru cuối cùng giữ nghề gốm ở Krăng-gọ

(PLO)- Gốm Krăng-gọ là những sản phẩm gốm không có hoa văn đã lặng lẽ sống cùng với người Chu Ru ở Krăng-gọ bao đời nay. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nằm bên dòng sông Đa Nhim, thôn Krăng-gọ xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng lặng yên nghe tiếng vi vút của những hàng thông già bên triền núi KLơl. Nơi đây, còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống hàng ngàn năm của người Chu Ru.

Làng cháy, nhà cháy nhưng gốm của người Chu Ru vẫn còn đó

Được nhiều người giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của bà Ma Ly ở thôn Krăng-gọ. Bà Ma Ly vừa ngồi dậy sau trận ốm nhưng khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề làm gốm, bà Ma Ly trở nên nhanh nhẹn và sôi nổi hơn.

Bà Ma Ly đang tạo tác chiếc bình.

Bà Ma Ly đang tạo tác chiếc bình.

“Để tôi lấy đất làm một cái bình thực tế cho anh xem”, bà nói bằng tiếng Kinh rành rẽ khi chúng tôi chưa kịp hỏi thăm câu nào.

Vừa mở bao đất, bà Ma Ly vừa kể, đất này bà trực tiếp lấy từ trong núi Klơl. Đất cũng đã được phơi 3 ngày, giã nhuyễn như bột và rây lấy phần mịn nhất.

Nguyên liệu để làm gốm của bà Ma Ly cũng chỉ duy nhất một loại đất trộn với nước.

Chiếc bình dần hình thành dưới bàn tay của người nghệ nhân.

Chiếc bình dần hình thành dưới bàn tay của người nghệ nhân.

Bà Ma Ly cho biết “Mình không biết nghề này của người Chu Ru bắt đầu từ khi nào, chỉ biết mình làm từ thời bà nội mình hồi năm 1981. Khi đó, mình sanh thằng con, mình thấy cuộc sống quá ngặt nghèo thời bao cấp, không có gạo ăn nên mình mới nhớ lại bà nội nói rằng nếu mà con đói khổ quá thì con làm gốm để đổi gạo, đổi bắp, đổi khoai lang mà nuôi con”.

Vừa kể, bà Ma Ly vừa nhào đất rồi đặt lên một cái ghế đôn cắt ra từ một gốc cây. Bà dùng tay không, đi vòng quanh cái ghế rồi cứ thế nặn, vuốt để tạo hình cái bình từ cục đất vô tri.

Sau khi cái bình thành hình, bà Ma Ly lấy một miếng vải bố nhúng ướt sũng nước rồi vuốt xung quanh bình để tạo độ bóng mịn. Sau khi hoàn thành, bà bưng cả ghế và bình đem ra phơi nắng.

Tất cả quy trình từ khi nhào bột cho đến khi cái bình được hoàn thành và đem ra phơi nắng không quá 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, bà Ma Ly nói phải phơi nắng rồi chiều ra nắn, vuốt lại cho tròn và đều hơn. Cũng vì không có khuôn và bàn xoay nên trên kệ trưng bày sản phẩm không có cái nào giống cái nào, mỗi cái đều có nét riêng biệt của nó.

Người Chu Ru nung các sản phẩm gốm bằng củi và đốt trực tiếp.

Người Chu Ru nung các sản phẩm gốm bằng củi và đốt trực tiếp.

Sau khi phơi cái bình vừa làm được trở vào bàn ngồi uống nước, thấy chúng tôi còn có vẻ tiếc nuối, bà Ma Ly gọi người chị gái của mình nói mấy câu bằng tiếng Chu Ru. Người chị, sau đó xếp đống củi bao quanh 2 bình gốm đã phơi khô để nung.

Người Chu Ru cuối cùng còn giữ nghề làm gốm

Trong nhà bà Ma Ly và người chị gái còn chất rất nhiều sản phẩm gốm như: chum, chóe, nồi, bình, ly, khay …do bà và chị, em, con, cháu làm ra. Những sản phẩm gốm ở đây chủ yếu có màu đen, không đồng nhất về kích cỡ, độ dày mỏng. Giải thích về điều này, bà Ma Ly cho biết do tất cả các sản phẩm đều được làm bằng tay, không có bất cứ khuôn mẫu, bàn xoay hay máy móc gì nên mỗi sản phẩm là duy nhất.

Trong nhà bà Ma Ly và người chị gái còn rất nhiều sản phẩm gốm khác.

Trong nhà bà Ma Ly và người chị gái còn rất nhiều sản phẩm gốm khác.

Bà cho biết giá của mỗi cái ly khoảng 40.000 đồng, cái bình nấu nước có giá 80.000 đồng. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này rất hạn chế, chủ yếu bán cho cha chánh xứ nhà thờ Ka Đơn để làm quà tặng và một số khách du lịch.

Mặc dù vậy, bà Ma Ly chia sẻ dù khó khăn nhưng bà quyết không bỏ nghề. Hiện, bà đang thuê các cháu của mình nặn các sản phẩm với mục đích truyền dạy và hy vọng con cháu bà có thể giữ được nghề làm gốm của người Chu Ru.

Bà Ma Ly kể: “Làng này 2 lần ngặt nghèo cũng nhờ gốm mà sống. Hai lần đi ăn xin rồi, trong đó có 1 lần bị giặc đốt làng. Mọi thứ cháy sạch sẽ hết không còn một cái gì để ăn, thế mà cái làng gốm này thì lửa càng cháy đồ gốm càng cứng hơn nên không bị hư. Thế là khi về làng, mọi người tìm xem cái nào còn thì xách sang làng khác để đổi gạo, bắp mang về ăn.”

Các sản phẩm gốm được trưng bày trong nhà bà Ma Ly.

Các sản phẩm gốm được trưng bày trong nhà bà Ma Ly.

“Mình nghe lời Bác Hồ dạy cái gì mình nên làm thì phải làm và giữ lại cho con cháu sau này mà bà của mình dạy cũng không khác Bác Hồ luôn, đây là truyền thống của mình không bỏ được, nếu mình bỏ cái này thì đói khổ biết lấy gì mà sống”, bà Ma Ly nói.

Bà Ma Ly chia sẻ cho dù cả tỉnh Lâm Đồng chỉ còn một mình bà làm nghề gốm này thì bà vẫn làm và giữ nghề của dân tộc Chu Ru.

Xây dựng xã Pró thành điểm đến du lịch

Trước nguy cơ nghề truyền thống này bị mai một, năm 2015, xã Pró đã từng mở lớp cho 12 học viên và 3 nghệ nhân đào tạo, truyền nghề làm gốm nhằm thực hiện mô hình đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề nhưng vẫn không mấy ai sống được với nghề này.

Bà Hoàng Ngọc Bảo Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Pró cho biết, do đầu ra rất khó khăn nên nghề làm gốm ở Krăng-gọ đã dần mai một. Hiện tại, nơi đây chỉ còn duy nhất nhà bà Ma Ly và mấy chị em, con cháu theo đuổi và giữ gìn nghề truyền thống này. Địa phương cũng đã có kế hoạch để lưu giữ, bảo tồn nghề gốm truyền thống của người Chu Ru.

“Sắp tới, xã có dự định xây dựng xã Pró thành điểm đến du lịch lồng ghép các làng nghề như làng gốm này. Xã sẽ tạo ra các lớp trải nghiệm cho học sinh tham quan mô hình thực tiễn ở chỗ làng nghề bà Ma Ly”, bà Linh nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm